Mẹ và Con - Sự lạc quan là thái độ sống, cách nhìn và cư xử theo hướng tích cực khi đối diện với mọi sự việc. Người lạc quan không chỉ dễ dàng vượt qua thử thách mà còn có thể lan tỏa năng lượng đến người khác để cuộc sống trở nên ấm áp, tươi vui và đẹp đẽ hơn…

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng, giữa rất nhiều kỹ năng sống vì sao chúng ta phải dạy con về tinh thần lạc quan. Hãy khám phá cùng Tạp chí Mẹ và Con để dạy trẻ thành người lạc quan nhé!

Vì sao nên dạy trẻ sống lạc quan?

Lý giải về mặt khoa học, sự lạc quan mang đến cho con người cơ hội sống thọ hơn người khác từ 11-15%. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, người cao tuổi sống lạc quan, hạnh phúc, vui vẻ có nguy cơ tử vong thấp hơn đến 35% và có khả năng đạt tuổi thọ vượt trội, lên đến trên 85 tuổi.

Xét về mặt xã hội, người lạc quan sẽ có cách hành xử nhẹ nhàng, hòa ái nên có nhiều cơ hội thành công hơn người khác. Đặc biệt, họ cũng được nhiều người quý trọng, yêu thương và xây dựng được một cộng đồng những người tích cực xung quanh mình để có thể lan tỏa sự lạc quan đến cho nhiều người hơn nữa. Nếu có thể xây dựng một nền tảng tốt đẹp để con đạt được những thành công này trong tương lai thì còn gì tuyệt vời hơn nữa, bạn nhỉ?

6 cách giúp con trở thành người lạc quan

Đặt mục tiêu vừa tầm với trẻ

Chúng ta thường cảm thấy chán nản, mất niềm tin không hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Tuy nhiên, chính chúng ta không biết rằng, sự thành công cần phải hội tụ nhiều yếu tố. Nếu không thành công không có nghĩa là chúng ta kém mà còn phải cân nhắc trên cơ sở nhiều yếu tố khác. Soi chiếu từ đây, bạn sẽ nhận ra rằng, để dạy con cách trở thành người lạc quan, điều đầu tiên là hãy đặt mục tiêu đúng với khả năng của trẻ.

Khi trẻ chứng minh được giá trị bản thân từ những kết quả đã đạt được, con sẽ cảm thấy hào hứng, tự tin và sẵn sàng đón nhận những thử thách lớn hơn để rèn luyện bản thân. Chìa khóa của sự lạc quan của trẻ bắt đầu từ cách giáo dục tinh tế và khoa học như thế đấy, ba mẹ ạ.

người lạc quan

Đừng lúc nào cũng phàn nàn

Con người chúng ta ai cũng có lúc thất vọng vì những điều không như mong muốn trong cuộc sống. Trẻ nhỏ cũng vậy. Trẻ cảm thấy không vui vì không đạt được điểm cao, không được mua đồ chơi, không được ra ngoài vì dịch bệnh, không có bạn chơi cùng… Những lúc này trẻ sẽ thường cau có, phàn nàn, kể lể với người này người nọ và sự khó chịu không hề giảm đi mà ngược lại còn làm trẻ mệt mỏi hơn.

Ba mẹ hãy hướng trẻ nghĩ đến những thành quả mà con đã đạt được, nhỏ cũng không sao, nhưng chúng ta sẽ cố gắng cải thiện trong tương lai. Điều này giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, nhìn nhận sự việc tích cực hơn, dần dần học được cách nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực và trở thành người lạc quan.

Dạy trẻ chấp nhận “chúng ta không hoàn hảo”  

Ông bà thường dạy “nhân vô thập toàn” là để nhắc nhở mỗi chúng ta không ai là hoàn hảo cả. Chúng ta có rất nhiều sai sót và từng bước học cách hoàn thiện bản thân. Đó chính là đích đến của một người.

