Mang thai
Hầu hết phụ nữ đều không gặp bác sĩ sản khoa trong lúc mang thai. Gần như mọi thứ đều do bà đỡ thực hiện. Ở Mĩ, bạn thường gặp bác sĩ ngay khi bạn nghĩ mình có thể đang mang thai. Khi tôi gọi bà đỡ ở đây, bà ấy bảo tôi đừng làm gì hết đến khi ít nhất 15 tuần thai. Tôi chỉ siêu âm một lần. Khi còn sống ở Hàn Quốc, cứ hai tuần một lần họ lại thực hiện siêu âm ba chiều! Ở đây, bà đỡ lắng nghe em bé bên trong bằng cách dùng một cái ống gỗ hình chiếc sừng ấn vào bụng tôi. Tôi thấy kiểu này thật quái lạ.
Sinh nở
Tôi đăng kí sinh nở ở khoa “không dùng thuốc” của bệnh viện. (Vì khi bạn đăng kí ở khoa thường, thì nhiều khả năng bạn sẽ bị từ chối nếu bệnh viện hết chỗ và sẽ được gửi sang bệnh viện khác mà bạn không mấy quen thuộc). Khi họ bảo không dùng thuốc, tức là không dùng thuốc. Không ngoại lệ. Cho dù bạn có nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B thì người ta cũng không cho bạn thuốc kháng sinh. Những phụ nữ từng có con ở Mĩ đều biết về liên cầu khuẩn nhóm B; phụ nữ mang thai nào cũng đều được xét nghiệm vụ này, nếu bạn bạn bị dương tính, bạn sẽ có được thuốc kháng sinh khi lâm bồn để không nhiễm sang em bé và làm em bé bị bệnh. Ở đây thì chuyện đó thậm chí còn không được đề cập. Khi tôi ở bệnh viện hỏi về chuyện này, y tá chỉ bảo, “Chúng ta không lo về điều đó.” Ban đầu tôi cảm thấy hốt hoảng, rồi tôi biết rằng ở những khu y tế cộng đồng, họ tính luôn cả những nguy cơ có thể phát sinh, và như chồng tôi có nói, chuyện đó thường có tác dụng.
Mức thân thiện
Người ở đây không quá mức thân thiện như ở Mĩ. Khi tôi mang thai ở Mĩ, ai cũng cười với tôi, giữ cửa cho tôi vào, và sẵn lòng giúp đỡ, cho dù họ là người lạ đi nữa. Các bà mẹ ở Mĩ thường trò chuyện với nhau khi ở ngoài sân chơi cùng con. Còn ở Norway, người ta không làm mấy chuyện vậy – bạn giữ mọi thứ cho bản thân khi ra ngoài chốn công cộng. Khi sống ở đây lần đầu tiên, hồi tám năm trước, tôi có làm một cái bánh kem cho những người hàng xóm của mình khi họ sinh em bé. Khi tôi mang bánh kem sang, họ hoàn toàn bị sốc. Tôi nghĩ người ở đây có khuynh hướng khắc kỉ. Có thể tự mình chịu đựng là điều quan trọng đối với họ. Tôi nghĩ họ thấy thật ngượng ngùng khi cần ai đó giúp đỡ, thế là chẳng ai muốn đề nghị giúp bạn để tránh làm bạn ngượng ngùng.
Mặt khác, tôi thấy chuyện giữ mình trầm lặng thế này cũng ổn thôi. Tôi thích đi cắt tóc ở đây bởi vì tôi thấy sẽ không ai nói gì về kiểu tóc này kiểu tóc nọ hết.
Trường học
Cả hai đứa con của tôi đều tham gia Barnehage (tiếng Norway, nghĩa là “vườn dành cho trẻ em”), vốn là một dạng nhà trẻ ở Norway. Hầu hết bọn trẻ ở đây bắt đầu học ở Barnehage khi mới một tuổi – mọi chi phí do chính phủ lo để khuyến khích người dân trở lại làm việc. Bạn trả chi phí $300 một tháng và bọn trẻ nhà bạn có thể ở đó từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Bọn trẻ ở ngoài trời thường xuyên, gần như chỉ chơi đùa và khám phá thiên nhiên. Ở một số Barnehage, bọn trẻ chỉ vào trong nhà chỉ khi ngoài trời lạnh dưới 14 độ. Chúng thậm chí ăn uống ở bên ngoài luôn – với găng tay giữ ấm! Khi tôi lo lắng liệu con trai mình có bị lạnh hay không, thì bố chồng bảo, “cứ để cho thằng bé lạnh tê mấy đầu ngón tay chút, chuyện đó ổn thôi.” Chuyện đó đúng là theo kiểu Norway – một chút khắc nghiệt sẽ là điều tốt cho bạn.
