Mẹ&Con – Mệt lả người sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, chưa kịp vui với niềm vui con chào đời, chị Loan đã rơi vào một cuộc “khủng hoảng” mới.

Anh chồng – khá nhiều “chất” tự ái và quen được “vuốt ve chiều chuộng” – nay trước việc vợ có con hầu như chưa kịp chuẩn bị tinh thần cho những “trận” thức đêm thức hôm, bị “sai vặt” như ôsin. 

Thêm vào đó, gia đình nhà vợ cứ không thôi trách móc, cằn nhằn trước mặt Loan: “Không ai như chồng mày, vợ mới đẻ mà cứ rảnh là bỏ đi uống cà phê!”. Chừng đó khiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trở nên căng như sợi dây đàn… sắp đứt.   

Có con, chồng thành số hai

Nghe có vẻ buồn cười, song đây lại chính là một trong số những nguyên nhân dễ dẫn đến sự lục đục của những đôi vợ chồng mới có con lần đầu nhất. Vợ chồng chị Thu – anh Vũ (Quận 4) là một ví dụ. Suốt hơn 2 năm sau ngày cưới, số lần giận hờn “chút chút” của cả hai được đếm trên đầu ngón tay. Còn cãi vả thì tuyệt nhiên không. Vợ chồng trẻ, có công việc ổn định, thu nhập khá cao, lại được gia đình hai bên hết lòng vun vén vào nên anh chị lúc nào cũng có sự thảnh thơi khiến bạn bè lắm phen ganh tỵ. 

Đi làm về, khỏe thì vợ chồng nấu cơm ăn, mệt thì cứ thế ra tiệm/nhà hàng. Công việc nhà đã có người giúp việc tuần 3 buổi đến làm. Những ngày tháng đầu tiên sau đám cưới trôi qua bình yên, phẳng lặng, với rất nhiều thời gian dành cho chính bản thân mình cũng như cho “hai ta” với nhau. Thế nhưng, đùng một cái chị Thu có thai, rồi sinh con. Ban đầu, anh Vũ cũng khá háo hức khi nghĩ đến từ: Làm Bố! Nhưng ấy là “ban đầu” thôi. Rất nhanh sau ngày vợ sinh, anh nhận ra những thay đổi đến chóng mặt trong nhịp sống gia đình. 

Nếu như trước đây, đi làm về, anh chỉ việc… chở chị ra tiệm, ăn uống “hoành tráng”, sau đó về nhà có thể thư thả tắm rửa, ngồi trước tivi tận hưởng những trận đấm bốc, đá banh mà anh thích thì bây giờ, tất cả những “thú vui giải trí” đó được thay bằng… hàng lô hàng lốc việc “không tên” như giặt tã, pha sữa, dỗ con, con đau bệnh phải đưa đi bác sĩ… Những giấc ngủ trở nên chập chờn, thời gian nghỉ ngơi, giải trí giảm đi đáng kể. Chưa hết! Điều quan trọng nhất là tự dưng, anh có cảm giác mình bị… ra rìa. Lúc nào vợ cũng chăm chắm lo cho con. Con xong hết mới quay sang lo cho… bố. 

Sự bực dọc trong anh cứ tăng dần, nhất là khi vợ không còn âu yếm trìu mến như trước đây mà lúc nào cũng sẵn sàng “rầy la” anh nếu anh nhầm lẫn điều gì đó trong lúc chăm sóc con. Những câu tương tự như: “Trời ơi, nói anh trông con một chút mà anh ngủ gật thế này…”, “Pha sữa như vầy thì chết em rồi!” khiến anh phát cáu. Một lần, hai lần anh còn nhịn. Đến những lần sau, như nước tràn ly, anh quát lên với vợ: “Cô làm giỏi thì cô làm hết đi. Tôi đâu có khỏe. Đi làm về mệt bở hơi tai không nghỉ được một chút, biết thế này ban đầu đừng có con!” 

Luc duc sau sinh

(Ảnh minh họa)

Có con, hàng loạt “người lạ” xen vào cuộc sống riêng tư

Bên cạnh chuyện quá mệt mỏi với việc chăm sóc con, cảm thấy cuộc sống của mình bị xáo trộn, cảm thấy mình không còn là “số một” trong mắt người bạn đời, những đôi vợ chồng sau khi sinh còn thường lục đục vì một nguyên nhân tế nhị khác. 

Từ trước ngày cưới, vợ chồng anh Tánh – chị Ngân (Quận 8) đã quả quyết với cả hai bên gia đình: “Chúng con xin phép ra riêng từ đầu…”. Điều kiện kinh tế cho phép nên anh chị dù chưa mua nổi nhà song cũng đã có thể thuê cho mình hẳn một căn nhà nhỏ trong hẻm, đủ sức tạo dựng nên một cuộc sống độc lập, riêng tư. Thế nhưng, đến ngày chị Ngân mang thai và sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng không thể “riêng” như vậy nữa. Mẹ ruột và hai người chị của chị Ngân đến nhà thường xuyên, thay nhau chăm sóc hai mẹ con. Điều này xem ra cực kỳ thuận lợi. Nhưng khó khăn lại nảy sinh vì… chính những lời nhận xét liên tục của gia đình bên vợ về anh Tánh. 

