Mẹ và Con - Con học kém đột ngột có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiểu được lý do bố mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái, yên tâm hơn và đồng thời cải thiện điểm số tốt hơn...

Những năm qua, con đều là học sinh giỏi nhưng nay con học kém đột ngột khiến bố mẹ lo lắng nhưng cũng chẳng biết phải làm sao? Bỗng dưng bố mẹ thấy tên con thường xuyên xuất hiện trong sổ đầu bài kèm theo hàng loạt phê bình từ giáo viên? Theo các chuyên gia, việc bỗng nhiên con có sức học kém, không còn hứng thú với việc học tập có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhiều bố mẹ khi thấy con học kém liền cho rằng con đang lười học ham chơi và có phản ứng gay gắt với trẻ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, việc học sa sút của con có thể xuất phát từ những nỗi niềm khó nói. Do đó, đừng vội trách mắng con mà khi thấy con đang không thể tập trung hoàn toàn vào việc học tập, hãy thử những cách sau bạn nhé!

Nguyên nhân con học kém đột ngột do đâu?

Trước khi quyết định sẽ làm gì tiếp theo, bố mẹ cần tìm ra lý do tại sao con lại có sự giảm sút về sức học này. Việc hiểu được thực sự lý do khiến con sa sút trong học tập sẽ giúp bố mẹ biết cần phải làm gì để giúp đỡ con thay vì chỉ trách mắng và yêu cầu con cải thiện điểm số. Một số nguyên nhân khiến con học kém bất thường bao gồm:

Bệnh lý về thể chất

Mất ngủ, sức khỏe giảm sút, đang mắc các bệnh lý,… khiến sức khỏe trẻ không còn được như trước và con sẽ không thể tập trung vào việc học của mình, con học kém hơn và không thể tiếp thu bài vở tốt như mong đợi của thầy cô, bố mẹ.

con học kém

Chuyển cấp

Giai đoạn chuyển từ cấp 1 lên cấp 2 hoặc từ cấp 2 lên cấp 3, từ cấp 3 lên Đại học là khi con được bước sang một môi trường mới, gặp gỡ những người bạn mới, cách học mới,… Sự mới lạ ban đầu có thể khiến trẻ còn bỡ ngỡ, chưa kịp thích nghi dẫn đến việc không hoàn thành việc học tập tốt như trước.

Môn học mới

Một hiện tượng con đột ngột học kém khác thường thấy chính là khi trẻ bắt đầu với một môn học mới, chẳng hạn như khi bước vào lớp 6 con phải làm quen với môn Anh văn hay lớp 8, chương trình học có thêm môn Hóa học. Con phải học nhiều môn hơn, lượng kiến thức nhiều hơn và chưa thể nào ngay lập tức nắm được cách học tập phù hợp với những môn học này.

Thay đổi cách học

Việc thay đổi sang một cách học khác cũng là nguyên nhân con học kém đột ngột mà bố mẹ cần lưu tâm. Chẳng hạn như con có một giáo viên mới, không hướng dẫn chi tiết cho con cách làm bài nữa mà yêu cầu con phải tự tìm hiểu trước.

Trong giai đoạn đầu khi làm quen với một phương pháp học mới, con có thể chưa nắm rõ cách làm sao để học tốt nhất, hiệu quả nhất với cách học này dẫn đến việc học chậm hơn, tiếp thu bài chậm hơn.

con học kém đột ngột

Áp lực học tập

Nếu bố mẹ đặt cho trẻ quá nhiều kỳ vọng khiến trẻ chịu áp lực học tập nặng nề, trẻ cũng sẽ bắt đầu rơi vào trạng thái rối loạn học tập, hoảng loạn, tâm lý muốn chống đối. Lúc này, bố mẹ sẽ thấy con học kém hơn rất nhiều.

Khả năng học tập của con

Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có khả năng học tập tốt mà tùy trẻ sẽ có năng lực học tập khác nhau. Vì thế, một số môn học có thể quá khó với con, khiến con không học tốt như bố mẹ, thầy cô vẫn kỳ vọng.

Khủng hoảng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè mới

Khi con chuyển sang một lớp học mới hay đầu năm học gặp gỡ nhiều thầy cô mới, con sẽ phải dành thời gian để làm quen. Con sẽ có những thầy cô mà mình yêu thích, những bạn bè mà mình muốn chơi cùng nhưng cũng có những người bạn chưa phù hợp.

