Mẹ và Con - Các vết loét khi bị nhiệt miệng vô cùng khó chịu, thậm chí gây đau đớn. Do đó, cùng bỏ túi ngay những bí quyết giúp khắc phục tình trạng nhiệt miệng này bạn nhé.

Cơn đau khi bị nhiệt miệng khiến cho cuộc sống sinh hoạt, ăn uống của chúng ta trở nên khó khăn. Đâu là nguyên nhân gây nhiệt miệng? Có cách chữa dứt điểm nhiệt miệng không? Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này để chủ động chữa trị cũng như phòng chống nhé!

Nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng là những vết lở loét nông, thường xuất hiện trên lưỡi, vòm miệng mềm (phần sau của vòm miệng) hoặc bên trong má. Những vết nhiệt miệng thường có màu vàng, trắng hoặc xám với phần viền màu đỏ. Nhiệt miệng xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ gây đau đớn, nóng rát, khó chịu bên trong miệng.

Phân loại nhiệt miệng

Nhiệt miệng được chia làm hai loại:

  • Nhiệt miệng đơn giản: Chỉ xuất hiện khoảng 3 đến 4 lần/năm, có thể tự khỏi sau một khoảng thời gian ngắn (dưới 1 tuần).
  • Nhiệt miệng phức tạp: Loại nhiệt miệng này nguy hiểm hơn, có thể gây các triệu chứng như sốt cao, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, tiêu chảy,…

bị nhiệt miệng là gì

Nguyên nhân bị nhiệt miệng

Nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh nhiệt miệng thì bạn cũng sẽ có nguy cơ bị nhiệt miệng. Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân phổ biến như:

  • Nhiễm virus
  • Bị căng thẳng và áp lực
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Dị ứng thực phẩm hoặc chế độ ăn uống không hợp lý với nhiều món cay nóng và nhiều axit
  • Chu kỳ kinh nguyệt
  • Thiếu vitamin hoặc khoáng chất như kẽm, sắt, vitamin B-12
  • Hệ miễn dịch có vấn đề
  • Chấn thương ở miệng như bị xước hay rách vùng niêm mạc bên trong miệng

Xem thêm: Bị nhiệt miệng nhiều lần liên tục có thể do 4 nguyên nhân chính sau đây

Triệu chứng khi bị nhiệt miệng

Các triệu chứng thường thấy khi bị nhiệt miệng gồm:

  • Bị ngứa râm ran trong miệng
  • Trong miệng có một vùng da bị đỏ và đau
  • Trong miệng có một vết loét nhỏ, hình bầu dục và có màu trắng hoặc vàng

Ngoài ra, nếu bệnh nhiệt miệng lâu ngày không khỏi và đi kèm với các dấu hiệu dưới đây thì bạn nên đi tới gặp bác sĩ để kiểm tra:

  • Sốt cao
  • Phát ban
  • Đau đầu
  • Tiêu chảy
  • Bị đau buốt
  • Vết loét trong miệng lớn
  • Miệng có thêm nhiều vết loét

Triệu chứng khi bị nhiệt miệng

Chẩn đoán bệnh nhiệt miệng

Thông qua việc quan sát trực quan, bạn có thể nhận biết được nhiệt miệng. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hay bị nhiệt miệng quá nặng, bạn có thể cần làm xét nghiệm để kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác.

Cần làm gì khi bị nhiệt miệng?

Kể cả bạn không dùng bất kỳ thuốc chữa nhiệt miệng nào thì hầu hết các vết loét sẽ tự thu nhỏ và biến mất. Dưới đây là một số mẹo chăm sóc để cảm thấy dễ chịu hơn khi các vết loét chậm lành:

  • Ăn món mềm, nhạt, dễ nuốt. Để hạn chế thức ăn cọ xát vào vết nhiệt miệng, bạn có thể cắt thức ăn thành những miếng nhỏ hoặc nghiền nhuyễn.
  • Tránh thức ăn và đồ uống quá nóng. Nếu muốn uống nước lạnh hoặc nước ấm thì nên sử dụng ống hút để hạn chế đau.
  • Tránh ăn các món cay, mặn; tránh ăn trái cây có tính axit như bưởi, cam quýt… khiến vết loét khó chịu hơn.
  • Súc miệng hàng ngày bằng nước muối.
  • Đánh răng cẩn thận, nhẹ nhàng. Nên sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng không chứa sodium lauryl sulfate.
  • Uống nước ép rau củ hoặc trái cây mỗi ngày để bổ sung vitamin giúp vết loét nhanh lành hơn.

