1. Tập cho con ăn phong phú
Không ít bà mẹ đau đầu với chuyện con mình chỉ chịu ăn rất ít món, trong khi con nhà hàng xóm thì… “cho gì cũng ăn”, “ăn nhìn bắt ham”. Thực tế, mọi đứa trẻ khi chào đời đều bú mẹ và đến 5-6 tháng tuổi mới bắt đầu làm quen với việc ăn dặm như nhau. Có một chút yếu tố “trời sinh tính” ở đây, nhưng phần lớn việc dễ ăn của bé vẫn bắt nguồn từ chính người mẹ, nhờ quá trình giúp bé tập ăn phong phú ngay từ bước đầu.
Do vậy, lời khuyên đầu năm của bác sĩ là mẹ đừng quá “kỹ” con theo cách hạn chế nghiêm ngặt từng loại thức ăn, cái gì cũng sợ con ăn không được rồi không cho con thử. Có bà mẹ, đụng đến khổ qua thì lo con đắng, đụng đến cá sợ cá tanh hoặc sợ bé hóc xương, đụng đến thịt mỡ sợ bé béo phì…, cứ thế vô tình hạn chế thói quen ăn uống của con và tập dần cho con “khó tính”.
Việc hạn chế quá nghiêm ngặt thức ăn, nhất là nhóm chất béo và sữa rất nguy hiểm đối với sự phát triển của trẻ, đặc biệt là với não bộ và thần kinh. Trừ trường hợp trẻ tăng cân quá nhanh, có dấu hiệu béo phì mới cần thay đổi, điều chỉnh một chút về dinh dưỡng, còn lại, bạn nên khuyến khích con thử nhiều món, cảm nhận thật nhiều hương vị.
2. Mẹ ơi, đừng vội!
Khoảng 5-6 tháng tuổi, bé sẽ chuyển từ giai đoạn bú sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức) hoàn toàn sang ăn dặm. Đây là giai đoạn nhiều mẹ rất nôn nóng khi thấy con sụt cân, ăn ít và cứ thế ép bé ăn.
Kỳ thực, mẹ không nên sốt ruột, “đốt giai đoạn” ở thời điểm quan trọng này. Bé bắt đầu ăn dặm luôn cần theo công thức: Từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Ở khoảng 6 tháng tuổi, nếu 1 bé ăn tốt có thể ăn gần 2 chén bột, chia làm 2-3 cữ/ngày. Nếu bé ăn ít hơn cũng không sao. Mẹ cứ kiên nhẫn cho bé ăn đúng nhu cầu, chỉ tăng dần lên thật chậm từng ít một.
Ban đầu, mẹ tập bé ăn bột pha sẵn. Sau một thời gian, nên chuyển sang nấu bột hoặc cháo cho bé. Mỗi chén bột hay cháo, nên cho 1 muỗng canh thịt hay cá băm nhuyễn, 2 muỗng canh rau xanh và 1 muỗng canh dầu ăn (không được thiếu dầu ăn trong chế độ dinh dưỡng của trẻ em, mẹ ghi nhớ điều này nhé!). Ngoài ra, bé vẫn cần được duy trì lượng sữa vào khoảng 600-700ml/ngày trong lúc này.
Không sốt ruột, kiên trì, không gây áp lực cho bé, giữ cho không khí bữa ăn luôn vui vẻ trong giai đoạn quan trọng này là bạn đã tạo một nền tảng rất tốt để giúp con phát triển về sau.
3. Không lạm dụng “thuốc trị biếng ăn”
Sốt ruột với tình trạng con ăn không ngon miệng, không tăng cân nhiều như mong muốn, hay so sánh con với bé hàng xóm và thấy con có vẻ ít bụ bẫm hơn, nhiều mẹ đã thi nhau lùng mua đủ loại thuốc, cốm, viên bổ sung vitamin… được cho là có khả năng giúp bé ăn ngon hơn.
Thực tế, đây là việc làm không đúng, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài với bé. Trừ khi bé thật sự gặp phải vấn đề về sức khỏe, dinh dưỡng, đã được các bác sĩ khám và cân nhắc kỹ mới cho thuốc, còn lại, thực phẩm tự nhiên bao giờ cũng tốt hơn thuốc, kể cả với người lớn lẫn trẻ em.
Chẳng hạn, nếu muốn bổ sung cho trẻ vitamin C, bạn cho con uống một cốc nước cam ép hoặc ăn vài quả quýt sẽ tốt hơn nhiều so với việc dùng viên sủi, viên uống bổ sung vitamin C cho con.
