Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh như: không dám đụng vào rốn của trẻ, mang băng rốn quá kín, rắc vật lạ vào rốn trẻ hay việc lau tắm không đúng cách trong thời gian trẻ sơ sinh chưa rụng rốn… đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Băng rốn quá chặt, quá kín
Nhiều mẹ cho rằng, để đảm bảo an toàn vùng rốn cho trẻ sơ sinh thì nên băng rốn thật chặt và kín cho trẻ. Tuy nhiên, đó chính là một sai lầm và gây ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ. Việc băng chặt hoặc băng kín vùng rốn của trẻ sẽ là điều kiện giúp cho vi khuẩn phát triển dẫn tới nhiễm trùng rốn.
Việc băng rốn quá chặt, quá kín có thể khiến rốn trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng (Ảnh minh họa).
Mẹ tự ý giật núm rốn trước khi tự rụng
Rốn của trẻ sơ sinh sẽ trải qua giai đoạn tự khô và rụng. Đó là quá trình tự nhiên mà không cần bất kì sự can thiệp nào từ bên ngoài. Do đó, nếu mẹ tự ý giật hoặc kéo cuống rốn của trẻ không những sẽ khiến trẻ đau, chảy máu mà còn có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm trùng.
Cho trẻ tắm ngâm mình trong nước quá lâu
Đối với trẻ mới sinh trong thời gian cuống rốn chưa rụng, mẹ phải chú ý bảo vệ phần cuống rốn cho trẻ, tránh cuống rốn bị ướt. Điều này đặc biệt quan trọng để bảo vệ cho rốn trẻ. Do đó, việc tắm trẻ mà để trẻ ngâm mình quá lâu trong nước không những khiến cuống rốn bị ướt, kéo dài thời gian rụng cuống rốn mà còn có thể khiến cuống rốn bị nhiễm trùng.
Sử dụng thuốc lạ bôi lên cuống rốn trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia y tế và bác sĩ khoa nhi, cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh tốt nhất chính là để cuống rốn khô tự nhiên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mẹ chưa biết được điều này nên thường truyền tai nhau về việc rắc tiêu lên rốn trẻ sau khi rụng hoặc rắc các loại bột kháng sinh, bôi thuốc đỏ vào rốn hay thậm chí là đắp lá cây, xác sinh vật… để rốn trẻ mau lành làm rốn trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng hoặc sưng đỏ, chảy mủ.
Một số lưu ý khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, mẹ cần lưu ý một số điều sau để tránh trường hợp rốn bị nhiễm trùng, sưng, chảy mủ:
Luôn giữ rốn của trẻ khô và sạch sẽ nhất có thể.
Mẹ phải luôn luôn rửa tay trước khi chăm sóc rốn cho trẻ. Việc chưa rửa tay có thể mang tới những vi trùng có hại xâm nhập vào rốn của trẻ.
Trước khi cuống rốn khô và rụng hẳn, nên chú ý giữ tã của trẻ che hờ phần rốn và bụng để tránh các tác động có thể va chạm tới phần rốn. Mỗi khi thay một tã mới, nên gấp tã ở phía trên để đảm bảo rằng rốn không bị trầy xước da và lưu thông không khí.
Tuyệt đối không ngâm cuống rốn của trẻ trong khi tắm cho đến khi cuống rốn đã rụng và khô.
Không ngâm rốn trẻ khi tắm cho đến khi cuống rốn đã rụng và khô (Ảnh minh họa).
Làm sạch vùng bụng và vùng rốn của trẻ ít nhất 1 lần/ngày. Để làm sạch nhẹ nhàng vùng rốn, nên sử dụng tăm bông được nhúng vào nước lạnh đun sôi và nhẹ nhàng vỗ nhẹ vào khu vực rốn để giúp rốn khô nhanh chóng và giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng.
Tuyệt đối không sử dụng bông gòn để lau khô khu vực rốn và xung quanh vùng rốn vì những sợi từ bông gòn thường dính vào rốn và có thể gặp khó khăn để lấy ra, gây các biến chứng khác cho rốn.
Không sử dụng nước thơm, dầu gội để tắm hoặc rắc bột lên trên hoặc xung quanh rốn của trẻ.
Nếu trong quá trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, mẹ thấy rốn trẻ xuất hiện tình trạng rỉ máu, chảy máu cả khi rốn chưa rụng hoặc khi rốn đã rụng; rốn có mùi hôi, chảy nước vàng; rốn sưng đỏ, có mủ; rốn có u hạt to, không khô… thì cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để kịp thời thăm khám và có cách điều trị kịp thời.