Có một nghịch lý rằng khi chúng ta dành phần lớn thời gian để kiếm tiền nhằm mang lại cuộc sống vật chất đủ đầy cho các con thì đó cũng là lúc trẻ mất đi rất nhiều điều, bao gồm cả tình yêu thương. Đến khi nhận ra, dù sẵn lòng đánh đổi tất cả những gì đã làm ra chỉ để mong có lại những khoảnh khắc bên tuổi thơ hồn nhiên của con thì dường như đã quá muộn.
Càng gần những ngày cuối năm, guồng quay công việc càng trở nên tất bật hơn, quỹ thời gian ít ỏi dành cho con lại càng bị thu hẹp. Ai cũng có thể biện minh cho sự bận rộn của mình là vì gia đình, con cái nhưng không phải ai cũng can đảm dành thời gian để suy xét xem kết quả đạt được sau tất cả những nỗ lực ấy là gì. Khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng lớn dần mà không hề lường trước những hệ quả đáng tiếc.
Khi trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình – Ảnh minh họa
Khi yêu thương được đổi bằng vật chất
Hàng ngày, đầu tắt mặt tối với công việc, chị Hoàng Anh (Gò Vấp) hầu như không có thời gian để trò chuyện cùng con. Chị chia sẻ “Khi trở về nhà sau giờ làm việc cũng là lúc các con lên giường ngủ. Chưa kịp thủ thỉ cùng con, sáng ra con đã cắp cặp đến trường. Nhận thấy mình có quá ít thời gian cho con, tôi đã nghĩ mình phải bù đắp nhiều hơn cho các bé. Tôi tìm mua rất nhiều món đồ chơi đắt tiền để tặng cho con. Nhưng hình như điều đó vẫn không thể khỏa lấp đủ”.
Không riêng gì chị Hoàng Anh, những ông bố, bà mẹ khác cũng nhận ra mình đã dành thời gian cho con quá ít. Thế nhưng cũng như bao nhiêu người, họ cũng có nhu cầu được xả hơi. Vậy nên, thay vì ngồi nói chuyện, chơi đùa cùng con, họ chỉ muốn được giải trí. Chị Yến Nhi (Quận Phú Nhuận) tâm sự “Biết rằng về nhà nên ở cùng con nhưng bản thân mình cũng quá mệt. Thành ra bên con đấy nhưng mình chỉ thường nằm dài trên ghế sofa, lướt web, chơi game hoặc tán gẫu qua mạng”.
Để những đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi yên một chỗ, nhiều bố mẹ còn sắm cả iphone, ipad để con cũng có phương tiện giải trí riêng. Những tưởng “tuyệt chiêu” này sẽ lợi cả đôi đường mà không biết rằng đó là con đường nhanh nhất để nới dần khoảng cách giữa bố mẹ và con cái.
Để rồi, dần dà bố mẹ không thể nhớ nỗi các bạn của con gồm những ai, tên gì? Con thích làm gì nhất vào mỗi dịp cuối tuần? Mà thay vào đó trẻ chỉ còn biết quấn lấy bà vú như quấn mẹ. Mọi tâm sự nhỏ to cũng chỉ mỗi vú biết và chia sẻ cùng. Nếu không may mắn có được sự hậu thuẫn từ ông bà nội ngoại thì các phụ huynh lại tìm đến dịch vụ trông trẻ. Các hóa đơn cứ thế tăng dần cùng những chi phí sinh hoạt đắt đỏ và cuốn các bậc cha mẹ theo vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền. Khi không thể gỡ được nút thắt của chính mình, cũng là lúc họ nhận ra con cái đã là người thân của ai đó, không phải họ hoặc thậm chí có những trẻ còn rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực – trầm cảm.
Biến sự quan tâm thành hành động
Không phải các bậc phụ huynh ngày nay ít quan tâm đến các con của họ mà trái lại, họ đã dành nhiều sự đầu tư hơn cho con cái trong chuyện học hành, dinh dưỡng… Bằng chứng là ngày càng nhiều bố mẹ chăm chút hơn đến khẩu phần ăn của con. Trên đĩa thức ăn của trẻ bao giờ cũng phải đủ các chất tinh bột, đạm, béo, Vitamin và khoáng chất. Trong thời khóa biểu của trẻ ngoài những giờ học trên lớp, còn có cả những giờ học đàn, ca, múa, hát… Hơn ai hết, người quan tâm nhất đến những đứa trẻ không ai khác chính là các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy phần nhiều đều không dành cho trẻ. Nói chính xác hơn nó dành cho chính những kỳ vọng của bố mẹ về một tương lai tươi sáng vượt quá khả năng của trẻ. Áp lực phải thành công, giỏi giang, xếp thứ hạng cao đã vô tình đánh mất đi tuổi thơ và nụ cười hồn nhiên của các con.