4. Không đổi sữa thường xuyên
Đang cho bé uống sữa này, thấy con có vẻ chậm lên cân, lại nghe các mẹ khác mách nhau uống sữa kia “tốt lắm”, thế là bạn sốt ruột tính đến chuyện… đổi sữa cho con. Đây là một trong những sai lầm phổ biến của mẹ trong vấn đề dinh dưỡng của bé, dẫn đến việc bé dễ mắc phải một số rối loạn.
Lời khuyên cho bạn là: Nên tận dụng nguồn sữa mẹ và nỗ lực cho bé bú sữa mẹ càng lâu càng tốt, càng nhiều càng tốt đến khi bé được 24 tháng. Trường hợp vì một vài lý do nhất định, cần chọn sữa công thức thì cố gắng đừng vội vàng đổi sữa, trừ khi trẻ gặp vấn đề lớn về tiêu hóa, hấp thụ và có tư vấn từ bác sĩ trực tiếp khám cho con.
Khi bạn đổi sữa thường xuyên, bé có thể bị rối loạn tiêu hóa nếu bé còn nhỏ và bé cần phải có thời gian để thích nghi với mùi vị mới của sữa. Những trường hợp thực sự cần thiết phải đổi sữa, bạn nên đổi từ từ (bằng cách thay 1 cữ sữa cũ xen kẽ với 1 cữ sữa mới sau đó tăng dần cữ sữa mới và giảm dần cữ sữa cũ).
5. Ăn đúng cách để tránh cho trẻ bị táo bón
Táo bón là vấn đề khá thường gặp ở các phòng khám nhi và đặc biệt là phòng khám tiêu hóa, dinh dưỡng. Bệnh có thể do nguyên nhân thực thể tại ruột (hẹp hậu môn, dài đại tràng, một số nguyên nhân nội tiết, trẻ béo phì…) nhưng đa phần là táo bón chức năng, nghĩa là trẻ không có bệnh nhưng do chế độ ăn uống và thói quen đi ngoài không đúng gây ra.
Có 3 giai đoạn trẻ hay bị táo bón là khoảng tuổi ăn dặm, tuổi tập chế độ đi ngoài (2-4 tuổi) và tuổi đi học. Bên cạnh tập cho bé thói quen đi ngoài đúng giờ, đều đặn, mẹ cần lưu ý cung cấp cho trẻ một chế độ ăn hợp lý với đầy đủ rau, trái cây, ngũ cốc và uống đủ nước.
Chỉ uống sữa không giúp trẻ đỡ táo bón được, chưa kể nếu trẻ uống sữa quá nhiều sẽ giảm phần ăn nên cũng giảm lượng chất xơ gây nhuận tràng. Cách làm đúng là cung cấp cho trẻ đủ lượng nước, luôn có món canh trong bữa ăn hàng ngày từ tuổi ăn dặm, bổ sung cho trẻ đều đặn lượng rau củ, trái cây, các món sinh tố… Nên tránh tình trạng táo bón từ ban đầu, vì nếu đến khi trẻ táo bón mạn tính, việc chữa trị sẽ trở nên mất thời gian. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, ăn uống, phát triển của trẻ.
6. Cẩn trọng với các biện pháp dân gian
Rất nhiều lời khuyên của ông bà trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ đến nay vẫn rất hữu ích và phù hợp. Tuy nhiên, một số biện pháp cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập, được điều chỉnh dần theo thời gian. Bạn cần “cập nhật” điều này, để biết nên ứng dụng những gì và nên tránh những gì cho con.
Chẳng hạn như, nhiều cụ già đến nay vẫn tin rằng cách mẹ nhai sẵn cơm rồi nhả ra, mớm cho trẻ mới tập ăn dặm là tốt. Song, các bác sĩ khẳng định đây là cách làm không nên áp dụng, vì những vi khuẩn từ miệng người lớn có thể truyền sang cho trẻ, gây ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ.
Một ví dụ khác, nhiều người già vẫn chọn cơm rượu như món ăn giúp “kích thích tiêu hóa”, “trừ giun sán”, “giúp bé ngon miệng” hơn. Trong khi đó, sự thật là cơm rượu hoàn toàn không thích hợp cho trẻ em, vì rượu là chất kích thích, gây nghiện và có thể hại cho gan, khuyến cáo không sử dụng dù lượng nhỏ với trẻ em dưới 3 tuổi.