Ngày nay, các bậc phụ huynh thường làm mọi cách để bảo vệ con, che chở trẻ trước mọi thử thách trong cuộc đời. Điều đó không sai, nhưng lại không có lợi cho sự phát triển của trẻ trong tương lai. Thậm chí không nói là có hại cho trẻ trong việc đánh giá khả năng của mình và tăng “sức đề kháng” trước thất bại. Trẻ càng ít thử thách, thiếu trải nghiệm sẽ càng không có khả năng tự giải quyết vấn đề và từ đó dễ phạm sai lầm hơn. Khi thất bại, trẻ sẽ trở nên bi quan, tự ti. Vì thế, ngay từ hôm nay, bố mẹ nên nới lỏng sự bảo bọc để trẻ có cơ hội khám phá bản thân ở một góc độ không hoàn hảo, từ đó nhìn nhận cuộc sống trọn vẹn hơn.

Đừng làm thay trẻ mọi việc 

Khi con còn bé, chúng ta giúp trẻ làm rất nhiều việc. Thậm chí, khi con bị bạn bè bắt nạt, ba mẹ cũng sẵn lòng lên tiếng để bảo vệ con. Tuy nhiên, khi trẻ đủ lớn và có thể tự bảo vệ bản thân mình vẫn có rất nhiều bậc làm cha mẹ chưa từ bỏ việc làm thay con mọi việc.

Can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con không phải là một quyết định khôn ngoan và chính nó khiến cho trẻ không thể trở thành người lạc quan. Bởi lẽ trẻ sẽ không thể tự đứng vững khi không có bạn. Sự lười nhác và phụ thuộc khiến trẻ trở nên yếu ớt, ít thành tựu, khó hài lòng với chính mình. Do đó, chìa khóa giúp con trở thành người lạc quan là đừng giải quyết những việc trong khả năng của con và kiềm chế bản năng bảo vệ của ba mẹ.

Dạy con đánh giá sự việc theo hướng khách quan

Cách hành xử của mỗi người phụ thuộc vào cách đánh giá vấn đề của họ. Nếu nhìn nhận theo hướng khách quan, người đó sẽ cư xử một cách khéo léo, khôn ngoan, tinh tế. Ngược lại, họ sẽ có xu hướng sống thiếu trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho người khác hoặc cảm thấy tự ti do hạ thấp bản thân.

Mọi việc luôn cần có sự khởi đầu và điều này thường không dễ dàng. Vì thế, ba mẹ hãy cho con biết rằng, con không phải là người duy nhất phải đối diện với thử thách này. Trẻ có thể giỏi kỹ năng này nhưng chưa giỏi ở kỹ năng khác và từ đó khuyến khích con học tập, rèn luyện nhiều hơn. Ngoài ra, ba mẹ nên dạy con cách vượt qua thử thách để xây dựng sự tự tin cho chính mình khi đối diện với thử thách.

người lạc quan

Tôn trọng thực tế

Có phải bạn thường nói dối để trấn an trẻ nhằm để che giấu một sự thật nào đó? Điều đó có thể nhất thời khiến cho sự việc lắng xuống, khiến trẻ cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, về lâu dài nó có thể gây nên những hậu quả khủng khiếp.

Trẻ không được biết về sự thật có thể trở nên ảo tưởng về khả năng của mình và dễ vấp phải khó khăn khi không có bạn bên cạnh để hỗ trợ. Điều đó không hề dễ chịu và có thể khiến trẻ bị sụp đổ khi phát hiện ra sự thật. Do đó, ngay từ bây giờ hãy dạy con cách xây dựng tinh thần lạc quan bằng cách nhìn thẳng vào thực tế, bạn nhé.

Yêu thương trẻ là một cảm xúc tự nhiên, nhưng để dạy dỗ một đứa trẻ thì cần phải có kiến thức nữa, ba mẹ ạ. Hy vọng với bài viết này Tạp chí Mẹ và Con đã hướng dẫn bạn cách dạy con trở thành người lạc quan để trẻ trở nên vững vàng và gặt hái nhiều thành công trong tương lai.

Bài viết liên quan