Mẹ&Con – Ai cũng biết tiêm ngừa là cực kỳ quan trọng cho sức khỏe cũng như sức đề kháng không chỉ của trẻ em mà còn với người lớn. Thế nhưng, xung quanh việc tiêm ngừa có ti tỉ vấn đề khiến các mẹ băn khoăn, không hiểu rõ, thậm chí là hiểu sai. Mẹ và nỗi sợ tiêm ngừa cho bé Mẹ đã tiêm ngừa cho bé chưa?

Bài viết sau tổng hợp 10 thắc mắc hay gặp nhất của các mẹ về tiêm ngừa và những giải đáp rõ ràng, dễ hiểu giúp bạn hiểu cặn kẽ hơn cũng như có thêm kiến thức về tiêm ngừa.

  • Thắc mắc 1:  Nếu thực hiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường tốt sẽ ngăn chặn được các nguy cơ gây mắc bệnh. Do đó, vắc xin sẽ không cần thiết nữa. SAI

Thực tế: Những bệnh mà bạn có thể sử dụng vắc xin để phòng ngừa sẽ quay lại nếu như bạn ngừng các chương trình tiêm chủng. Dù rõ ràng việc giữ gìn vệ sinh tốt, rửa tay và sử dụng nước sạch giúp bạn tránh được một vài bệnh truyền nhiễm, nhưng vẫn có những bệnh truyền nhiễm khác có thể lan truyền dù cho bạn giữ gìn vệ sinh thế nào đi nữa. Việc chấm dứt tiêm ngừa vắc xin sẽ khiến những bệnh truyền nhiễm như bại liệt, sởi có cơ hội xuất hiện trở lại và bùng phát.

  • Thắc mắc 2: Vắc xin gây ra một vài tổn thương và tác dụng phụ kéo dài, thậm chí còn có thể gây tử vong. SAI

Thực tế: Các vắc xin vốn dĩ rất an toàn. Phần lớn các phản ứng do sử dụng vắc xin thường là nhẹ và tạm thời, chẳng hạn như đau cánh tay hay sốt nhẹ. Rất hiếm khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng tới sức khoẻ và nếu có, chúng sẽ được bác sĩ kiểm tra, theo dõi kỹ lưỡng. Bạn hãy thử hình dung. Nếu không được tiêm vắc xin thì khi bị nhiễm bệnh bại liệt hay sởi, trẻ sẽ bị liệt, viêm não, mù lòa, thậm chí tử vong ở một vài bệnh khác. Rõ ràng, những lợi ích mà việc tiêm ngừa vắc xin mang lại là lớn hơn rất nhiều so với những tác dụng phụ, biến chứng hay tình trạng tử vong do vắc xin gây ra.

  • Thắc mắc 3: Vắc xin phối hợp phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà và vắc xin bại liệt gây ra hội chứng đột tử ở trẻ em (SISD). SAI

Thực tế:  Y học thế giới đã chứng minh rằng không có mối liên quan nào giữa vắc xin và hội chứng đột tử ở trẻ em. Thế nhưng, lại có sự trùng hợp là một vài trẻ được tiêm vắc xin vào thời điểm có thể mắc hội chứng đột tử. Những trẻ mắc hội chứng đột tử có thể tử vong kể cả khi không tiêm ngừa. Nhưng điều quan trọng ở đây là, nếu trẻ không được tiêm vắc xin 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt thì sẽ có nguy cơ tử vong hoặc tàn tật nghiêm trọng.

  • Thắc mắc 4: Các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin hầu như đã được thanh toán ở Việt Nam, cho nên không cần tiêm vắc xin nữa. SAI

Thực tế: Bạn cần biết rằng tuy các bệnh phòng ngừa được bằng vắc xin không còn phổ biến ở nhiều quốc gia song tác nhân gây bệnh vẫn còn tồn tại ở một vài nơi trên thế giới. Đặc biệt đối với những bệnh truyền nhiễm thì khả năng lây nhiễm là rất cao, không phải chỉ trong một quốc gia mà có thể lan ra cả một khu vực. Ví dụ, năm 2005, Tây Âu bùng phát dịch sởi trong cộng đồng dân chưa tiêm vắc xin ở Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Anh. Như vậy, có 2 lý do chính khiến bạn cần tiêm vắc xin: vừa bảo vệ chính mình và cả những người xung quanh.

