Có một số giai đoạn chuyển tiếp như ở tuổi lên 3, tuổi bắt đầu vào lớp 1… vì những xáo trộn của cơ thể và vì quá trình khẳng định “cái tôi” để độc lập, trưởng thành hơn, con bỗng trở nên khó bảo. Bạn phát cáu với tính khí thất thường của con, với sự hung hăng, mè nheo, bướng bỉnh, nói gì cũng không nghe. Thực tế, bên cạnh các liệu pháp tâm lý, một số thực phẩm có thể hỗ trợ bạn trong việc giúp bé “mềm tính” hơn này. Mẹ tham khảo nhé!
1. Sữa
Thật bất ngờ là món “quá quen” này lại không chỉ giúp bổ sung Canxi, giúp bé bổ sung năng lượng mà còn có tác dụng giúp bé “mềm tính”, an thần, bớt đi những sự bướng bỉnh cáu kỉnh bất ngờ do giai đoạn phát triển tâm lý. Nguyên nhân là trong sữa có chứa tryptophan, làm cơ thể sản xuất serotonin, qua đó giúp tâm trạng của bé thoải mái hơn. Bạn nên duy trì cho con uống 2-3 ly sữa mỗi ngày, kể cả khi bé đã qua tuổi cần sữa như thực phẩm chính trong chế độ dinh dưỡng nhé.
2. Chuối
Lại một món “quá quen”, dễ tìm và dễ cho bé ăn. Chuối rất giàu Kali – một chất giúp bình ổn tế bào thần kinh nên giúp ngăn ngừa các cơn cáu kỉnh, bực dọc bất thường của con rất tốt. Những lúc bé ốm, bé mọc răng, bé chuyển tiếp giai đoạn phát triển… bạn nên cho con ăn nhiều chuối (khoảng 2-3 trái chuối cau/ngày). Ngoài ra, bạn còn có thể làm kem chuối, bánh chuối, nấu chè chuối cho con ăn như món cho bữa xế. Mách nhỏ bạn là bên cạnh tác dụng giúp ổn định tâm lý, chuối còn giúp bé tránh táo bón, bổ sung cho con nhiều vitamin quan trọng.
3. Kiwi
Quả này hơi đắt tiền hơn chuối và cũng không phổ biến như chuối. Song, chúng thật sự có tác dụng rất tốt cho sức khỏe của bé, cả thể chất lẫn tinh thần. Kiwi có thể chuyển đổi tryptophan thành serotonin trong cơ thể, do đó giúp giảm cảm giác “căng” cho não bộ. Những lúc thấy con có vẻ “cáu” hơn bình thường, bạn hãy thử tăng cường cho con 1 quả kiwi. Lưu ý rằng do có rất nhiều vitamin C nên kiwi có vị hơi chua. Nếu bé không thích ăn một mình kiwi, bạn hãy cắt nhỏ, trộn cùng các loại trái cây khác như lê, táo và thêm sữa chua để thành món trái cây trộn cho con.
4. Việt quất
Quả việt quất được xếp vào danh sách thực phẩm cực tốt cho bộ não, vì chúng kích thích các tín hiệu thần kinh của não, giúp bộ não chống lại stress và giảm các vấn đề về trí nhớ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thêm quả việt quất vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể bộ nhớ và chức năng não. Hơi tiếc là việt quất không phổ biến nhiều ở Việt Nam. Chỉ ở các thành phố lớn, bạn mới dễ dàng tìm mua được việt quất tươi (nhập khẩu) trong các siêu thị. Tuy nhiên, hãy thử tìm xem! Nếu có điều kiện và nếu bắt gặp quả này, bạn đừng bỏ qua nhé. Chúng rất tốt để giúp cho con bạn trở nên… dễ tính hơn, vui vẻ hơn, vượt qua những vấn đề căng thẳng tâm lý vô cùng tốt.
5. Bí đao
Ồ, loại quả này thì lại phổ biến và dễ tìm rồi! Vì sao bí đao giúp ích cho việc giúp con vui vẻ, “mềm tính” hơn? Thực tế, quá trình chuyển hóa cao khiến cơ thể sinh nhiều nhiệt. Nhiệt lượng bên trong tác động làm cho hệ thống thần kinh hoạt động mạnh dẫn tới căng thẳng, ức chế. (Bạn đừng nghĩ chỉ có người lớn mới chịu ức chế nhé! Nhiều trẻ em ở thành phố ngày nay chịu đựng môi trường sống thiếu cây xanh, đường xá nhiều khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn… nên cũng “căng” không kém gì người lớn đâu). Trong khi đó, bí đao lại có khả năng làm giảm tốc độ chuyển hóa của cơ thể nên giúp dễ dàng kiểm soát tâm lý của trẻ hơn. Bạn có thể nấu canh bí xanh cho bé ăn, hoặc thử làm món nước ép bí cho bé uống nữa.
6. Bông cải xanh
Với bông cải xanh, bé sẽ được nạp vào cơ thể lượng Kali cần thiết, giúp tâm trạng khỏe khoắn, thoải mái. Nếu cơ thể thiếu Kali, có thể gây ra mệt mỏi và căng thẳng. Ngoài ra, bông cải xanh chứa rất nhiều folate tốt cho não bộ, giúp não luôn trong trạng thái “dễ chịu” nhất. Bạn có nhớ lúc còn mang thai, bác sĩ cũng luôn dặn dò bạn bổ sung folate để não bộ thai nhi phát triển tốt không? Vậy thì đừng quên tiếp tục duy trì bông cải xanh trong chế độ dinh dưỡng của con nhé. Bạn có thể xào, luộc, nấu canh, chế biến rất nhiều món ngon khác nhau từ loại thực phẩm này.
