Mẹ&Con – Lóng ngóng, vụng về với vô vàn những điều mới mẻ, bạn không biết mình phải bắt đầu từ đâu để chăm sóc thiên thần bé bỏng đây? Đừng lo! Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nhi, đồng thời lắng nghe trái tim mình. Bản năng người mẹ rất tuyệt vời. Chắc chắn bạn sẽ biết đâu là điều tốt nhất cho con yêu. Bạn cũng nên tham khảo những chi tiết gợi ý này. Nó sẽ có ích cho bạn trong những ngày đầu chăm sóc bé.

1. Kiểm tra phân của bé sơ sinh

Bắt đầu có con, bản năng làm mẹ trong bạn sẽ khiến bạn không còn thấy “ghê ghê” cả với những thứ bình thường vốn cho là… “ghê” nữa. Một trong những việc bạn cần làm quen sớm là kiểm tra phân trẻ sơ sinh. Kiểm tra được phân trẻ, bạn sẽ có thể “hiểu” về sức khỏe thiên thần bé bỏng của mình.

Trong vòng 24 giờ sau khi sinh, bé yêu của bạn sẽ bài tiết phân su. Phân su thường có màu lục đen, đặc dính, không có mùi thối. Phân su thực chất là do những chất bài tiết ở ruột, dạ dày, nước mật, tế bào biểu mô, lông thai, mỡ thai, nước ối thai nhi nuốt vào tạo thành. Do đó, bạn đừng hốt hoảng khi thấy nó… không giống như bình thường, nhất là về màu sắc.

Sau khi chào đời chừng 3 ngày, phân của bé sẽ có màu nâu và chuyển dần sang màu vàng. Nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn thì sẽ đi ngoài khoảng 5-6 lần/ngày (có thể nhiều hơn). Phân của bé có màu vàng, dạng cao mềm, mùi chua không thối. Ngược lại, nếu trẻ bú sữa ngoài thì sẽ đi ngoài ít lần hơn, chỉ từ 2-4 lần/ngày. Phân của trẻ lúc này có màu vàng nhạt, khá cứng và có mùi thối.

Bạn cần đặc biệt lưu ý đến hình dạng, độ rắn lỏng, màu sắc của phân. Nếu phân loãng, màu xanh chuối thì nghĩa là cần kiểm tra lại cách cho con bú vì có thể trẻ còn đói bụng. Nếu phân có lẫn máu, phải lưu ý xem bé có bị nứt hậu môn hay không. Bất cứ trường hợp nào bất thường và bạn thấy không yên tâm cần hỏi ngay ý kiến bác sĩ vì với trẻ sơ sinh, phân chính là một trong những yếu tố quan trọng phản ánh sức khỏe của trẻ.

chăm trẻ sơ sinh

(Ảnh minh họa)

2. Kiểm tra nước tiểu

Ngày đầu tiên sau khi chào đời, sự bài tiết nước tiểu của trẻ có thể rất khác nhau. Có bé không hề tiểu, cũng có bé tiểu đến 4-5 lần. Không có gì bất thường cả. Bạn cứ bình tĩnh theo dõi tiếp những ngày tiếp theo sau.

Từ ngày thứ hai trở đi, bé có thể tiểu đến khoảng 20 lần/ngày, tùy theo lượng sữa mà trẻ bú. Kể từ lúc này, nếu như bạn thấy trong vòng 24 giờ mà bé không đi tiểu thì lập tức phải trao đổi với bác sĩ để kiểm tra xem hệ bài tiết nước tiểu của trẻ có “trục trặc” gì không, có bị urat kết tinh gây tắc nghẽn ống tiểu thận không. Những ngày đầu tiên, thấy bé tiểu ra nước tiểu có màu đỏ, bạn không cần hoảng sợ vì chỉ cần cho bé uống nhiều nước thì sẽ điều chỉnh được điều này thôi. Tuy nhiên, nếu sau khi bạn đã cho con uống nhiều nước mà màu nước tiểu vẫn đỏ thì cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra, điều trị ngay.