Bạn bè cũng sẽ bắt đầu chia nhóm dẫn đến việc nếu con chưa thể hòa đồng với các bạn, bị cô lập, trở nên cô đơn và sợ đến trường, sợ đi học.

con học kém ở trường

Cảm giác này cùng với cảm giác gặp những thầy cô mà mình chưa thật sự thích hay hiểu được phương pháp giảng dạy sẽ khiến con tự thu mình lại, chán ghét việc học tập và dẫn đến tình trạng con học kém.

Thậm chí, nhiều trẻ còn bị bạo lực học đường nhưng không dám chia sẻ cùng thầy cô hay phụ huynh, ảnh hưởng đến tâm lý của con, khiến con không thể tập trung vào việc học của mình.

Không gian học tập

Nếu con có không gian học tập thiếu ánh sáng, ồn ào, nóng nực,… con không thể tập trung vào việc học được. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của con.

Bố mẹ không quan tâm đến con cái

Bố mẹ bận rộn làm việc, không quan tâm đến con cái, phó mặc toàn bộ chuyện dạy dỗ của con cho thầy cô và nhà trường thì con cũng sẽ khó có thể hoàn thành tốt việc học tập của mình.

Bị thu hút bởi nhiều thứ xung quanh

Khi đi học, trẻ sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè mới. Song song với niềm vui khi kết bạn là vô vàn những “cám dỗ” mà con có thể gặp như “tám” xuyên giờ học, bạn rủ rê đi chơi, các trò chơi điện tử, dùng điện thoại,…. Nếu không cân đối được thời gian chơi và học, con sẽ dễ bị sa sút trong học tập và khiến con học kém hơn.

trẻ học kém đột ngột

Mất động lực học tập

Một trong những nguyên nhân con học kém đột ngột có thể là do con mất đi động lực học tập ban đầu. Lúc trước, con có mục tiêu rất rõ ràng như đạt được 10 điểm, đứng đầu lớp để bố mẹ vui hoặc muốn khoe với bạn bè nhưng bây giờ, mục tiêu này đã biến mất nên con không còn muốn nỗ lực học tập như trước nữa.

Các vấn đề tâm lý khác

Bố mẹ ly hôn, gia đình có biến cố, tình yêu gà bông của con không còn hạnh phúc,… cũng sẽ gây tác động về mặt tâm lý, khiến trẻ buồn bã, không còn đặt tâm trí vào chuyện học tập như trước.

con học kém do tâm lý

Bố mẹ cần làm gì khi con đột ngột học kém?

Tìm hiểu nguyên nhân

Việc đầu tiên cần làm nếu thấy kết quả học tập của con không còn tốt chính là cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao thay vì vội vã trách mắng con.

Có thể quan sát xem dạo này con có đi học đúng giờ hay không, có biểu hiện lạ trước và sau khi đến trường (sợ hãi, lo lắng, tỏ ra mệt mỏi thất vọng,…), gia đình dạo này có biến cố gì hay không, con có đang quan tâm đến trò chơi gì hay không,…

Theo dõi tình trạng sức khỏe của con

Vì sức khỏe giảm sút cũng khiến con học kém hơn nên bố mẹ cần để ý xem con có hay bị mệt mỏi hay có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, chẳng hạn như hay đau mỏi mắt, đau đầu, mất ngủ,… hay không. Nếu có, nên đưa trẻ đi khám bệnh để kịp thời điều trị, tránh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả việc học và sức khỏe thể chất của trẻ.

Động viên con

Tâm lý chung của bố mẹ khi con học kém, đặc biệt là học kém đột ngột sẽ sốc, không chấp nhận được, muốn la mắng con để con thay đổi hành vi và kết quả học tập. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ phản tác dụng mà thôi.

Hãy động viên trẻ và cho con biết rằng, con đã làm tốt nhưng con vẫn có thể làm tốt hơn nữa vào lần sau để con có thêm động lực cố gắng bạn nhé!

Ngoài ra, có thể tặng con một vài món quà nhỏ nếu con nỗ lực học tập và có cải thiện điểm số trong những lần kiểm tra tiếp theo. Đó có thể là một buổi đi chơi công viên hay mua cho con một món quà nhỏ chẳng hạn.

