Mẹ&Con – Khi sinh nở, bạn được “truyền” lại rất nhiều lời khuyên từ những người xung quanh về việc chăm sóc trẻ, nhất là các vấn đề có liên quan đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bạn thấy bối rối vì có quá nhiều kinh nghiệm phải học, hãy chỉ nhớ 6 quy luật nuôi con bằng sữa mẹsau đây thôi nhé!

Quy luật 1: Da kề da

Khoảnh khắc chào đời cũng là lúc trẻ bị “buộc” phải rời khỏi chiếc tổ ấm áp quen thuộc, khởi đầu cho sự tồn tại độc lập bên ngoài. Lúc này, phản xạ tự nhiên của trẻ là sợ hãi, căng thẳng và biểu hiện bằng cách quấy khóc. Thời gian khóc có thể nhiều hơn đến 40 lần nếu trẻ quá sợ. Những cơn khóc này sẽ khiến chức năng phổi bị ảnh hưởng, áp lực nội sọ tăng, quá trình đóng lỗ thông liên nhĩ chậm lại và tăng hóc môn cortisol gây stress. Nếu không xử lý kịp thời, sự căng thẳng quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ về sau.

nuôi con bằng sữa mẹ

Để ngăn ngừa tổn thương cho trẻ, mẹ nên đặt trẻ lên ngực, vùng da ấm nhất của mình, ngay khi vừa được sinh ra và có thể duy trì đến khoảng 24 giờ đầu. Sự tiếp xúc dịu dàng của mẹ và con giúp bé yêu cảm nhận được hơi ấm, lan tỏa cảm giác an toàn. Trẻ sẽ ngủ sâu và dài hơn. Nhờ đó, các hạch hạnh nhân, bộ phận quan trọng và nằm sâu trong trung tâm não, được kích thích trưởng thành, giúp trẻ có trí nhớ, cảm xúc và khả năng cảm thụ tốt hơn khi lớn lên.

Theo các nghiên cứu khoa học, khi được tiếp xúc 20 phút với da mẹ, nồng độ cortisol giảm khoảng 70%. Trẻ không căng thẳng nữa sẽ tránh được nhiều vấn đề về tiêu hóa và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.

Ở góc độ khác, khi được tiếp xúc da kề da với mẹ, tỷ lệ bé được bú mẹ cũng tăng lên do trẻ cảm nhận được “mùi” của mẹ và sinh ra phản xạ tìm vú. Nhờ vậy, trẻ nhanh chóng thuần thục việc bú mẹ, kích thích sữa nhanh về và quan trọng nhất là thu nạp trọn vẹn nguồn sữa non quý giá.

Quy luật 2: Càng sớm càng tốt

Nhiều người cho rằng, sau 3 ngày sinh nở sữa mẹ mới bắt đầu về. Do đó, trong khoảng thời gian này họ cho trẻ bú sữa công thức để mẹ nghỉ ngơi, giúp cho quá trình tạo sữa nhanh hơn. Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, việc làm này khiến bạn để lỡ mất khoảng thời gian “vàng” của quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Từ khoảng tam cá nguyệt thứ 2, ngực mẹ đã bắt đầu quá trình tạo sữa để nuôi con. Vì thế, khi mẹ sinh con, sữa đã có sẵn với một số lượng nhất định và được gọi là sữa non. Loại sữa quý giá này có màu vàng nhạt, giàu chất đạm gấp 10 lần sữa trưởng thành, lại chứa nguồn kháng thể và vitamin A vô cùng dồi dào. Đây chính là liều vắc xin đầu tiên giúp trẻ chống lại các nguy cơ dị ứng, bệnh nhiễm khuẩn và đạt được thị lực tối ưu nhờ có giá trị dinh dưỡng vượt bậc so với sữa chuyển tiếp (tức là khi bé được 5 ngày tuổi cho đến 2 tuần sau sinh) và sữa trưởng thành sau này.

Do đó, khi trẻ không còn tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ nhau thai nữa, mẹ nuôi con bằng sữa mẹ cần cho trẻ bú ngay. Những giọt sữa đầu đặc sánh dù chỉ khoảng 10ml vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Chưa hết, cho con bú mẹ càng sớm càng giúp mẹ nhanh chóng phục hồi sau ca vượt cạn. Bởi lẽ, khi trẻ bú, tuyến yên của mẹ tiết ra hóc môn oxytocin giúp tử cung co bóp, nhanh chóng làm bong nhau thai và ngăn ngừa tình trạng băng huyết sau sinh.

Quy luật 3: 20 phút

Đó là khoảng thời gian lý tưởng nhất dành cho một cữ bú của bé. Trên thực tế, thời gian cho một lần bú mẹ có thể kéo dài hơn, thậm chí là lên đến 1 giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe vẫn khuyên mẹ cho con bú trong khoảng 20 phút.

Nguyên nhân được giải thích là trong thời gian này, bé được bú đủ sữa đầu (fore milk) và cả sữa béo (hind milk). Sữa đầu loãng như nước, có màu trắng đục giúp bé giải khát và đảm bảo đủ lượng để lắp đầy chiếc dạ dày đang háu đói.

nuôi con bằng sữa mẹ

Sau đó sữa mẹ sẽ nhanh chóng chuyển sang đục hơn, hàm lượng chất béo cũng như năng lượng tăng dần và trở nên cao nhất ở cuối cữ bú của bé. Sữa này sẽ giúp bé thu nạp chất dinh dưỡng quan trọng cho quá trình phát triển.