Để con không cô đơn trong chính ngôi nhà của mình và gia đình có thường xuyên có những buổi sinh hoạt chung dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia.
Gia đình nhỏ, hạnh phúc to – Ảnh minh họa
• Dành thời gian để chơi với con nhiều hơn
Những bữa ăn dinh dưỡng, những giờ học bổ ích… là điều rất cần thiết cho cuộc sống của bé. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ vì chúng không thể tạo ra sự kết nối mạnh mẽ nhất với bố mẹ, những người sẽ đem đến tình yêu thương tràn ngập trong tâm hồn trẻ. Do vậy, vào mỗi dịp cuối tuần, bố mẹ nên gạt tất cả sang một bên và cùng bé hòa vào những trò chơi vận động thể chất. Bố có thể chơi đùa cùng con trai còn mẹ thì vui vầy bên con gái. Nên chọn những môn thể thao mang tính tập thể để cả gia đình cùng được tham gia, học cách chia sẻ và đoàn kết. Đó là cách để con cái cảm nhận được sự gần gũi của bố mẹ và cũng là dịp để trẻ dễ dàng bộc bạch những tâm sự thầm kín của mình.
• Nói lời yêu thương để xóa bỏ khoảng cách
Đừng suốt ngày dán mắt vào những thiết bị công nghệ, bởi một ngày nào đó khi các con đã khôn lớn “đủ cánh bay xa” bạn sẽ chỉ còn lại một mình cô độc, mà không để lại những kỷ niệm yêu thương để con nhớ về bạn. Thay vào đó, hãy dành thời gian để thủ thỉ cùng con những lời yêu thương từ tận đáy lòng. Đừng ngại khi phải nói “Bố mẹ yêu con nhiều lắm” vì đó là “vũ khí”lợi hại nhất mà bạn đang sở hữu.
• Ôm hôn mỗi ngày như một món ăn bổ dưỡng
Thay vì cất công lùng mua những món ăn bổ dưỡng nhất cho con hãy thường xuyên ôm con nhiều hơn. Mỗi sáng trước khi con đi học hay mỗi tối trước lúc con đi ngủ, bạn hãy đặt lên má trẻ một nụ hôn hoặc trao một cái ôm thật trìu mến. Chỉ cần vậy thôi cũng khiến con bạn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc lắm rồi.
• Mỗi tối hãy đọc cho con một câu chuyện
Giọng đọc truyền cảm của bạn sẽ là liều thuốc ngủ tuyệt vời nhất cho trẻ. Nên hãy cố gắng tranh thủ khoảng 10-15 phút mỗi tối để đọc cho trẻ nghe một câu chuyện nào đó. Điều này không chỉ giúp trẻ bổ sung vốn từ, sự hiểu biết của mình mà còn giúp bạn hiểu thêm về thế giới của bé.
• Đừng vì quá bận mà quên chơi cùng con
Cuộc sống hiện đại không cho phép bạn ngồi nhà và chỉ quẩn quanh với chuyện bếp núc như trước kia. Nhưng ít ra bạn cũng có thời gian để chat chít, tán gẫu cùng bạn bè sau những giờ làm. Vậy hãy ưu tiên thời gian rảnh rỗi đó cho con bạn. Đừng để trẻ phải lủi thủi chơi một mình hoặc phó mặc hết cho người trông trẻ hoặc các “bảo mẫu công nghệ” như: máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại,… Bởi suy cho cùng, dù bất kỳ thú vui nào cũng không thể sánh được những khoảng khắc vui đùa của tất cả các thành viên trong gia đình. Hãy gợi ý một số trò chơi để cả nhà cùng được tham gia như giải câu đố, đánh cờ, mẹ và con gái có thể cùng vào bếp nấu nướng những món ngon để cả nhà cùng thưởng thức.
• Cười với con nhiều hơn thay vì quát mắng
Áp lực công việc có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và dễ nảy sinh cáu gắt. Nhưng con bạn không có lỗi gì để phải lắng nghe những lời nói khó nghe đó. Nên khi trở về nhà hãy gạt bỏ mọi ưu tư, lo lắng trong công việc, chơi đùa và vui cười với con nhiều hơn. Hãy để gia đình là nơi ngập tràn tiếng cười, nơi con muốn trở về mỗi ngày.