Mẹ&Con – Với 7 nguyên tắc đi chợ trong bài viết dưới đây, bạn vừa có thể tiết kiệm được một khoản kha khá cho “ngân sách” gia đình mà vẫn đảm bảo bữa ăn chất lượng cho các thành viên.

Giảm tiền chợ nhưng vẫn phải đảm bảo có những bữa ăn ngon lành, đủ chất cho cả gia đình là rất khó. Tuy nhiên, khéo thu vén một chút, bạn sẽ làm được. Chi phí tiền chợ chiếm khá nhiều trong “quỹ” gia đình nên nếu tiết kiệm được khoản này, bạn sẽ có thể dư ra chút đỉnh trong một năm khó khăn đấy.

Cân nhắc và mua thật chính xác thứ cần

Nghe lời khuyên này có vẻ thừa, song kỳ thực không hề thừa. Bạn có nhớ lần dọn dẹp chạn bếp và tủ lạnh gần đây nhất không? Cả một đống các thứ bạn mua, dùng chưa hết hoặc thậm chí chưa kịp dùng đã hết hạn sử dụng, hư hỏng phải vứt đi. Ngay cả thức ăn đi chợ về bỏ tủ lạnh cũng vậy. Nhiều loại rau củ ăn không kịp, bị hư, bạn phải bỏ thùng rác trong sự tiếc nuối.

> Top những mẹo chăm sóc gia đình mẹ nào cũng cần bỏ túi ngay!

Nếu như bạn chưa bao giờ bỏ đi một loại rác thực phẩm nào, hoặc mỗi lần tổng vệ sinh, dọn dẹp, bạn hầu như chẳng có gì phải bỏ đi thì quá tốt. Ngược lại, nếu bạn từng có những lần vứt “rác” chính là các thứ mua về không dùng kịp, nên kiểm soát lại thật chặt chẽ cách mua sắm của mình. Mỗi khi định mua cái gì, hãy cân nhắc bạn có thật sự cần không, dùng thế nào, dùng hết không (những món chưa bao giờ ăn thử thì chỉ nên mua chai nhỏ hoặc hũ nhỏ, phù hợp mới mua chai/ hũ/ hộp lớn để không bỏ phí).

7 cách tiết kiệm tiền đi chợ

(Ảnh minh họa)

Mua sỉ thay vì mua lẻ

Có một số thứ đặc biệt thiết yếu và bạn biết chắc mình dùng quanh năm, hạn sử dụng cho phép kéo dài, nên tính toán để mua sỉ hoặc mua khi có chương trình khuyến mãi để tiết kiệm tiền. Chẳng hạn, nếu bạn mua từng túi gạo nhỏ 5 – 10kg ở siêu thị thì giá chắc chắn đắt hơn khi mua một bao gạo lớn tại đại lý gốc. Tương tự, các chị em bạn cùng phòng có thể chung nhau mua một thùng dầu ăn rồi về chia ra mỗi người vài chai, chắc chắn sẽ được giá rẻ hơn bạn mua từng chai lẻ. Khi có chương trình khuyến mãi, bạn có thể mua cùng lúc 2 chai nước tương lớn để được tặng thêm chai nhỏ hoặc mua 1 thùng mì gói để được giảm giá nhiều hơn.

Đăng ký làm khách hàng thân thiết của siêu thị

Hiện nay, nhiều siêu thị có các chương trình ưu đãi rất tốt dành cho các khách hàng thân thiết. Chẳng hạn như bạn sẽ được chiết khấu, được giảm giá một số mặt hàng đặc biệt, được mua một số nhu yếu phẩm với giá ưu đãi. Cuối năm, bạn còn được nhận quà tặng giá trị (thường là phiếu mua hàng để bạn có thể đi chợ tiếp). Đừng cho rằng vài đồng “lẻ” chẳng đáng là bao. Nhiều người đến cuối năm, nhận chiết khấu của siêu thị lên đến cả triệu đồng (hoặc hơn) đấy.

