Mẹ và Con - Trà măng cụt chắc chắn sẽ trở thành thức uống giải nhiệt mùa hè vô cùng ngon miệng. Bạn đã biết cách làm trà măng cụt chưa?

Măng cụt có vị ngọt thanh, chua nhẹ nên được rất nhiều người yêu thích. Thay vì ăn măng cụt bình thường, sao không thử làm trà măng cụt bạn nhỉ? Món trà trái cây này chắc chắn sẽ làm bạn mê mẩn đấy nhé!

Trà măng cụt có tác dụng gì?

Vỏ măng cụt được biết đến như một vị thuốc Đông y có công dụng chữa tiêu chảy, giúp da thêm săn chắc bởi thành phần của vỏ măng cụt chứa xanthones – một dạng hợp chất polyphenol với đặc tính chống oxy hóa. 

Không chỉ vậy, vỏ măng cụt còn có tác dụng giảm tối đa tác hại của cholesterol xấu. Uống trà măng cụt làm từ vỏ măng cụt giúp giảm cân, trị béo phì và ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Phần thịt măng cụt có chứa hàm lượng chất đạm, chất béo, vitamin B1, vitamin C, chất xơ, chất carbohydrates, calcium, chất sắt, phốt pho,… Thỉnh thoảng dùng trà măng cụt sẽ giúp bạn cải thiện chức năng sinh lý, giảm cân, giảm huyết áp, cải thiện sức khỏe dạ dày và hệ thống tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Không chỉ vậy, món trà măng cụt còn được biết đến với hiệu quả giúp tinh thần thêm minh mẫn, chống viêm, chống lão hóa, giảm mùi hôi của hơi thở, giúp tinh thần thêm phấn chấn. Vào những ngày mệt mỏi, tinh thần xuống dốc, bạn có thể pha một ly trà măng cụt để giải nhiệt và cải thiện sức khỏe 

Bên cạnh đó, trà măng cụt còn có khả năng dưỡng nhan, giúp bạn có làn da mịn màng hơn. 

Trái măng cụt

Cách làm trà măng cụt từ vỏ măng cụt

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Vỏ măng cụt: 500g
  • Chanh: ½ trái
  • Mật ong: 2 – 3 muỗng nhỏ

Cách làm

Cách chế biến trà măng cụt từ vỏ măng cụt như sau:

  • Làm sạch vỏ măng cụt: Rửa sạch rồi lau khô măng cụt, tách riêng phần vỏ với phần thịt rồi dùng muỗng nạo lấy phần vỏ mềm bên trong quả. Thái mỏng phần vỏ mềm này sau đó đem phơi nắng 4-6 tiếng đến khi vỏ măng cụt khô lại. Với những ngày trời không nắng, có thể sấy vỏ măng cụt với nồi chiên không dầu. Tuy nhiên nên chỉnh nhiệt độ  70-75°C vì nhiệt độ cao hơn có thể làm giảm hàm lượng và hoạt tính chống oxy hóa của hợp chất xanthones.
  • Làm trà măng cụt từ vỏ măng cụt: Sau khi phơi khô vỏ măng cụt, bạn lấy hũ thủy tinh sạch khô để bảo quản vỏ măng cụt. Khi cần uống, chỉ cần lấy 1 nắm nhỏ vỏ măng cụt hãm với nước ấm đã đun sôi (nhiệt độ lý tưởng 70-75°C) và chờ trong 15 phút. Thêm một muỗng nước cốt chanh và 2 muỗng mật ong là đã có món trà măng cụt thơm ngon và tốt cho sức khỏe.

Vỏ măng cụt

Cách làm trà măng cụt hoa đậu biếc

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Măng cụt: 3 trái
  • Hoa đậu biếc khô: 2.5 gram
  • Nước nóng: 120 ml
  • Đường: 25 – 30 gram
  • Cỏ xạ hương: 2 lá (tùy thích)
  • Chanh: ½ trái
  • Đá viên

Cách làm

  • Lấy nước cốt hoa đậu biếc: Trước tiên, cho hoa đậu biếc khô vào bình nước nóng rồi ủ trong 15 phút. Sau thời gian này, bạn chỉ cần vớt cái hoa ra là đã lấy được phần nước cốt để làm trà măng cụt hoa đậu biếc. 
  • Pha nước cốt: Lấy nước cốt vừa ủ được, pha với 25 gram đường rồi khuấy đều cho đường tan.
  • Sơ chế măng cụt: “Linh hồn” của món trà măng cụt hoa đậu biếc chính là măng cụt. Tách vỏ măng cụt, lấy các múi măng cụt bên trong rồi dằm nhuyễn các múi măng cụt này. Riêng 1 phần măng cụt tách vỏ, lấy múi, không dằm nhuyễn (nên chọn các múi to đẹp mắt).
  • Thành phẩm: Cho măng cụt dằm nhuyễn vào ly, đổ đá viên khoảng nửa ly. Sau đó, cho thêm măng cụt múi to vào, thêm 2 nhánh cỏ xạ hương và tiếp tục cho đá đầy ly. Để hoàn thành món trà măng cụt hoa đậu biếc, cho nước cốt hoa đậu biếc vào, thêm một muỗng nước cốt chanh là được. 

Một mẹo nhỏ cho bạn là để ly trà măng cụt thêm đẹp mắt, bạn có thể trang trí một ít măng cụt và một lát chanh lên trên thành ly đấy nhé!

cách làm trà măng cụt
Trà măng cụt hoa đậu biếc

Cần lưu ý gì khi dùng trà măng cụt thơm ngon?

  • Có thể nói, trà măng cụt là một loại thức uống thơm ngon, tốt cho sức khỏe, có thể giải nhiệt mùa hè. Tuy nhiên, không nên uống trà măng cụt liên tục trong một thời gian dài để tránh cơ thể nhiễm axit lactic dẫn đến các phản ứng như dị ứng da, buồn nôn, nổi mẩn ngứa,…
  • Khi làm trà măng cụt, nên chọn quả măng cụt có màu đỏ tím sậm tự nhiên vì đây là “tín hiệu” măng cụt đã chín. Ngoài màu sắc của vỏ, bạn có thể thử bóp nhẹ măng cụt xem có mềm và điều tay hay chưa. Ngoài ra, nên chú ý phần cuống còn tươi, tai quả có màu xanh ngả vàng chứ không có màu xanh gắt. Thường những quả măng cụt có cuống xanh gắt, vỏ đen thẫm là măng cụt đã ngâm thuốc.
  • Với món trà măng cụt hoa đậu biếc, việc chọn hoa đậu biếc chất lượng cũng rất quan trọng. Hoa đậu biếc khô nên chọn loại có màu xanh tím đặc trưng. Nên mua hoa đậu biếc ở những nơi uy tín, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Hoa đậu biếc đạt chuẩn không bị ngả màu, ẩm mốc hay có mùi hương lạ.
  • Với món trà măng cụt hoa đậu biếc, bạn có thể dùng kèm với các loại trái cây khác như vải để thêm lạ miệng. 

làm trà măng cụt

Trên đây là 2 cách làm trà măng cụt để bạn và cả gia đình có thêm một thức uống giải nhiệt mùa hè trong những ngày thời tiết nắng nóng. 2 cách làm này đều rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian nên hãy thử ngay bạn nhé!

Bài viết liên quan