7. Đậu phộng
Để giảm kích thích lên hệ thần kinh của trẻ, bạn cũng có thể dùng đậu phộng. Đậu phộng giàu axit béo omega-3 giúp tổng hợp nên axit amin serotonin. Serotonin là một chất trung gian hóa học kết nối thần kinh với các chức năng khác nhau, làm dịu thần kinh, giúp thần kinh luôn trong trạng thái ít bị kích thích, ít hưng phấn quá mức hay cáu kỉnh thường xuyên. Cho bé ăn một ít đậu phộng luộc, hoặc giã nhuyễn đậu phộng cho vào canh, uống sữa đậu phộng… đều là những cách tốt giúp bình ổn tâm tính cho những bé yêu đang trong trạng thái stress, hay hung hăng, cáu kỉnh.
8. Đậu nành
Tương tự như sữa và kiwi, đậu nành chứa nhiều tryptophan – một axit amin có đặc tính giúp hệ thần kinh cân bằng, giảm hoạt động điện trên tế bào não. Nếu thấy con đang ở vào giai đoạn “khó ở”, đổi tính, bạn có thể âm thầm cho bé bổ sung thêm một cốc đậu nành sau bữa sáng. Sữa đậu nành không chỉ giúp bé ổn định hơn về tâm lý mà còn có ích rất nhiều cho sức khỏe nói chung của bé.
9. Hạnh nhân
Kẽm và vitamin B12 có trong hạnh nhân sẽ giúp xoa dịu tinh thần cho bé. Các chất dinh dưỡng này giúp duy trì một trạng thái tâm lý cân bằng. Bạn có thể tìm mua hạnh nhân khá dễ dàng trong các siêu thị và bổ sung chúng vào những món chè, món trái cây trộn của con.
10. Khổ qua
Khổ qua là một “vị thuốc” rất tốt giúp điều hòa thần kinh, não bộ. Cần biết rằng khổ qua là một trong những loại quả có khả năng giảm nhiệt tốt nhất, nó cũng sẽ kích thích lọc ở thận giúp bài tiết chất độc nhanh hơn. Do đó, não sẽ “nhẹ” hơn, giúp trạng thái thần kinh luôn bình ổn và dễ chịu. Bạn có thể nấu canh khổ qua, xào khổ qua với trứng cho bé ăn thử nhé.
11. Chocolate
Thành phần anandamine có trong chocolate có thể làm tăng mức dopamine (chất cho cơ thể cảm giác thư thái, dễ chịu) trong não bộ, do đó đảm bảo tâm trí bé sẽ đỡ “căng” hơn. Chocolate rất đáng được thay thế cho những món kẹo ngọt thông thường, để thành “quà vặt” cho con.
12. Cải bó xôi
Cải bó xôi rất giàu magiê, giúp giữ tâm trạng bình tĩnh, phòng tránh phản ứng thái quá. Ngoài ra, cải bó xôi cũng giúp bổ sung thêm vitamin A, vitamin C, sắt, đảm bảo giữ tinh thần luôn ở trạng thái thoải mái, thư giãn… Bó xôi xào hoặc canh bó xôi sẽ là món bé rất thích ăn đấy mẹ!
13. Cá
Các loại cá như cá hồi và cá thu rất giàu axit béo Omega-3, trong đó cung cấp selen và tryptophan lên não, giúp bé ổn định tâm lý, thoải mái và bình tĩnh hơn. Bạn có thể chọn để chế biến cho bé rất nhiều món ăn khác nhau từ cá, ví dụ như cá chiên, cá kho, cá hấp, canh cá…
Mẹ có biết?
Ở một số độ tuổi chuyển tiếp như tuổi bắt đầu tập đi, tuổi lên 3, giai đoạn bé mới có em… bạn rất dễ phải đối mặt với “tính khí thất thường” của con, thường xuyên chứng kiến cảnh bé cáu gắt, quăng ném đồ chơi, tát vào mặt người khác, lăn ra khóc mỗi khi không làm được theo ý muốn.
Những cơn giận dữ, khóc lóc, bướng bỉnh này không hoàn toàn do trẻ “hư” hay cố ý không vâng lời. Chúng xảy ra như một biểu hiện tâm lý thường gặp và là bình thường để giúp bé phát triển lên, “lớn” hơn, học được thế nào là ứng xử hợp lý.
Một số trẻ khác gặp phải cảm giác bất lực, lúng túng và thất vọng khi muốn làm gì đó nhưng chưa làm được (ví dụ muốn đi nhưng đi là ngã). Các cơn cáu gắt lúc này chỉ đơn giản là một cách để trẻ “phát” ra những cảm xúc. Đây là một hiện tượng tâm lý hoàn toàn bình thường. Bạn chỉ cần giúp đỡ trẻ bằng cách “điều chỉnh” chế độ dinh dưỡng, đánh lạc hướng trẻ khỏi cơn giận dữ bằng những mối quan tâm khác bên ngoài (ví dụ mở một clip nhạc lên, chỉ cho con xem một con chim ngoài cửa sổ…).
Một ghi nhớ quan trọng là: Bạn càng dịu dàng, tích cực bao nhiêu trước, trong và sau những cơn cáu gắt này của trẻ, bạn sẽ giúp trẻ kiểm soát những cơn bùng nổ này dễ dàng hơn bấy nhiêu.