1. Mẹ đừng làm thế với cháu!
Trong quá trình nuôi con, bạn sẽ gặp một số sự “bất đồng quan điểm” với mẹ chồng. Tuy nhiên, đừng luôn miệng nói với bà rằng bà không được làm cái này, không nên làm thế kia với cháu. Chỉ trừ bố mẹ, còn lại ông bà chính là người thương con bạn nhất, đáng để bạn tin cậy nhất! Đừng tạo nên khoảng cách và đừng làm tổn thương tình cảm đó chỉ vì bạn muốn “giành” con về phía mình. Thay vì phản đối kịch liệt mọi thứ bà nội làm cho cháu, bạn hãy học cách dung hòa. Cái gì khác biệt quá lớn về quan điểm có thể nhờ bác sĩ tư vấn thêm hoặc trao đổi nhẹ nhàng. Bạn cũng nên nhờ bà nội một số việc cụ thể. Bằng cách đó, bà sẽ không can thiệp vào tất cả mọi khâu trong quá trình bạn chăm sóc, nuôi dạy con nữa mà bà vẫn vui vì thật sự thấy mình đang giúp được con, cháu!
2. Chúng con đang túng lắm mẹ ạ!
Mẹ ruột nghe câu này sẽ chỉ nghĩ đơn giản rằng bạn đang khó khăn, than vãn tí đỉnh với mẹ cho đỡ buồn. Nhưng nếu mẹ chồng nghe câu này, bà có thể suy diễn ra rằng: Bạn không muốn chồng phụ giúp gia đình khoản nào đó, bạn “xấu tính” và chỉ muốn chăm chăm gom góp cho mình. Đã từng có mẹ chồng xẵng giọng: “Đã ai xin cô đồng nào mà cô phải than với vãn!”. Vì vậy, khi bạn gặp khó khăn về tài chính, tốt hơn hết vẫn nên giữ trong lòng, chỉ thổ lộ ở mức độ khéo léo nhất có thể. Một người mẹ chồng tinh ý luôn có thể nhận ra sự khó khăn của các con trước cả khi các con mở miệng thành lời.
3. Anh ấy tệ lắm, suốt ngày chỉ ăn với nhậu…
Bạn muốn có sự ủng hộ của mẹ chồng để “góp ý” với chồng một chuyện gì đó? Và bạn chọn cách… kể ra tất tần tật những thói hư tật xấu của chồng? Ôi, bạn ơi! Đừng quên chồng bạn là… con trai của mẹ chồng! Nếu có bất kỳ ai đó nói xấu con trai của bạn với bạn, bạn có thấy thoải mái, vui vẻ được không? Câu trả lời chắc chắn là không! Trong mắt bạn, con trai mình luôn là số 1, và trong mắt mẹ chồng cũng thế. Do đó, mỗi khi cần nói đến những “tật xấu” của chồng, hãy cân nhắc thật kỹ xem liệu nói ra có ích gì không, có cần thiết không. Nên chọn “liều lượng” nói thật vừa phải và tốt hơn cả là để một người khách quan nào khác tâm sự với mẹ chồng về những điều đó, thay vì chính bạn trực tiếp “kể xấu” chồng mình!
4. Mẹ nói với chị… / em…. (con gái mẹ) giúp con!
Tương tự với ở trên, con gái của mẹ – tức chị chồng hoặc em chồng của bạn – là “đối tượng” bạn không nên tỏ rõ sự bất đồng trước mặt mẹ chồng và muốn mẹ chồng đứng về phía mình. Dù các cô ấy có sai mười mươi đi nữa, thì bạn nghĩ xem, làm sao có thể có người phụ nữ trực tính và công bằng đến mức tin rằng con dâu mình đúng, con gái mình sai. Tâm lý người phụ nữ nào cũng thế thôi. Khi có xung đột với chị chồng hay em chồng, nên cố gắng trao đổi riêng, trực tiếp với họ. Sự thẳng thắn và khéo léo của bạn sẽ mang đến tác dụng. Đừng trông cậy mẹ chồng có thể làm trọng tài cho bạn, trong trường hợp mười mươi là bạn… thua như thế này.
5. Chúng con sẽ…
Có khá nhiều lần, bạn “hứa” với bố mẹ ruột của mình một điều gì đó và không làm được. Điều này sẽ dễ dàng được du di, thông cảm. Vì bố mẹ ruột của bạn hiểu rằng bạn thật sự “có lòng” khi hứa như thế, chẳng qua là có những khó khăn xảy đến, khiến những điều đó không thành hiện thực mà thôi. Tuy nhiên, mẹ chồng sẽ không phải là mẹ ruột và bà sẽ không nhìn nhận vấn đề thoải mái, đơn giản thế đâu!
Chỉ cần vài lần bạn bảo “chúng con sẽ…” mà không làm được, bà sẽ mặc định bạn chỉ là người biết nói mà không biết làm. Thậm chí, bà để bụng, kể cho người khác nghe rằng bạn từng hứa thế này, hứa thế kia hay lắm nhưng có làm gì đâu. Bạn nghe được sẽ buồn, tình cảm thế là sứt mẻ. Với mẹ chồng, hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi… hứa. Và tốt nhất là đừng hứa, đến khi làm được xong hãy nói. Chẳng hạn bạn không cần “nói trước”: “Chúng con sẽ về thăm mẹ cuối tuần này…” mà chỉ cần đến lúc chuẩn bị đi, gọi điện cho bà để báo: “Lát nữa chúng con về thăm mẹ, mẹ nhé!”.
6. Chúng con tự quyết định được…
Có những lúc, gia đình nhỏ của bạn xảy ra vài việc mà vợ chồng bạn không biết nên chọn cái này hay nên chọn cái kia (chẳng hạn nên mua nhà ở đâu, nên cho con trai học trường nào, nên đi đâu vào dịp nghỉ lễ…). Khi đó, mẹ chồng bạn tự dưng lên tiếng, đưa ra ý kiến của bà. Và bạn kết thúc bằng cách bảo với bà rằng: “Chúng con tự quyết định được mẹ ạ! Mẹ đừng bận tâm!”.
Bạn biết không, đây là một câu sẽ để lại ấn tượng rất tệ và sự tổn thương sâu sắc trong lòng mẹ chồng. Vì điều đó không khác nào bạn bảo với một người mẹ rằng đứa con trai của bà đã hoàn toàn… tách biệt khỏi cuộc sống của bà, giờ bạn mới là người có quyền quyết định!!! Hãy đặt mình vào tình huống tương tự. Bạn sẽ rất ác cảm với con dâu của mình, nếu cô ta cố tỏ ra ý kiến của bạn chẳng có nghĩa lý gì, phải vậy không? Thay vì vậy, bạn chỉ cần nhẹ nhàng: “Ồ, ý của mẹ rất hay, nhưng con gặp khó khăn thế này mẹ ạ… Con nghĩ là chúng con nên chọn cách này… Mẹ nghĩ sao?”. Bàn bạc thêm một chút chẳng “mất mát” gì của bạn cả. Và người mẹ sẽ cảm thấy rất được tôn trọng cho xem!