Tuy nhiên, đừng lúc nào cũng đặt ra những món quà như điều kiện để con học tốt, tránh trường hợp trẻ mất đi mục đích chính của việc học mà chỉ chăm chăm học để nhận quà từ bố mẹ.

vì sao trẻ học kém

Trao đổi với giáo viên của con

Hầu hết thời gian học tập của con là ở trường, cùng với thầy cô và bạn bè. Do đó, nếu con học kém đột ngột, bạn nên tìm đến giáo viên chủ nhiệm của con để tìm hiểu về tình hình học tập dạo này, biểu hiện của con khi trên lớp, so sánh với biểu hiện của con khi ở nhà để biết chính xác cần làm gì để giúp đỡ con.

Trò chuyện cùng con

Bố mẹ chính là những người bạn lớn của con. Vì thế, hãy kiên nhẫn để trò chuyện cùng con. Trong thời gian đầu, con có thể còn đề phòng và chưa muốn tâm sự với bố mẹ nhưng dần dần, con có thể nói ra những “khó khăn” mà mình đang gặp phải, ví dụ như con đang không hiểu bài thầy cô giảng hay con bị bạn bè cô lập, con không muốn đến trường,…

Trò chuyện với trẻ sẽ giúp bạn hiểu được nguyên nhân thật sự đằng sau việc con học kém đột ngột, từ đó cùng con thảo luận về cách giải quyết vấn đề. Đây cũng là một cơ hội để bố mẹ và con có thể gần gũi với nhau hơn thì tại sao lại bỏ qua bạn nhỉ?

Xem lại kỳ vọng của mình

Nhiều bố mẹ đặt kỳ vọng quá cao, không đúng với thực tế và sức học tập của con nên cảm thấy con học ngày càng tệ hơn. Bên cạnh việc quan sát trẻ, bạn cũng nên nhìn lại xem mình đã đưa cho con những kỳ vọng đúng hay chưa, có cần điều chỉnh hay không.

Dành thời gian cho con

Đừng nghĩ rằng việc học của con là việc của thầy cô và nhà trường mà bố mẹ cũng phải có trách nhiệm trong việc dạy dỗ con cái. Mỗi tối, bạn có thể dành thời gian để hướng dẫn con làm bài tập về nhà.

Hoặc nếu không tự tin với những kiến thức của mình thì bạn có thể ngồi trao đổi, hỏi con xem một ngày học của con như thế nào, con có vui khi đến trường không, bạn bè của con ra sao, con có thích chơi với bạn bè hay không,…

dành thời gian nuôi dạy con

Chấp nhận con học kém

Trẻ không thể giỏi tất cả các môn học và không thể phù hợp với tất cả các phương pháp học tập mà thầy cô hướng dẫn. Vì thế, bố mẹ cũng cần nhìn nhận và chấp nhận việc đôi lúc con học kém hơn hoặc có một vài môn con không thể đạt điểm cao như bố mẹ mong đợi được.

Việc chấp nhận như vậy sẽ giúp bố mẹ không còn cảm thấy thất vọng cũng như giảm bớt áp lực trong việc học tập, khiến những ngày đến trường không còn là nỗi ám ảnh với con.

Tìm đến các chuyên gia

Nếu đã áp dụng hết mọi phương pháp hỗ trợ nhưng việc con học kém vẫn không được cải thiện, bạn có thể đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý để có thể được hỗ trợ.

Các chuyên gia có thể trò chuyện với trẻ và áp dụng các phương pháp chuyên môn để xem liệu trẻ gặp khó khăn ở đâu, từ đó có thể cùng bố mẹ và nhà trường tìm ra cách giải quyết phù hợp với tình trạng của con.

Con học kém đột ngột có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiểu được chính xác lý do sẽ giúp bố mẹ có thể giúp trẻ vực dậy tinh thần, cải thiện điểm số. Không nên trách mắng con mà hãy cố gắng động viên và đồng hành bên con qua giai đoạn này bạn nhé!

Hy vọng từ những chia sẻ của Mẹ và Con, bạn có thể hiểu rõ hơn về những lý do con học kém để thông cảm cho con. Dù biết rằng là bố mẹ, ai cũng mong con học thật giỏi nhưng đôi khi, kỳ vọng quá lớn sẽ tạo nên gánh nặng trên vai của con. Hãy để con được lớn khôn đúng như khả năng của con.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.