Tự trồng rau

Bạn đừng vội phản đối ngay: “Nhà ở thành phố làm sao mà trồng!”. Thực tế, chỉ một khoảng sân nhỏ trên sân thượng, hoặc một ban công bé xíu cũng cho phép bạn xoay xở trồng vài thứ… lặt vặt có thể dùng trong gia đình. Vài cây chanh, cây ớt, vài thùng rau mầm, một ít hành ngò, sả, v.v. sẽ chẳng cần đến cả một khoảng vườn bát ngát mới trồng được đâu. Nhiều gia đình ở thành phố hiện nay đã có thể tự mình trồng rau mầm và ăn toàn các thức ăn “nhà trồng” đấy. Vừa tiết kiệm vừa đảm bảo cho sức khỏe, sao không thử nhỉ?

Bạn yên tâm, thực phẩm giảm giá được nhắc đến ở mục này không phải là thực phẩm kém chất lượng đâu. Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra ở các siêu thị, một số mặt hàng phải theo tiêu chuẩn rất khắt khe, sử dụng trong ngày. Do đó, khi sang buổi chiều hoặc tối, dù thực phẩm vẫn còn tươi nguyên, ngon lành, nhưng giá sẽ được giảm xuống rất nhiều (có khi chỉ còn một nửa) để kích thích mọi người mua nhanh, mua hết. Hãy để ý để có thể mua được thực phẩm tươi ngon vào thời điểm giá tốt nhất cho bạn. Xin bật mí với bạn, “chiêu” này được rất nhiều người nước ngoài sống ở Việt Nam sử dụng đấy. Vì ngay từ khi ở nước họ, họ đã quen với việc đến chiều tối thì một số thực phẩm ở siêu thị sẽ giảm giá nhiều. Trong khi ở nước ta, nhiều người lại không biết điều này, dù hầu như siêu thị nào cũng có áp dụng cả.

Khảo sát giá kỹ

Nếu bạn đi chợ ở siêu thị thì hầu như ít phải theo dõi điều này, nhưng nếu bạn đi loại chợ truyền thống thì cần đấy. Nhiều người bán hàng hay nói thách. Sẽ rất “tiếc tiền” nếu như sau khi mua xong một món gì đó, bạn phát hiện chỉ cách vài bước chân, chỗ khác bán giá rẻ hơn. Nên tập trả giá hoặc tham khảo kỹ giá, biết chính xác giá để không bị “hớ”, phải mất thêm một khoản tiền vô nghĩa khi đi chợ.

Lập những thực đơn thông minh

Thực đơn thông minh là thực đơn bao gồm những món tươi ngon, cung cấp đủ chất cho các thành viên trong gia đình mà giá lại rẻ. Đừng tập trung vào những món đắt tiền, vượt quá ngân sách của bạn. Chẳng hạn cá hồi rất tốt cho bé yêu, nhưng giá cá hồi đắt hơn gấp vài lần đến hàng chục lần so với một số loại cá khác (cũng bổ dưỡng không kém).

Không nhất thiết lúc nào cũng phải là cá hồi nếu như điều kiện kinh tế gia đình bạn không cho phép. Đừng quên rằng những củ khoai lang rẻ không có nghĩa là chúng không bổ dưỡng hay không tốt; hến rất rẻ, rất dễ chế biến nhưng lại vẫn cung cấp được những dưỡng chất quan trọng và giúp con bạn ngon miệng; một số loại cá đồng như cá lòng tong có thể cung cấp nhiều canxi (ăn được cả xương) mà giá lại rất “mềm”.

Thực tế, bạn có thể cung cấp đủ lượng calo và các nhóm chất cho các thành viên trong gia đình mình với một thực đơn tiết kiệm chỉ bằng phân nửa giá tiền một thực đơn khác, “sang trọng” hơn nhưng cũng chỉ để cung cấp đủ các chất như thế. Sự vun vén khéo léo của người mẹ trong trường hợp này rất quan trọng. Bằng những thực đơn thông minh, bạn sẽ tiết kiệm được chi phí cho gia đình nhưng vẫn đảm bảo các thành viên đầy đủ sức khỏe và ngon miệng với những bữa cơm canh nóng hổi.

> 5 cách quản lý tài chính chuẩn bị cho nền tảng hôn nhân vững chắc

Tags:

Bài viết liên quan