Vì sao có những mẹ đang cho con bú bỗng đột ngột mất sữa? Vì sao có những mẹ sinh xong nhưng sữa không về? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay những nguyên nhân gây mất sữa mẹ phổ biến nhất bạn nhé!
Các nguyên nhân gây mất sữa mẹ thường gặp
Bị ốm
Nhiễm vi-rút hoặc vi trùng như cúm, cảm lạnh hoặc vi-rút dạ dày sẽ không phải là nguyên nhân gây mất sữa mẹ. Tuy nhiên, các triệu chứng liên quan như mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa hoặc chán ăn chắc chắn có thể là nguyên nhân khiến mẹ bỉm sau sinh bị tắc tia sữa, mất sữa.
Căng thẳng, lo lắng và các vấn đề liên quan đến tâm lý
Căng thẳng là sát thủ số 1 đối với nguồn sữa mẹ, đặc biệt là trong vài tuần đầu sau khi sinh. Việc thiếu ngủ, áp lực khi chăm con, cảm xúc mệt mỏi,… làm tăng hormone cortisol. Sự gia tăng hàm lượng cortisol chính là nguyên nhân gây mất sữa mẹ nhanh, thậm chí là diễn ra đột ngột chỉ trong 24 giờ.
Phụ nữ càng bị mất sữa càng dễ bị căng thẳng và áp lực. Lúc này, bạn loay hoay, cố gắng làm mọi cách để tăng lượng sữa cho con bú. Càng áp lực trong chuyện làm sao để kích sữa, bạn càng dễ bị căng thẳng hơn và điều này lại càng khiến bạn bị tắc sữa nhiều hơn.
Căng thẳng và mất sữa trở thành một vòng lẩn quẩn đối với phụ nữ sau sinh và khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, thậm chí rơi vào trầm cảm.
Ăn hoặc uống quá ít
Việc ăn kiêng sau khi sinh để giảm cân có thể trở thành mục tiêu chung của rất nhiều mẹ bỉm. Tuy nhiên, ăn hoặc uống quá ít có thể trở thành nguyên nhân gây mất sữa mẹ và khiến người mẹ không đủ lượng sữa cho con bú.
Trong suốt quá trình cho trẻ sơ sinh bú mẹ, bạn nên đảm bảo ăn đủ lượng thực phẩm để bổ sung 500 calo đốt cháy mỗi ngày khi cho con bú. Cân nhắc ăn một bữa ăn nhẹ lành mạnh, chẳng hạn như một quả táo với các loại hạt để có thể vừa hạn chế tăng cân vừa vẫn đảm bảo cơ thể được bổ sung đầy đủ năng lượng cho việc tiết sữa cho con bú.
Ngoài ra, việc bổ sung nước đầy đủ cũng rất quan trọng cho việc sản xuất sữa mẹ. Lượng chất lỏng bạn đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ có thể sản xuất. Do đó, nếu bạn không uống nhiều nước, lượng sữa mẹ tiết ra sẽ ít hơn và làm tăng nguy cơ bị mất sữa.
Mất ngủ
Một nguyên nhân gây mất sữa mẹ khác cũng vô cùng phổ biến chính là tình trạng mất ngủ. Nếu bạn đang cho con bú, bạn có thể nhận thấy rằng mình đang gặp khó khăn trong việc duy trì lượng sữa mẹ khi bạn thường xuyên bị thiếu ngủ và/hoặc căng thẳng.
Phụ nữ sau sinh thường dễ bị mất ngủ do thức đêm để chăm sóc con cái. Ngoài ra, căng thẳng, kiệt sức cũng dễ khiến bạn rơi vào trạng thái mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến phụ nữ sau sinh bị mất sữa. Điều này là do sự gia tăng nồng độ cortisol gây cản trở việc sản xuất sữa mẹ.
Cho trẻ uống sữa công thức
Sau khi trẻ sơ sinh chào đời, ngực bạn sẽ hoạt động theo “cung và cầu”. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thúc đẩy nhu cầu cao hơn, do đó ngực tạo ra nhiều sữa hơn.
Tuy nhiên, việc cho trẻ bú sữa công thức song song với việc bú sữa mẹ cho nhiều cữ bú mỗi ngày hoặc chỉ cho con bú khi trẻ muốn bú sẽ cho cơ thể bạn biết rằng cơ thể không cần sản xuất nhiều sữa. Do đó, nguồn cung của bạn sẽ bắt đầu giảm. Đây chính là nguyên nhân gây mất sữa mẹ vô cùng phổ biến.
Phụ nữ sau sinh bị mất sữa phải làm sao?
Nếu bạn bị tắc tia sữa, mất sữa, bạn có thể áp dụng một số giải pháp sau để cải thiện tình trạng hiện tại:
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Mất ngủ, kiệt sức được cho là nguyên nhân gây mất sữa. Do đó, bạn nên nhờ sự trợ giúp từ chồng và người thân để có thời gian cho việc nghỉ ngơi. Việc tăng thời gian ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ có thể phần nào giúp bạn phần nào khắc phục chứng mất ngủ.
- Thư giãn: Thật khó để yêu cầu một bà mẹ sau sinh không căng thẳng hay lo lắng. Có hàng tá thứ áp lực đổ dồn lên bạn nên tâm lý phụ nữ sau sinh luôn trong trạng thái căng thẳng là một điều vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn nên tìm một hoạt động nào đó có thể khiến mình cảm thấy thoải mái để giữ cho mình được thư giãn nhiều hơn.
- Hút sữa: Bạn có thể khắc phục nguyên nhân gây mất sữa do trẻ ít bú mẹ bằng cách hút sữa theo các khoảng thời gian cho trẻ bú mẹ đều đặn trong ngày. Việc hút sữa “ra lệnh” cho cơ thể tiếp tục sản xuất sữa ngay cả khi trẻ không bú mẹ vào thời điểm đó. Sữa mẹ được bảo quản tốt trong tủ đông, vì vậy bạn có thể hút sữa tại nơi làm việc nếu có thể và bảo quản để sử dụng sau.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Nếu mất sữa xuất phát từ nguyên nhân bạn đang ăn kiêng quá mức hoặc dùng các sản phẩm chưa phù hợp, bạn có thể cải thiện điều này bằng cách tăng lượng thực phẩm mà mình ăn hằng ngày cũng như ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm lợi sữa, tránh dùng các loại thực phẩm gây mất sữa sau sinh. Ngoài ra, việc uống nhiều nước hơn cũng là một giải pháp để giúp bạn khắc phục được tình trạng mất sữa của mình.
Có rất nhiều nguyên nhân gây mất sữa ngoài 5 nguyên nhân phổ biến kể trên. Nếu nhận thấy tình trạng bị mất sữa của mình không rõ nguyên nhân và không thể khắc phục, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để xem vấn đề mình đang gặp phải là gì và làm sao để khắc phục bạn nhé!