Trong mọi cuộc trò chuyện bố mẹ nên là người chủ động đặt câu hỏi để khai thác tâm lý của con. Tuy nhiên các câu hỏi này cần có ý nghĩa nhất định để không làm trẻ khó chịu và cảm thấy nhàm chán. Dưới đây là vài câu nên hỏi con mỗi ngày để bạn có thể hiểu trẻ hơn.
Chuyện gì hôm nay làm con thích thú nhất?
Đây là một trong những câu nên hỏi con mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Vì câu hỏi tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp trẻ hồi tưởng lại cảm xúc hạnh phúc nhất trong ngày mình đã trải qua trong ngày. Từ đó sẽ giúp trẻ tạm quên đi những “ác mộng” đáng sợ khi ngủ. Đây cũng là cách bạn có thể nắm được sở thích của trẻ. Tuy nhiên bạn không nên cố tình lặp lại hành động làm trẻ hạnh phúc nhé! Ký ức tuổi thơ của bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần có nhiều màu sắc để “điểm tô” cho cuộc sống đa dạng và nhiều trải nghiệm hơn.
Đồng thời sau khi đã nhận được chia sẻ từ trẻ, bố mẹ hãy “tặng” lại con câu chuyện đã khiến mình hạnh phúc trong ngày hôm đó nhé! Đây là cơ hội mà bố mẹ có thể “xào nấu” lên những câu chuyện nhân văn ngoài xã hội để thay cho câu chuyện cổ tích bé thường nghe trước khi đi ngủ. Tuy nhiên bố mẹ nên nhớ là không nên “thần thoại” hóa câu chuyện của mình mà bạn hãy dựa vào mẩu chuyện đẹp trong cuộc sống để giáo dục con dễ dàng hơn.
Ai là người con thấy tốt bụng nhất?
Mỗi ngày trẻ sẽ đối diện với nhiều điều trong cuộc sống nên sẽ ít nhiều ảnh hưởng bởi điều xấu, dù cho bố mẹ ra sức giáo dục con như thế nào. Vì vậy, mỗi ngày bố mẹ nên hỏi con ai là người con thấy tốt bụng nhất? Đây là câu nên hỏi con khi chỉ có bố hoặc mẹ ở cùng trẻ. Khuyến khích trẻ nghĩ về những “thần tượng” tốt bụng sẽ giúp trẻ củng cố vào quan điểm của mình. Bên cạnh đó bố mẹ nhớ kèm theo câu hỏi vì sao người đó là tốt bụng nhất nhé! Việc trò chuyện cùng con này sẽ giúp bố mẹ hiểu được trẻ đang có quan điểm sống thế nào, từ đó bố mẹ hãy lên “plan” dạy con phù hợp nhất nhé!
Điều gì hôm nay khiến con không thoải mái nhất?
Nhiều bố mẹ thường thay thế câu hỏi này bằng câu “Điều tồi tệ nhất trong hôm nay của con là gì?”. Tuy nhiên đối với suy nghĩ còn non nớt của trẻ sẽ không định nghĩa đúng “tồi tệ” là gì? Đồng thời đây cũng là câu hỏi có phần hơi nghiêm trọng so với chuẩn mực khi đặt câu hỏi với con.
Khi thay thế bằng từ “không thoải mái” trẻ sẽ kể cho bạn hết những chuyện khiến trẻ cảm thấy khó chịu (dù là nhỏ nhất). Điều này sẽ giúp bạn xác định những yếu tố khiến trẻ dễ stress. Từ đó sẽ tạo mối quan hệ giữa bạn và trẻ gắn kết và đáng tin cậy hơn. Đồng thời trẻ sẽ được bày tỏ cảm xúc tiêu cực mình đã chịu đựng trong ngày. Vì vậy bố mẹ cần chia sẻ những lời khuyên với trẻ để giúp trẻ giảm căng thẳng nhé!