Vì lẽ đó, nếu mẹ cho bé bú quá nhanh nghĩa là bé mới chỉ tiếp xúc được với nguồn sữa đầu đầy nước mà không thu nạp được lượng sữa béo giàu dinh dưỡng. Bé không nạp đủ chất, chậm tăng cân và không bắt kịp đà tăng trưởng như các bạn cùng trang lứa. Ngược lại, nếu bú lâu, bé sẽ ngủ chập chờn vì không trọn giấc. Thậm chí, một cữ bú quá dài còn khiến cho ti mẹ dễ bị nứt vì trẻ ngậm quá lâu.

Quy luật 4: Vắt cạn

Việc sản xuất sữa mẹ bị chi phối rất nhiều bởi quy luật của cơ thể mẹ. Nếu mẹ cho con bú cạn, khi được tái tạo sữa tự khắc sẽ về đầy vú. Nhờ vậy, mẹ sẽ có nguồn sữa dồi dào để tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ lần sau. Ngược lại, nếu mẹ chỉ cho con bú khoảng 50%, rồi chuyển sang vú khác hoặc ngừng bú do trẻ đã ngủ, cơ thể mẹ sẽ nhanh chóng “quen” với chế độ này. Việc tạo sữa từ đó bị ảnh hưởng, sữa mới ít được tạo ra và quá trình nuôi con bằng sữa mẹ cũng không thuận lợi.

Một mách nhỏ cho mẹ nuôi con bằng sữa mẹ là trong lúc cho con bú, nếu thấy trẻ ngủ quá nhanh trong khi chỉ mới bú khoảng một nửa lượng sữa có trong vú mẹ (khi sờ mẹ thấy ngực còn căng), mẹ nên dùng máy chuyên dụng hút sữa ra ngoài trữ lạnh cho cữ bú sau. Gợi ý này sẽ giúp đảm bảo lượng sữa dồi dào cho bé yêu nhờ tuân thủ quy luật “Vắt cạn” ở trên.

Thêm một lưu ý nữa cho mẹ là thông thường, vú bên phải thường tạo được nhiều sữa hơn so với vú trái. Vì thế, mẹ nên chú ý điều này để thay đổi bên sao cho phù hợp. Tránh tuyệt đối tình trạng cho bé bú một bên để bên còn lại teo tóp và dẫn đến mất sữa nhé.

Quy luật 5: 2 giờ/cữ bú

Tùy theo cân nặng và sức khỏe của trẻ, trung bình mỗi trẻ sẽ bú khoảng 8-12 cữ/ngày, tương đương 2-3 giờ/cữ. Mẹ có thể tuân theo “thời gian biểu” này để cho trẻ bú sao cho phù hợp.

Vì sao lại như thế. Trên thực tế, nếu mẹ đánh thức trẻ quá thường xuyên để bú, sữa của cữ trước vẫn chưa được tiêu hóa hết khiến trẻ không hào hứng với việc bú mẹ. Việc làm này gây nên hệ lụy là trẻ thiếu ngủ, không tỉnh táo khi bú nên dẫn đến cáu gắt, khó chịu.

Thứ hai, nếu mẹ cho bé ngủ quá nhiều (khoảng 4-5 tiếng), trẻ sẽ không được nạp đủ lượng sữa cần thiết nên dễ thiếu chất và chậm tăng cân, khó bắt kịp đà tăng trưởng. Chưa hết, nếu cữ bú của trẻ quá thưa, phản xạ kích thích tiết sữa không được thường xuyên kích hoạt sẽ khiến cơ thể mẹ “quên” nhiệm vụ tạo sữa và nhanh chóng bị mất sữa.

Quy luật 6: 500 Kcal/ngày

So với những người bình thường, người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ cần phải có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Khẩu phần hàng ngày phải đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên cung cấp thêm 500 kcal so với nhu cầu thông thường để tạo khoảng 800 ml sữa cho bé yêu.

Đó chính là những bữa ăn cân đối với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm thiết yếu như chất bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Khi dùng tinh bột, mẹ nuôi con bằng sữa mẹ nên chọn loại ngũ cốc nguyên hạt, chưa xay xát kỹ hay chế biến sẵn để đảm bảo nguồn vitamin B1 cho cơ thể. Với chất đạm, mẹ cần bổ sung 28 gam/ngày trong khoảng 6 tháng đầu nuôi con nhỏ và 1 quả trứng ăn cách ngày. Ngoài ra, mẹ đừng quên tăng cường nguồn đạm thực vật có trong các loại ngũ cốc như đậu tương, đậu đen, lạc (đậu phộng), vừng (mè)… nữa nhé.

Bên cạnh đó, mẹ nuôi con bằng sữa mẹ chắc chắn không được quên rau xanh, các loại trái cây như: rau ngót, rau dền, cà rốt, chuối, đu đủ, cam… sẽ giúp mẹ cung cấp nguồn vitamin và chất khoáng cho cơ thể, đảm bảo chất lượng cho nguồn sữa mẹ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan