Điện thoại, ipad, xem tivi sẽ để lại những tác động xấu đối với sự phát triển của trẻ. Vì thế, bố mẹ nên cùng con chơi những trò chơi kích thích trí não, tư duy và khả năng sáng tạo của bé thay vì khuyến khích con dùng điện thoại hay xem tivi quá nhiều. Dưới đây là một số trò chơi cho trẻ em mà bạn có thể tham khảo trong mùa nghỉ học phòng dịch nhé!
Trò chơi đo đạc
Kích thước, hình dạng và khoảng cách là những khái niệm quan trọng mà bạn có thể dễ dàng dạy trẻ ngay từ khi còn bé thông qua các trò chơi cho trẻ em liên quan tới hình khối, khối lượng. Chẳng hạn như bạn có thể cùng bé đo đạc và so sánh các khối hộp đồ chơi, kích thước và khoảng cách khác như của các sự vật. Ngoài ra, hãy cho trẻ cơ hội được cân đo các loại nguyên liệu hay đi dạo trong công viên và sắp xếp đồ vật theo kích thước. Tất cả những hoạt động này đều có tác động tốt giúp hình thành kỹ năng toán học cơ bản cho trẻ.
Trò chơi rút gỗ
Trò chơi rút gỗ sẽ kích thích các cử động khéo léo ở trẻ. Thêm vào đó, khi chơi trò này bé cần học cách quan sát, tính kiên nhẫn và sự tỉ mỉ. Những trò chơi cho trẻ em này sẽ kích thích sự hoạt động của các tế bào thần kinh trong não bộ của bé.
Giải đố
Bố mẹ có thể mua những cuốn sách về đố vui hoặc những trò chơi dạng cờ ca rô hoặc giải đố ô chữ buộc bé phải vận dụng tư duy logic để tìm ra bước đi tiếp theo và suy luận chiến thuật của đối phương. Những câu đố sẽ mang tới những kiến thức bổ ích cho con để kích thích bé khám phá thế giới nhiều hơn. Bên cạnh đó, những câu đố dạng giải trên giấy như trò chơi mê cung, sudoku… giúp con phát triển tư duy logic của mình. Bạn có thể đặt mua những tờ báo dành cho thiếu nhi hàng tuần vì có thể tích hợp việc đọc sách, giải câu đố và khuyến khích con học tập.
Chơi với cát và nước
Bố mẹ nghĩ rằng việc con chơi cùng nước và cát sẽ rất bẩn và khó dọn dẹp sau đó. Chưa kể, trong suốt cả quá trình chơi bé phần lớn chỉ đổ nước, xây cát và phá vỡ mô hình chẳng học được gì hết cả. Tuy nhiên, nhóm trò chơi cho trẻ em với cát và nước này có thể cung cấp cho trẻ kiến thức về bài học khoa học đầu đời. Tức là khi chơi, trẻ sẽ tìm hiểu về đặc điểm, trọng lượng, hiện tượng phản ứng của chất rắn và chất lỏng. Đây là những điều căn bản để mở đầu cho bộ môn vật lý cơ bản. Hiệu quả giáo dục từ hoạt động này có thể được nâng cao nếu trẻ được tiếp xúc với càng nhiều sự vật và hoạt động, ví dụ như đổ đầy cát vào bát hay thả một vật thể vào nước để kiểm tra trạng thái chìm – nổi của vật thể đó.
Ghép tranh, thả khối
Những sản phẩm trò chơi cho trẻ em mang tính giáo dục như thả khối hình học và ghép trang là một trong những dụng cụ hỗ trợ phát triển khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập ở trẻ nhỏ. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp ích rất nhiều khi bé bước vào bậc tiểu học và rèn luyện tính kiên nhẫn thậm chí khi chưa tìm ra được phương hướng giải quyết.
Xây dựng các kiến trúc
Những khối hộp, vòng tròn hoặc cốc xếp hình để xây dựng nên những kiến trúc có thể dạy bé về các khái niệm như nhiều hơn ít hơn, cao hơn thấp hơn trong quá trình chơi đùa. Cũng thông qua những trò chơi này, bé sẽ nhận thức được nhiều điều mới lạ. Chẳng hạn như bé sẽ nhận thấy một tòa tháp cột đôi được xếp thành từ hai khối có cùng kích cỡ, hình dáng hoặc có cùng số hộp cần để xếp một tòa tháp bốn hộp khối. Trò chơi cho trẻ em để phát triển tư duy này có thể là bộ xếp hình, lego hoặc những khối hộp bằng mút lớn…
Kể chuyện với nhạc nền
Trẻ nhỏ đều rất thích nghe kể chuyện. Những câu chuyện giúp trí tưởng tượng của các con phong phú và nhiều màu sắc hơn. Nếu cảm thấy kể chuyện quá “tầm thường” như mọi ngày, bố mẹ có thể bật nhạc và kể trên nhạc nền đó. Ban đầu, bạn hãy tìm những câu chuyện đơn giản và lồng với nhạc không lời. Bạn không cần kể chuyện quá chính xác mà có thể thêm thắt tình tiết để gần gũi với con hơn hoặc đổi tên nhân vật bằng tên con để tăng độ thích thú và hưng phấn.