Khi bạn nghe trẻ tâm sự về những điều khiến trẻ không thoải mái bạn không được dùng những câu mang thái độ “chuyện đó nhỏ mà con”, “con đang làm quá nó lên rồi đấy”… cho dù đó là chuyện nhỏ như:
- “Hôm nay con không thoải mái vì bị em giành đồ chơi”
- “Hôm nay con thua bạn A trong một trò chơi ở lớp”
- “Con xin bạn B đồ ăn nhưng bạn ấy không cho”
Bố mẹ nên nhẹ nhàng hướng dẫn con cách xử lý những điều tiêu cực trong cuộc sống. Nếu cảm xúc tiêu cực đó thuộc về trẻ thì bố mẹ nên dùng thái độ tích cực để đưa ra lời khuyên cho con như:
- “Hôm nay con không thoải mái vì bị em giành đồ chơi” – Mẹ sẽ tìm cách nói chuyện với em để em không giành đồ chơi của con nữa hay mẹ sẽ mua cho con món đồ chơi khác và đương nhiên món đồ này sẽ thuộc quyền sở hữu của con
- “Hôm nay con thua bạn A trong một trò chơi ở lớp” – Con đừng buồn, đây chỉ là một trò chơi và có rất nhiều yếu tố quyết định nên người thắng cuộc. Lần sau con hãy cố gắng hơn nhé, mẹ tin con sẽ làm được mà!
- “Con xin bạn B đồ ăn nhưng bạn ấy không cho” – Con đừng buồn bạn B, có thể đó là món quà bạn ấy được bố mẹ tặng hay đó là món ăn yêu thích của bạn B nên bạn ấy không muốn cho con ăn.
Việc hướng dẫn con vượt qua tình huống khó khăn trong cuộc sống sẽ giúp trẻ định hướng được cách xử lý đúng với những tình huống tương tự.
Điều gì khiến con thấy an toàn/không an toàn?
Đây là một trong những câu nên hỏi con sau khi đi học về. Đối với câu hỏi này sẽ giúp bạn định hướng được lòng tự tin của trẻ. Đặc biệt khi khai thác được những điều khiến trẻ cảm thấy không an toàn sẽ xây dựng được lòng tin trong trẻ. Từ đó trẻ sẽ mở lòng cho những “bất an” tương tự trong tương lai.
Câu hỏi này sẽ giúp bố mẹ phần nào hiểu được trẻ đang gặp phải vấn đề gì ở trường. Đặc biệt là tránh được tình trạng xâm hại tình dục hay bạo lực học đường.
Điều tuyệt vời nhất mà con đã làm cho ai đó là gì?
Khi đặt câu nên hỏi con này, các bạn đừng quá kỳ vọng vào đáp án là trẻ đã giúp được rất nhiều người rồi nhé! Trên thực tế không phải đứa trẻ nào cũng đủ dũng cảm thể hiện lòng tốt của bản thân, mặc dù bất kỳ đứa trẻ nào cũng có rất muốn giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên việc lặp lại nhiều lần thắc mắc này sẽ giúp trẻ có động lực để thể hiện lòng tốt của mình.
*Bố mẹ đừng quên kèm theo lời an ủi nếu con chưa làm được việc tốt nào trong ngày nhé!
Con có câu hỏi nào về ngày hôm nay không?
Kết thúc chuỗi câu nên hỏi con hàng ngày bố mẹ nên đặt ngược câu hỏi để trẻ chủ động thắc mắc với mình. Vì trên thực tế trẻ thường rất tò mò nên sẽ có rất nhiều câu hỏi, tuy nhiên vì nhiều lý do như: trẻ sợ bố mẹ bận, sợ bố mẹ mắng khi mình đặt câu hỏi quá nhiều, sợ câu hỏi không quan trọng… nên từ đó trẻ sẽ ngại chia sẻ với bố mẹ.
Nếu bố mẹ thành công trong việc gợi cho bé sự can đảm khi đặt câu hỏi sẽ giúp sự gắn kết với trẻ bền chặt hơn, đồng thời sẽ thiết lập được “không gian an toàn” với con. Từ đó con sẽ thoải mái đặt câu hỏi về mọi chuyện xung quanh khi có thắc mắc nào. Bên cạnh đó, thói quen mạnh dạn đặt câu hỏi khi thắc mắc sẽ là tiền đề rất tốt trong việc học tập cũng như công việc sau này của trẻ!
Tâm sự cùng con luôn là niềm trăn trở của nhiều bố mẹ. Hy vọng với những câu nên hỏi con trên đây sẽ giúp bố mẹ tự tin hơn trong việc khai thác tâm lý để hiểu và đồng hành cùng con. Chúc bố mẹ có thật nhiều kỷ niệm đẹp trên hành trình nuôi dạy con cái nhé!