3. Cho bé bú

Trừ trường hợp bé sinh non, mẹ sinh mổ, tình trạng sức khỏe của mẹ quá yếu…, còn lại nên cố gắng cho bé nằm cùng với mẹ sau khi chào đời và bú mẹ càng sớm càng tốt. Sữa non đặc biệt tốt cho bé vì chứa một lượng “chất đề kháng” giúp bé kháng khuẩn cực tốt nên bạn đừng vắt bỏ mất lượng sữa non này. Việc cho bé bú trong những ngày đầu tiên có thể cũng còn lọng cọng. Tuy nhiên, đừng lo lắng quá và đừng đòi hỏi ở mình nhiều quá. Từ từ hai mẹ con sẽ “làm quen” được với nhau và bé sẽ bú được mà thôi.

Bạn lưu ý cho bé bú đúng tư thế vì đó là cách giúp mẹ tiết nhiều sữa hơn. Tư thế cho con bú đúng là bế bé sao cho đầu và thân bé thẳng hàng, bụng bé áp sát bụng mẹ, mũi bé đối diện bầu vú mẹ, tay mẹ nâng đầu, vai và mông bé. Bé sơ sinh bú rất nhiều lần trong ngày, ít nhất là 8 lần. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần vì bé đói và bú cả ban đêm. Do đó, giấc ngủ đêm của bạn sẽ bị gián đoạn nhiều lần. Để đảm bảo sức khỏe, bạn cần có người phụ chăm sóc bé để tăng cường được giấc ngủ ban ngày.

Một vài nhắc nhở khác dành cho bạn về việc cho con bú là nên cho bé bú đến khi sữa không còn trong bầu vú, cho con bú đều cả hai bên, hết bên này mới chuyển sang bên kia, lần sau đó đổi bên.

Bé sơ sinh cũng sẽ rất dễ bị trớ hết sữa vừa bú ra ngoài. Để giảm bớt tình trạng này, sau khi cho bé bú xong, bạn cần bế bé đứng chừng 5-10 phút, khi nào bé ợ hơi xong mới cho bé nằm. Để ý là khi bé mới bú xong đừng vội thay tã hay quần áo vì những động tác “bình thường” đó của bạn vẫn có thể khiến con ọc sữa.

4. Giấc ngủ của con

Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy con ngủ quá nhiều những ngày đầu. Trẻ mới sinh đến 1 tháng tuổi gần như ngủ suốt ngày đêm (16-20 tiếng/ngày), chỉ thức dậy để bú (khoảng 2 đến 3 giờ bú một lần). Một lưu ý nhỏ mẹ nên biết là bé yêu có thể tích dạ dày nhỏ nên mau đói, vì vậy bé phải thức dậy sau vài giờ để bú. Bạn không nhất thiết phải đánh thức bé dậy để cho bú, song cũng không nên để bé ngủ liền một mạch quá 3 giờ mà không dậy bú (lúc này cần đánh thức).

Bé cũng chưa phân biệt được ngày đêm đâu nên sẽ xảy ra trường hợp bé ngủ suốt ngày nhưng đến đêm lại… thức dậy chơi. Đến khi được 3 tháng tuổi, bé mới bắt đầu ngủ suốt đêm được. Do đó, bạn nên có kế hoạch tìm thêm người phụ săn sóc trong những tháng đầu, nếu không sẽ rất dễ stress và “khủng hoảng” khi không đảm bảo giấc ngủ và lúc nào cũng thắc thỏm lo cho con.

5. Kiểm tra ý thức  

Con còn rất bé, nhưng bạn đã nhận ra con có những phản xạ, ý thức với thế giới xung quanh. Thiên thần của bạn rất thích được ẵm bồng, vuốt ve, đong đưa. Bé lắng nghe giọng nói của mẹ và những âm thanh xung quanh. (Bạn nên để tâm và hỏi bác sĩ ngay nếu nhận ra con không nhìn thẳng vào bạn, thờ ơ với những âm thanh, những lời ru hay cách nói chuyện cùng con của bạn!). Khứu giác của bé cũng rất nhạy cảm. Bạn có thể nhận ra bé ngủ ngon hơn khi được bạn đặt gần bên một chiếc khăn có mùi sữa mẹ còn đọng lại.

Ở tháng đầu đời, bé cũng sẽ có những phản xạ như giật mình, phản xạ mút hết sức “hăng hái” khi chạm được vào bầu vú mẹ. Bé cũng biết nắm chặt tay khi đặt gì đó vào lòng bàn tay. Bạn nên quan sát từng chi tiết thật nhỏ này ở con để trong một số trường hợp đặc biệt, nếu bé không có những phản xạ hay những ý thức như trên thì cần tìm đến bác sĩ ngay.

Tags:

Bài viết liên quan