Học số
Bố mẹ có thể dạy con những kỹ năng về toán học cơ bản nhất thông qua việc giới thiệu những con số hoặc sách học đếm. Những trò chơi cho trẻ em để học số có thể bao gồm những lựa chọn truyền thống như domino hoặc bảng số có phát nhạc. Những trò chơi này sẽ giúp con có thêm hứng thú trong việc tìm hiểu về những con số, phép toán và giúp ích cho con trong việc đi học sau này đấy.
Cắm trại trong nhà
Hầu như đứa trẻ nào cũng thích trò chơi cắm trại trong nhà. Đối với trò chơi cho trẻ em này cho phép bé có một không gian riêng tư khác dành cho bản thân. Bạn và con có thể ở trong lều bao lâu tùy thích và cùng nhau hát, kể chuyện hay tâm sự với nhau. Bố mẹ có thể tìm mua những loại lều có sẵn cho trẻ trên thị trường hoặc tự làm với thanh tre cố định và phủ chăn lên trên đó.
Tạo các tác phẩm nghệ thuật từ thực phẩm
Nếu như cuối tuần không quá bận rộn, bố mẹ nên cho bé tiếp xúc với các nguyên liệu nấu ăn để cùng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Bạn có thể cắt mỏng những rau củ, trái cây và giúp bé sắp xếp thành một bức tranh trên đĩa to. Chẳng hạn như đám mây, xe lửa, bạch tuộc, ngôi nhà…Và cuối cùng đừng bỏ phí những thực phẩm này mà hãy chế biến và thưởng thức những kiệt tác này nhé!
Săn tìm kho báu
Săn tìm kho báu là trò chơi dành cho mọi lứa tuổi. Các bậc phụ huynh có thể điều chỉnh độ khó của trò chơi căn cứ vào độ tuổi cũng như nhận thức của bé. Đối với bé nhỏ, bạn có thể chuẩn bị một gợi ý bằng hình ảnh, trong khi bé lớn có thể thử sức với những câu đố chữ tầm trung hoặc mật ngữ nào đó mà bé từng được tiếp xúc qua. Khi tham gia trò chơi này, bé sẽ có cơ hội học cách tuân thủ luật chơi, tìm lời giải cho những gợi ý qua đó phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Chơi cùng những quả bóng
Với những trò chơi cho trẻ em được tổ chức trong nhà thì chơi cùng những quả bóng là ý tưởng không tồi vì bóng di chuyển tùy vào lực của bố mẹ nên bé có thể đuổi theo. Ngoài ra, bạn có thể thổi bóng lên và tung nhẹ trong không khí để bé bắt. Đây là một trò chơi giúp phát triển kỹ năng đếm và đòi hỏi sự kết hợp của tay – mắt của bé. Tuy nhiên, những quả bóng cao su khi nổ cũng có thể gây ngạt nên bố mẹ cần giữ trẻ có khoảng cách an toàn với bóng. Hơn nữa, đối với bé nhỏ thì bất kỳ đồ ăn nào cũng sẽ được cho vào miệng, do đó cần nhặt bỏ những mảnh vỡ ngay lập tức. Nếu lo lắng về sự an toàn của những món đồ chơi này, bố mẹ có thể tự làm những trái bóng bằng giấy hoặc mylar thay thế.
Bé phát triển như thế nào phụ thuộc vào toàn bộ những gì hôm nay bố mẹ bỏ thời gian ra để chơi cùng con. Do đó, nếu muốn con phát triển tư duy nhiều hơn hãy dành thời gian cho con nhiều hơn. Hãy cùng con bỏ điện thoại, ipad và tắt tivi đi và tham gia những hoạt động thể chất giúp phát triển toàn diện các giác quan và nhận thức bạn nhé. Những trò chơi đơn giản mà Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ cùng bạn có thể chơi vào buổi tối sau khi cả nhà ăn cơm xong, ngày cuối tuần rảnh rỗi, nhất là khi con đang nghỉ phòng dịch như hiện nay.