Mẹ&Con - Nằm trong top 3 nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến ly hôn, mâu thuẫn về tiền bạc trong đời sống vợ chồng hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ. Làm cách nào để tránh mâu thuẫn ấy? Bạn rất nên đọc bài này! Đàn ông Việt giấu tiền ở đâu? Vợ có nên quản tiền chồng? Dạy con biết cách nhận biết giá trị đồng tiền

Nguyên tắc 1: Luôn rõ ràng và thẳng thắn

Rất nhiều người ngại nói ra chuyện tiền bạc, kể cả khi thấy không hài lòng về một điều gì đấy. Chẳng hạn bạn mới cưới và cảm thấy chồng có một khoản “quỹ” riêng, bạn không vui, nhưng lại băn khoăn rằng nói ra sẽ khiến người kia cảm thấy mình… tính toán, nhỏ mọn. Bạn sợ sự lãng mạn và tình yêu bị chi phối bởi “cơm áo gạo tiền”. Thế nhưng, kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn là: Bạn không nói và cứ giữ trong lòng như thế, cảm giác khó chịu cứ ngày một tăng lên. Đến lúc “chịu hết nổi” và bùng nổ ra thì tình hình sẽ tệ hơn nhiều.

5 chiêu tránh mâu thuẫn về tiền bạc 7

Cách bạn nên làm là hãy luôn rõ ràng và thẳng thắn với bạn đời của mình về chuyện tiền nong, ngay từ những ngày đầu. Thậm chí, bạn có thể bàn bạc với anh ấy về chuyện này trước cả khi cưới nữa. Hãy công khai các khoản nợ cá nhân (nếu có), công khai về thu nhập, chia sẻ những quan điểm bạn muốn về cách tiết kiệm trong gia đình… Giả sử bạn muốn ngoài khoản “chung”, mỗi người sẽ có một khoản riêng để chi tiêu cá nhân, hãy nói cho chồng biết suy nghĩ ấy. Nếu bạn thấy cách anh ấy chi dùng chưa hợp lý, hãy thẳng thắn từ đầu. Tiền bạc phân minh nghe có vẻ như sẽ “giết chết” tình yêu lãng mạn, song kỳ thực nó lại giúp cho cuộc sống của vợ chồng bạn tránh được những bực bội, khó chịu ngấm ngầm.

Nguyên tắc 2: Duy trì tài khoản riêng bên cạnh tài khoản chung

Tài khoản chung của vợ chồng tất nhiên là điều cần có. Nhưng nhịp sống hiện đại đòi hỏi nhiều hơn thế. Nếu chỉ có tài khoản chung, vợ chồng bạn sẽ tự cảm thấy rất “bứt rứt” khi cái gì cũng phải… báo cáo với người kia. Rồi từ đó, một quỹ đen sẽ được âm thầm lập nên. Điều này không hay chút nào! Thay vào đấy, vợ chồng nên bàn với nhau, đồng ý để ngoài tài khoản chung của gia đình, mỗi người được phép có một tài khoản riêng độc lập để thỏa mãn cho những sở thích, nhu cầu chi tiêu của bản thân. Nghe có vẻ không phù hợp với truyền thống, nhưng thực tế đây là giải pháp rất tốt cho các đôi vợ chồng hiện đại.

5 chiêu tránh mâu thuẫn về tiền bạc 8

Nguyên tắc 3: Có khoản dành cho gia đình “lớn”