Tính cách cứng cỏi
Trong khi người Mĩ đánh giá cao sự thoải mái, thì ở Norway những chuyện nào bị thách thức mới là những cái người ta thấy quyến rũ và đánh giá cao. Chẳng hạn, khi bố chồng tôi đi nghỉ mát, ông ấy thường đi thật xa tới một căn nhà gỗ nhỏ, nơi đó chẳng có Internet và ông ấy cứ ở đó nghe đài phát thanh và nhìn ngắm chim chóc. Đó là kiểu nghỉ mát thường gặp ở đây. Ở chừng mực nào đó, chuyện này xuất phát từ phương thức tự sinh tồn của họ. Norway là một đất nước gồ ghề và phần lớn không có người ở. Thời tiết ở đây có thể rất tàn bạo. Tôi nghĩ người Norway phải rèn luyện mình để quen với những thách thức trong cuộc sống như vậy, do thế đó là những điều họ tôn vinh ở đây.
Văn hóa sân chơi
Bởi vì ai cũng đi làm hết, nên thật sự không có văn hoá sân chơi ở đây. Khi chúng tôi chuyển tới đây, bọn trẻ nhà tôi chưa tới Barnehage, thế là mấy mẹ con chơi với nhau suốt ngày trong suốt nửa năm trời. Chẳng có việc gì làm cả. Có rất ít những sinh hoạt dành cho trẻ em, viện bảo tàng cho trẻ em, những nhóm chơi đùa hoặc những lớp học giống ở Mĩ bởi vì ai cũng đi làm! Tất cả bọn trẻ đều ở Barnehage còn bố mẹ chúng thì đi làm hết.
Chuyện đi làm và các bà mẹ
Phụ nữ ở đây được mười tháng nghỉ đẻ kèm theo 100% lương hoặc mười hai tháng kèm theo 80% lương. (Thực sự thì mẹ hoặc bố đều có thể xin phép nghỉ khi có con – không nhất định phải là người mẹ). Và sau đó gần như ai cũng trở lại làm việc. Oslo là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới – cùng với Tokyo và Moskva – do đó phụ nữ sẽ không đủ khả năng trang trải sinh hoạt phí nếu ở nhà. Mà việc ở nhà không đi làm cũng chẳng phải một phần văn hoá ở đây. Nếu bạn không đi làm, tức là bạn không đóng góp gì cho xã hội.
Chuyện hôn nhân
Ở Norway người ta làm việc ít giờ hơn nhiều so với ở Mĩ. Chẳng hạn, chồng tôi làm việc cho chính phủ 37,5 giờ mỗi tuần (từ 8 giờ sáng đến 3:45 chiều, 5 ngày mỗi tuần). Điều đó bình thường. Bởi vì cả hai bố mẹ đều đi làm, nên mối quan hệ vợ chồng ở đây bình đẳng hơn nhiều. Các gia đình có xu hướng ăn tối cùng nhau khoảng 5 giờ chiều. Việc nhà gần như được chia ra, và tôi chưa từng biết có ông chồng nào ở đây mà không phụ giúp chuyện nấu nướng hoặc không chăm con. Tôi thấy số ông bố đi đón con ở Barnehage cũng nhiều bằng số bà mẹ.
Các nhóm hội
Ở Norway, có một khái niệm gọi là janteloven. Về cơ bản thì nó nghĩa rằng bạn là một phần của nhóm, và không ai cho là bạn tốt hơn bất kì người nào khác trong nhóm. Văn hoá Mĩ thực sự chuộng và phát huy ý tưởng về “cá nhân” theo cái cách mà ở đây bạn gần như không hề nghe nói đến. Ở Norway, nhu cầu của cá nhân phụ thuộc vào lợi ích của tập thể. Thật là ngượng nếu bạn nổi bật hơn hoặc kêu gọi sự chú ý đến bản thân mình. Người ta ở đây không khoe khoang cũng chẳng khoa trương những chuyện mình làm được. Khi tôi lần đầu gặp chồng mình, chúng tôi có ba buổi hẹn, và khi đó tôi nghĩ, “Anh ta có vẻ chẳng có tham vọng gì cả, liệu đó có phải vấn đề không nhỉ?” Nhưng giờ tôi thấy là anh ấy đâu có thiếu tham vọng; chỉ là anh ấy không muốn tự hại mình để đạt được mục đích nào đó. Đó là janteloven.
Thức ăn
Ở đây không có văn hoá ẩm thực – không giống như những nước Âu châu khác như Ý hay Pháp. Thức ăn ở đây mang tính tiện dụng cho nhiều người và có rất ít lựa chọn. Vào bữa trưa, bọn trẻ thường ăn bánh mì với phô-mai sữa dê có caramel hoặc phô-mai kiểu Thuỵ Sĩ. Chồng tôi cũng ăn nó, gần như hàng ng2y.
Hầu hết người Norway dường như cũng thích ăn xúc xích Đức nếu có dịp. Họ phục vụ món này ở mỗi trạm xăng, và ở mỗi bữa tiệc sinh nhật của bọn trẻ; họ nướng chúng ngoài trời vào mùa hè, và luộc chúng trong nhà vào mùa đông. Ở đây dường như lúc nào cũng có thể ăn xúc xích Đức được. Thậm chí ở sân bây lúc 6 giờ sáng, người ta cũng ăn nó.