Cần làm gì khi bị nhiệt miệng

Cách phòng chống nhiệt miệng

Vậy có thể chữa dứt điểm nhiệt miệng không? Câu trả lời là tùy thuộc vào chế độ ăn uống và cách chăm sóc sức khỏe răng miệng của mỗi người. Để phòng chống và ngăn ngừa sự tái phát của chứng nhiệt miệng, bạn cần:

  • Tránh các loại thực phẩm cay, mặn hoặc có tính axit
  • Tránh các loại thực phẩm gây ra các triệu chứng dị ứng như ngứa miệng, sưng lưỡi hoặc phát ban
  • Luôn để tinh thần thoải mái, sử dụng các phương pháp giảm căng thẳng, giữ bình tĩnh như hít thở sâu hoặc thiền.
  • Xây dựng thói quen bảo vệ sức khỏe răng miệng, sử dụng bàn chải mềm để tránh gây tổn thương, kích ứng nướu, mô mềm.
  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng với đầy đủ vitamin, dưỡng chất.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ để xác nhận bản thân đang thiếu loại vitamin hay khoáng chất nào.

Tùy từng nguyên nhân sẽ có cách phòng chống tương ứng mà bạn có thể tham khảo như trên. Trường hợp nhiệt miệng lâu ngày không khỏi, bạn không nên chủ quan chờ đợi thêm mà cần tới thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cụ thể liên quan tới các vấn đề sức khỏe khác.

Thuốc chữa nhiệt miệng

Hiện nay, có ba nhóm thuốc nhiệt miệng chính bao gồm nước súc miệng trị liệu, thuốc bôi nhiệt miệng hoặc thuốc uống giảm đau và viêm loét.

Thuốc bôi nhiệt miệng

Thuốc bôi nhiệt miệng dạng kem, gel…để bôi trực tiếp vào vết loét để giảm đau và thúc đẩy vết loét nhanh lành hơn. Loại thuốc này thường được kê đơn hoặc không kê đơn như Anbesol, Orabase…. Một số thành phần hoạt tính thường bắt gặp trong loại thuốc bôi này là:

  • Benzocaine (Anbesol, Kank-A, Orabase, Zilactin-B)
  • Fluocinonide (Lidex, Vanos)
  • Hydrogen peroxide (thuốc sát trùng miệng Orajel, Peroxyl)

Nhìn chung, bạn có thể an tâm sử dụng thuốc bôi khi bị nhiệt miệng bởi thành phần an toàn, không chứa hoạt chất. Tuy nhiên, vẫn cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ để chọn loại thuốc chữa nhiệt miệng phù hợp và hiệu quả.

Nước súc miệng trị liệu

Nước muối tự pha tại nhà hoặc nước muối sinh lý thường được dùng khi bị nhiệt miệng ở mức độ nhẹ vì nước muối không chứa cồn, có thể sát trùng và làm dịu vết loét. Nhưng nếu bạn có nhiều vết loét trong miệng và không tự khỏi được thì bác sĩ sẽ kê toa cho bạn loại nước súc miệng trị liệu có chứa steroid dexamethasone để giảm viêm đau hoặc loại có chứa lidocaine để giảm đau.

Thuốc bôi nhiệt miệng

Thuốc chữa nhiệt miệng bằng đường uống

Trường hợp những vết loét nghiêm trọng hoặc thuốc bôi miệng không có hiệu quả thì thuốc chữa nhiệt miệng bằng đường uống sẽ được cân nhắc. Tuy nhiên, những loại thuốc này cần được kê đơn theo chỉ định, liều lượng của bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng.

  • Một số loại thuốc có tác dụng giảm viêm, cải thiện vết loét như thuốc sucralfate (Carafate) điều trị loét ruột hoặc thuốc colchicine dùng cho bệnh gút.
  • Thuốc steroid đường uống dùng để điều trị những vết loét nghiêm trọng. Song vì thuốc này gây nhiều tác dụng phụ nên thường không được ưu tiên.
  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid chẳng hạn như aspirin, ibuprofen, naproxen… Lưu ý, thuốc aspirin không dành cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.

Mặc dù chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn nhưng nhiệt miệng làm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người bỏ ăn, bỏ uống, sút cân, kiệm lời…vì bệnh này. Do đó, hãy bảo vệ sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe cơ thể nói chung để luôn trong trạng thái thoải mái, tràn đầy năng lượng nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.