Bé yêu của bạn đang trong giai đoạn ăn dặm nghĩa là hệ tiêu hóa của con còn rất non nớt. Bất cứ tác động nào từ môi trường bên ngoài cũng có thể khiến cho quá trình tập làm quen với thức ăn mới của con gặp khó khăn. Vì thế, mẹ nên hết sức cẩn trọng trong mọi công đoạn, nhất là quá trình đông lạnh thực phẩm.
Và làm sao để vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng, vừa có thể ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn của con? Đây là bí quyết dành cho mẹ từ Tạp chí Mẹ và Con.
Khi đông lạnh thực phẩm cần ghi “hạn sử dụng”
Như mẹ đã biết, các loại thực phẩm thường có hàm lượng các chất dinh dưỡng đầy đủ nhất ngay khi vừa được thu hoạch, chế biến. Vì thế, trong tình huống buộc phải trữ lạnh thức ăn cho bé, mẹ cần phải có kế hoạch sử dụng thực phẩm sao cho hợp lý nhất để đảm bảo giữ được nguồn dưỡng chất quý giá vốn có.
Với các loại thịt, cá, mẹ có thể bảo quản ở khu vực cấp đông trong thời gian tối đa là 2-3 tháng. Tuy nhiên, lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng là mẹ nên rút ngắn khoảng thời gian đông lạnh thực phẩm lại. Tốt nhất là cho bé dùng trong khoảng 10 ngày để các chất dinh dưỡng không bị hao hụt.
Về phần các loại rau củ quả, tùy theo loại mà chúng có tuổi thọ dài hay ngắn. Thế nhưng, lựa chọn tối ưu khi cần phải trữ lạnh là phải sử dụng ngay trong khoảng 3 tuần. Bởi lẽ, những loại thực phẩm giàu vitamin như A, C thường rất dễ bị hòa tan, biến tính, thậm chí là mất đi hàm lượng chất dinh dưỡng nếu để quá lâu.
Nếu mẹ muốn đông lạnh thực phẩm cháo đã nấu sẵn để có thể tiết kiệm thời gian khi chế biến bữa ăn cho bé, điều này cũng không phải là không hợp lý vì cháo có nguồn gốc từ tinh bột, không chứa vitamin và khoáng chất nên không bị hao hụt dưỡng chất. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cháo đã nấu chín không có “hạn sử dụng”.
Vì thế, tốt nhất là mẹ nên trữ lạnh cháo ở ngăn mát trong khoảng 2 ngày để chế biến thức ăn cho bé ăn dặm. Khi cất cháo, mẹ nên để trong bát, hộp thủy tinh có nắp đậy để đảm bảo mùi vị ngon nhất.
Rã đông thực phẩm đông lạnh đúng cách
Khi chọn giải pháp giữ mát hay đông lạnh thức ăn là bạn đã lợi dụng nguyên lý ức chế sự sinh trưởng của vi sinh vật bằng nhiệt độ thấp. Thế nhưng, do vi sinh vật có rất nhiều loại, nên nhiệt độ thấp cũng chỉ có thể hạn chế tác động của chúng, chứ không triệt tiêu hoàn toàn.
Do đó, khi rã đông thực phẩm đông lạnh, bạn nên thực hiện đúng phương pháp để không làm mất các chất dinh dưỡng, đồng thời hạn chế được vi khuẩn xâm nhập.
Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, bạn có thể rã đông thực phẩm bằng 2 cách:
Cách 1:
Chuyển từ ngăn đông xuống ngăn mát trước khi chế biến. Tùy theo loại thực phẩm và thời gian bạn cấp đông mà quá trình này có thể mất từ 10-24 tiếng. Một lưu ý rất quan trọng cho mẹ khi thực hiện theo cách này là không nên để thực phẩm rã đông một cách trực tiếp bằng nhiệt độ phòng.
Bởi lẽ, cách làm này có thể khiến cho quá trình giảm nhiệt độ của thực phẩm diễn ra đột ngột, khiến cho nguy cơ nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài cao hơn.