10 thắc mắc về tiêm ngừa

(Ảnh minh họa)
  • Thắc mắc 5: Những bệnh như uốn ván, bại liệt, ho gà, sởi, v.v. nếu trẻ sơ sinh mắc phải đấy là do không may mắn chứ không phải do không tiêm vắc xin. SAI

Thực tế: Đối với trẻ sơ sinh cho đến 1 tuổi cần phải được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin. Bởi vì các bệnh trầm trọng như sởi, quai bị và rubella có thể dẫn tới các biến chứng nặng ở cả trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm não, mù lòa, tiêu chảy, viêm nhiễm tai, hội chứng rubella bẩm sinh (nếu thai phụ bị nhiễm rubella ở thời kỳ đầu thai kỳ) và tử vong. Tất cả các bệnh này có thể được ngăn ngừa bằng vắc xin.

  • Thắc mắc 6: Tiêm cho trẻ nhiều loại vắc xin cùng một lúc có thể làm tăng nguy cơ bị tác dụng phụ, gây quá tải hệ thống miễn dịch của trẻ. SAI

Thực tế: Khoa học đã chứng minh rằng tiêm cho trẻ nhiều loại vắc xin cùng lúc không gây tác dụng phụ lên hệ thống miễn dịch của trẻ. Trẻ tiếp xúc với hàng trăm chất ở bên ngoài kích thích đáp ứng miễn dịch hàng ngày, như ăn thức ăn cũng sản sinh ra kháng nguyên trong cơ thể và vi khuẩn sinh sống ở miệng và mũi. Trẻ tiếp xúc với kháng nguyên từ cảm cúm thông thường hoặc viêm họng nhiều hơn là từ vắc xin. Khi cho trẻ tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, trẻ cũng sẽ sớm hoàn thành lịch tiêm chủng và quan trọng là hạn chế số lần tiêm, vốn là điều trẻ rất sợ.

  • Thắc mắc 7: Vắc xin không có tác dụng nhiều đối với bệnh cúm. SAI

Thực tế: Hàng năm, bệnh cúm gây tử vong cho khoảng 300.000 – 500.000 người trên toàn thế giới. Các đối tượng như thai phụ, trẻ nhỏ, người già yếu và người mắc bệnh mạn tính như: hen phế quản, bệnh tim mạch đều có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và có thể tử vong. Việc tiêm ngừa cho mẹ làm tăng thêm lợi ích bảo vệ trẻ sinh ra (hiện chưa có vắc-xin cho trẻ dưới 6 tháng tuổi). Tiêm vắc xin cúm giúp bạn miễn dịch đối với 3 chủng cúm phổ biến nhất lưu hành trong bất kể mùa nào. Đây là biện pháp tốt nhất giúp bạn giảm khả năng nhiễm cúm nặng và tránh lây lan cho người khác.

  • Thắc mắc 8: Miễn dịch qua mắc bệnh tốt hơn miễn dịch từ vắc xin. SAI

Thực tế: Vắc xin cũng tương tự như cách mắc bệnh tự nhiên, tương tác với hệ miễn dịch tạo ra một đáp ứng miễn dịch, nhưng vắc xin không gây ra bệnh hoặc làm cho người được miễn dịch có nguy cơ mắc các biến chứng tiềm tàng. Trái lại, miễn dịch thông qua mắc bệnh tự nhiên có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng: trì trệ về tâm thần do bệnh cúm Haemophilus nhóm b (Hib), dị tật bẩm sinh do rubella, ung thư gan do nhiễm vi rút viêm gan B hoặc chết do sởi.

  • Thắc mắc 9: Các loại vắc xin có chứa thủy ngân gây nguy hiểm. SAI

Thực tế: Thiomersal là một hợp chất hữu cơ có chứa thủy ngân, được cho vào một số vắc xin như chất bảo quản. Đây là chất bảo quản vắc xin được sử dụng rộng rãi nhất, đặc biệt đối với vắc xin đa liều chứa trong lọ. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy lượng thiomersal được sử dụng trong vắc xin làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe.

  • Thắc mắc 10: Vắc-xin gây bệnh tự kỷ. SAI

Thực tế: Một nghiên cứu năm 1998 đã đưa ra khả năng về sự liên quan giữa vắc-xin sởi, quai bị, rubella (MMR) và chứng tự kỷ. Tuy nhiên, sau đó, bài báo nghiên cứu này đã bị thu hồi vì thông tin không chính xác. Nhưng trước đó, nó đã gây hoang mang trong cộng đồng, dẫn đến giảm tỉ lệ tiêm chủng và hậu quả là bùng phát các bệnh sởi, quai bị, rubella. Chưa có bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa vắc-xin sởi, quai bị, rubella và bệnh tự kỷ hoặc là các rối loạn tự kỷ.

> Uống nước vào buổi sáng có thực sự mang lại nhiều lợi ích

> 9 thói quen tốt cho sức khỏe mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến

Tags:

Bài viết liên quan