Nhiều người vợ cho rằng đã thành vợ chồng thì phải toàn tâm toàn ý với gia đình nhỏ và tỏ ra rất khó chịu khi chồng giúp đỡ bố mẹ, cho em út tiền học phí… Thật ra, bạn hãy đặt mình vào vị trí ngược lại: Nếu bạn nuôi con và đến khi lớn khôn, con hoàn toàn chỉ biết đến gia đình nhỏ của mình, quên hẳn bố mẹ, anh chị em thì bạn cảm thấy thế nào? Hãy thoáng trong suy nghĩ và hãy xem khoản dành cho gia đình lớn là một điều không thể thiếu. Tuy nhiên, để tránh những bực tức không đáng, bạn nên áp dụng thêm nguyên tắc 1 vào đây, tức là vợ chồng cần thẳng thắn và rõ ràng với nhau, quy định mức cơ bản hàng tháng để phụ giúp gia đình hai bên, các khoản lễ tết… Trong những trường hợp đột xuất, hãy quy định đâu là trường hợp nên giúp, nên cho người thân mượn và giới hạn của nó. Tránh để xảy ra tình trạng chồng lấy hết cả tiền vợ chồng dành dụm để cho em mượn, còn bạn thì nhảy dựng lên phản đối, cãi vã với nhau.

Nguyên tắc 4: Cân bằng sự thiên lệch

Nếu hai vợ chồng bạn có mức thu nhập xấp xỉ bằng nhau, khoản tiết kiệm trước khi cưới như nhau thì quá thuận lợi. Nhưng thực tế không mấy người được như vậy! Bạn hoặc người bạn đời của bạn có thể có những tài sản trước hôn nhân, mức thu nhập hàng tháng cũng có thể chênh nhau rất nhiều. Làm thế nào trong trường hợp ấy? Hãy ngồi xuống trò chuyện để đưa ra phương án tốt nhất cho tâm lý cả hai. Tuy nhiên, nếu như người bạn đời của bạn có một tài sản nào đó trước hôn nhân và anh ấy không muốn nhập vào khối tài sản chung của gia đình thì cũng đừng lấy thế làm thất vọng, buồn phiền, chán nản hoặc nghĩ một cách tiêu cực rằng chồng luôn có ý “riêng tư”. Thực tế, các đôi vợ chồng nước ngoài rất thoải mái về vấn đề này. Bạn cũng nên tập cách thoải mái để nhìn vấn đề theo hướng nhẹ nhàng nhất. Thẳng thắn, rõ ràng, giải tỏa được tâm lý “bức xúc”, đặt mình vào người kia và có cái nhìn công bằng về chuyện tiền nong, bạn sẽ thấy việc kê lại cho bằng những chỗ lệch không phải là điều quá khó.

5 chiêu tránh mâu thuẫn về tiền bạc 9

Nguyên tắc 5: Chấp nhận tạm thời độc lập về tài chính

Dung hòa được chuyện tiền bạc không phải là chuyện dễ. Có những đôi vợ chồng nhanh chóng thực hiện được việc đó ngay, nhưng cũng có những đôi vợ chồng “bàn” rất nhiều lần vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Bạn hãy kiên nhẫn nếu rơi vào trường hợp thứ hai! Khi chưa có con, nếu cần thiết, vợ chồng bạn có thể chọn giải pháp tạm thời độc lập về tài chính, chỉ cùng nhau đóng góp các khoản “góp gạo thổi cơm chung”.

Giải pháp này nghe có vẻ chẳng giống gì cuộc sống gia đình, song thực tế có những trường hợp khi mâu thuẫn về cách tiêu dùng, tiết kiệm quá gay gắt thì nó lại là phương án… giải nguy cho gia đình bạn. Khi tạm thời độc lập về tài chính, bạn sẽ không còn phải bực bội với những chi tiêu của người kia. Những lời khuyên của bạn lúc này cũng trở nên khách quan hơn. Bạn đời của bạn cũng sẽ thấy thoải mái, có thêm thời gian để thích nghi dần với đời sống vợ chồng, với chuyện cần chung nhau về các mối bận tâm tài chính, những dự định, mục tiêu nhà cửa, con cái lâu dài.

Hãy cho anh ấy thêm thời gian! Việc chấp nhận tạm thời độc lập về tài chính khi chưa tìm được tiếng nói chung sẽ giúp ích rất nhiều. Yên tâm! Khi bạn có con, suy nghĩ của hai vợ chồng về chuyện tiền bạc cũng theo đó mà thay đổi và đi vào quỹ đạo ổn định như các đôi vợ chồng khác!

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh 

Tags:

Bài viết liên quan