Nếu muốn thực hiện việc rã đông theo cách thứ nhất được nhanh hơn, bạn có thể cho thực phẩm đã trữ đông vào một túi zip và thả vào một chậu nước sạch. Thay nước thường xuyên để nhiệt độ tỏa ra nhanh. Lúc thực phẩm rã đông hoàn toàn, bạn cần phải chế biến ngay trong khoảng thời gian sớm nhất, không nên để quá 20 phút ở điều kiện nhiệt độ bình thường.
Xem thêm: Cách rã đông thịt tươi mềm như mới
Cách 2:
Ngoài phương pháp rã đông tự nhiên đã nêu ở trên, bạn cũng có thể nhờ đến sự hỗ trợ của lò vi sóng khi thực hiện việc này. Cách làm này giúp mẹ tiết kiệm thời gian hơn chỉ bằng một vài thao tác chọn lựa chế độ rã đông phù hợp cho từng loại sản phẩm.
Tương tự như cách 1, ngay khi rã đông thực phẩm xong mẹ cũng cần phải chế biến thức ăn ngay để đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập và thức ăn vẫn giữ được hương vị ban đầu. Cuối cùng, điều mẹ cần nhớ là tuyệt đối không cấp đông lại thực phẩm đã rã đông vì thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn và không đảm bảo hàm lượng chất dinh dưỡng.
Lên lịch sử dụng thực phẩm đông lạnh
Việc chuẩn bị các bữa ăn cho trẻ nhỏ thật sự là một vấn đề không nhỏ, nhất là khi bạn làm mẹ lần đầu hay có quá nhiều việc cần phải giải quyết. Vì thế, cách tốt nhất để việc này trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn cho bạn chính là lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày ăn của trẻ.
Trong quá trình sơ chế thịt cá, rau củ quả cho bé ăn dặm, mẹ nên ghi chú ngày chế biến hoặc đánh số thứ tự để dùng trước những thực phẩm thuộc nhóm “ưu tiên”. Trong lúc sắp xếp vào tủ, mẹ đừng quên cất những loại dùng sau ở phía trong và loại dùng trước ở phía ngoài. Có như vậy, việc tìm kiếm cũng sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Khi lưu trữ thực phẩm trong ngăn mát hay cả ngăn đá, mẹ cũng nên chọn chất liệu an toàn như nhựa không có BPA, thủy tinh để thực phẩm không bị biến chất hay thôi nhiễm vi khuẩn tồn tại trong các loại vật dụng.
Một việc không kém phần quan trọng giúp cho việc bảo quản thức ăn của trẻ tốt hơn chính là mẹ cần phải sắp xếp một khoảng thời gian nhất định để vệ sinh tủ lạnh. Khoảng thời gian tối ưu và thuận tiện cho mẹ nhất chính là sau khi hết một tuần. Việc làm này giúp mẹ kiểm tra lại nguyên liệu mình đang có và dễ dàng chuẩn bị cho tuần tiếp theo vào ngày nghỉ của mình.
Lúc vệ sinh tủ lạnh, mẹ có thể dùng các nguyên liệu diệt khuẩn tự nhiên như chanh, baking soda để làm sạch một cách thân thiện và loại bỏ khỏi thực đơn của bé những thực phẩm có ngày sử dụng quá xa.
Những điều mẹ cần nhớ khi đông lạnh thực phẩm
- Trước khi trữ đông hay giữ lạnh cũng cần phải chế biến ngay khi thực phẩm còn tươi sống.
- Thức ăn đã chế biến và chưa chế biến phải được cất riêng.
- Tuyệt đối không để thức ăn sống và chín lẫn lộn với nhau.
- Rau củ và trái cây nên cấp đông khi còn tươi, không nên chế biến hay nấu chín trước.
- Một số loại thủy tinh có thể bị nứt, vỡ ở nhiệt độ thấp, mẹ nên chọn loại dụng cụ phù hợp.
Theo Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng Anh, thời gian đông lạnh thực phẩm thuộc nhóm rau củ quả tốt nhất là không quá 3 tuần, thịt cá là không quá 10 ngày. Do đó, mẹ nên xây dựng kế hoạch sử dụng phù hợp để luôn đảm bảo sức khỏe của bé yêu và cả nhà nhé!