Thấy con rể đi nhậu với mấy người bạn thân từ quê mới lên, bà mẹ vợ nhấm nhẳng: “Vợ mới sinh mà đố thấy được bóng dáng chồng đâu… Thiệt vô phúc!”. Anh đi làm về tới nhà thấy cơm canh vẫn chưa có, lên tiếng cằn nhằn. Chị vợ ngồi đó lập tức bóng gió xa xôi với em gái: “Thôi, mày bỏ con nhịn đói ở đó đi. Khỏi cho bú nữa. Xuống làm cơm hầu chồng kẻo có người than đói! Chưa thấy ai vô trách nhiệm như thế, vợ con còn trong tháng, không cơm nước chăm sóc thì thôi… Phải tao, tao cho một trận!” 

Thế là từ vài câu “cằn nhằn” vốn quen thuộc của vợ chồng với nhau, giờ đây, khi có hàng loạt sự tác động từ bên ngoài, chuyện bé bỗng dưng bị xé ra to. Chồng cương phần chồng, nhà vợ cương phần nhà vợ. Ai cũng muốn phần thắng, phần phải về phía mình. Những mâu thuẫn cứ lớn dần, đến mức có bữa, anh Tánh… bỏ mặc hết mọi thứ, đón xe về quê luôn. Ở nhà, chị Ngân dọn qua nhà mẹ ruột. Đứa trẻ còn trong tháng mà đã trong cơn khủng hoảng cha một nơi, mẹ một nơi. 

Làm gì để tránh xung độ khi nhà có thêm một “thiên thần”?

Nhiều đôi vợ chồng khi nghĩ đến chuyện có con chỉ mới nghĩ được tới phần “thơ mộng” nhất của vấn đề: Tưởng tượng mình có đứa bé xinh xắn, bụ bẫm, khỏe mạnh để ẵm bồng, nựng nịu. Song, họ lại chưa chuẩn bị tinh thần để đối mặt với tất cả những xáo trộn có thể xảy ra khi nhà có thêm thành viên mới. 

Chị Thanh Bình (nhân viên công ty quảng cáo M., Quận 1) rùng mình khi nhớ lại những tháng ngày khủng hoảng sau khi sinh. Chị sinh mổ, vết khâu nhiễm trùng lâu lành. Đã vậy, em bé lại hay quấy khóc. Hầu như cả mấy tháng đầu, ước ao lớn nhất của chị là được ngủ một giấc tròn 5 tiếng đồng hồ. Vậy mà không được! 

“Chồng mình cũng mệt. Công việc của anh vất vả, tối về lại cứ nghe mình cằn nhằn, con léo nhéo khóc, nhiều bữa anh phát điên. Mình thì quá stress nên đâu có biết đường mà nhịn, hễ chồng nói một câu là đáp lại hai câu ngay. Rồi mẹ chồng thêm vào, chỉ trích mình này kia… Hai vợ chồng giai đoạn đó đã mấy lần viết đơn đòi ly dị!”, chị cười, nhớ lại… 

Bà Nguyễn Thị Thương, giám đốc Trung tâm tư vấn Gia Đình và Ly Hôn cho biết, chuyện vợ chồng xa cách, thậm chí rạn vỡ tình cảm sau khi có con, nhất là con đầu lòng không hề ít. Do chưa có kinh nghiệm, chưa lường hết những khó khăn, lại “đòi hỏi” ở người bạn đời quá nhiều, cả hai vợ chồng đều dễ rơi vào cảm giác thất vọng và chán nản. 

Vợ thì đòi hỏi chồng phải quan tâm đến mình, đến con. Phải bỏ hết mọi thú vui, phải ở nhà phụ vợ việc chăm con. Chồng thì đòi hỏi vợ phải… chăm con cho đúng(!) chứ sao lại để con bệnh hoài, khóc hoài. Rồi thấy việc nhà không được tươm tất như xưa, áo quần không ủi sẵn cũng trở nên cáu gắt. Thêm vào đó, điều đáng lo ngại nhất là trong quá trình sinh con, hầu như đôi vợ chồng trẻ nào cũng cậy nhờ gia đình vợ hoặc gia đình chồng giúp thêm vào. Lúc này, sự can thiệp, nhận xét, đánh giá của những người thân có khi vô tình thêm dầu vào lửa, khiến xung đột càng dễ bùng lên. 

Theo các chuyên viên tư vấn, mỗi cặp vợ chồng nên “tận hưởng” cuộc sống riêng tư sau hôn nhân khoảng 1 năm chứ không nên có con ngay. Trong thời gian này, nên có sự chuẩn bị chu đáo về tâm lý, tài chính, tìm người giúp việc, sắp xếp lại công việc… để không bị sốc khi mang thai và khi bé chào đời. Người chồng nên có ý thức gánh trách nhiệm vun đắp gia đình và học dần cách chăm con, chứ không chỉ dồn cho vợ, nghĩ đây là “trách nhiệm” của vợ. 

“Đặc biệt, theo tôi điều quan trọng nhất là vợ chồng phải thông cảm với nhau. Khi có sóng gió càng phải động viên nhau vượt qua… Phải luôn tự nhủ rằng đây chỉ là thử thách ban đầu thôi. Rồi niềm hạnh phúc lớn lao sẽ đến với mình nếu như mình biết hi sinh cho con, biết cố gắng để gia đình đầm ấm!”, Hằng – một người mẹ trẻ mỉm cười, cho biết.

Tags:

Bài viết liên quan