Mẹ&Con - Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi, có nguy cơ bị sặc sữa rất cao. Đây là tai nạn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây tử vong nhanh chóng. Các bước sơ cứu nhanh khi bé bị sặc sữa, cháo mẹ nào cũng phải biết Cẩn thận! Bạn có thể làm bé sặc sữa

Sặc sữa là gì?

Đây là một cấp cứu tối cấp xuất phát từ hiện tượng sữa “đi lạc” vào đường thở ở vùng hầu họng nằm phía sau khoang miệng. Thông thường, nhờ hoạt động của thần kinh vùng hầu họng nên lưỡi gà ở vòm họng co lên, bịt kín đường thông lên mũi. Ở thanh quản, tiểu thiệt (hay còn gọi là nắp thanh quản) đóng kín lại che đường thông vào thanh quản và khí quản nên thức ăn không thể theo vào các đường này gây sặc cho trẻ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi đang nuốt trẻ lại có phản xạ thở nên gây ra hiện tượng sặc. Sữa tràn vào đường thở khiến trẻ không thở được, sặc sụa, tím tái. Nguy hiểm nhất là tình trạng ngừng thở, nếu không người thân trong gia đình không biết cách xử lý kịp thời và chậm trễ trong việc đưa bé đến các cơ sở y tế ngay sau khi sơ cứu thành công.

Nguyên nhân gây sặc
– Các phản xạ tự nhiên chưa hoàn thiện do hệ thần kinh của trẻ phát triển chưa đầy đủ. Trường hợp này phổ biến nhất là ở trẻ sinh non.
– Trẻ có những dị tật đường thở như dị tật hẹp mũi, hở hàm ếch, chẻ vòm hầu… rất dễ bị sặc sữa do mũi và miệng thông nhau
– Thao tác chăm sóc trẻ thực hiện không đúng cách như: đùa giỡn trong lúc bú, bịt mũi để ép trẻ uống sữa, đút sữa vào miệng khi trẻ đang khóc to…
– Để muốn rút ngắn thời gian cho bé bú và khiến bé uống nhiều sữa hơn, nhiều phụ huynh đã khoét lỗ thông núm ti bình sữa to ra hoặc chọn kích cỡ ti không đúng lứa tuổi làm sữa chảy nhiều trẻ khiến không kịp nuốt cũng là nguyên nhân gây sặc ở trẻ bú bình.
– Với trẻ bú mẹ, khi sữa xuống quá nhanh, mẹ không biết cách chặn lại làm trẻ không kịp nuốt cũng có thể gây sặc…
– Sau khi trẻ uống sữa, bố mẹ đặt con không đúng tư thế (như cho nằm ngửa) nên dễ gây trào ngược.

Xua tan nỗi ám ảnh cho mẹ về sặc sữa ở trẻ nhỏ 4

Sặc sữa ở trẻ, nỗi lo của người lớn – Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết bé bị sặc sữa
– Khi đang bú hoặc đã bú no, trẻ đột ngột bị ho sặc sụa, khóc thét lên
– Trong một số trường hợp, bố mẹ sẽ thấy sữa trào ra từ mũi và miệng trẻ.
– Trẻ khóc không thành tiếng, có biểu hiện thở dốc, thở gấp, hơi thở đứt quãng và có biểu hiện hoảng hốt, da chuyển sang xanh tái.
– Hai mắt trợn ngược
– Người trẻ mềm nhũn hoặc co cứng.

Những biến chứng nguy hiểm
Sặc sữa là tai nạn vô cùng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thời gian để bạn đấu tranh giành lại mạng sống của trẻ có thể chỉ tính được bằng giây. Nếu bạn và người thân trong gia đình không có kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống này một cách nhanh chóng và chính xác nhất, hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

– Khi bị sặc, sữa sẽ tràn vào khí quản, phế quản, thậm chí là vào sâu trong các phế nang làm cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch. Trong tình thế nguy cấp hơn, sữa sẽ làm tắc đường hô hấp. Đó chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ vì hiện tượng thiếu oxy.

– Nếu chẳng may bé bị sặc sữa, bạn cần phải nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian vàng 5-6 phút sau đó để sơ cứu cho con. Bởi lẽ, não có nhu cầu rất cao đối với oxy, cao gấp 5 lần so với tim. Ở trẻ nhỏ các tế bào não đặc biệt nhạy cảm với oxy. Vì thế nếu oxy không được cung cấp kịp thời não sẽ dễ bị tổn thương một phần hoặc toàn bộ. Ngoài những biến chứng gây ra tử vong đột ngột, việc thiếu oxy lên não còn để lại nhiều di chứng nặng nề lên hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến phát triển của trẻ như: bại não, chậm phát triển tâm thần – vận động…

– Việc trẻ bị trào ngược, sặc sữa thường xuyên khiến cho đường hô hấp dễ bị kích ứng, nhất là khi không được vệ sinh sạch sẽ, trẻ dễ đối mặt với các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi, viêm tai giữa…

Phòng tránh sặc sữa cho trẻ

Tư thế khi bú:
– Khi trẻ bú mẹ, mẹ cần chọn tư thế ngồi thật thoải mái. Bế bé nghiêng 30-45 độ, hướng mặt vào bầu vú, đầu và thân bé thẳng hàng, bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Mẹ dùng tay nâng bầu vú về phía miệng bé. Hướng môi dưới của bé nằm phía dưới núm vú, cằm chạm sát vào bầu vú và lưỡi bé nằm ngay dưới các xoang sữa. Tư thế này sẽ giúp bé tiếp cận vú tốt hơn, kích thích phản xạ mút của bé một cách hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng sặc sữa.

– Khi trẻ bú bình, bố mẹ nên nghiêng bình khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không nuốt quá nhiều không khí khí, dễ gây nôn. Quan sát bé trong suốt quá trình bú. Khi bé bú xong, bố mẹ nên bế và vỗ lưng một lúc để bé ợ hơi trước khi đặt nằm xuống. Nếu không thể bế bé lâu, bố mẹ nên kê gối cao lên cho con để sữa không bị trào lên. Tốt nhất là không nên cho bé nằm ngửa, nhất là ngay sau khi bú no để tránh bé bị trớ sữa.

Điều chỉnh lưu lượng sữa:
– Khi trẻ bú sữa công thức, mẹ chú ý chọn loại ti mềm mại bằng chất liệu cao su hoặc silicone. Đặc biệt là phải chọn ti có kích thước và tốc độ chảy phù hợp theo từng độ tuổi. Khi cho trẻ bú nên hết sức chú ý xem trẻ có gặp khó khăn khi mút, nuốt hay không để điều chỉnh kịp thời. Một điều tối quan trọng bố mẹ cần nhớ là không được tự ý khoét thêm hoặc thông to lỗ ti để con bú nhanh hơn. Cách tốt nhất là thay ti mới, có tốc độ xuống sữa phù hợp với của trẻ, khiến trẻ cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi bú.

– Trong trường hợp bé bú mẹ, nếu sữa xuống nhanh và quá nhiều, mẹ nên biết cách điều tiết cho dòng sữa chậm lại, để bé kịp nuốt, không gây sợ hãi, nhất là gây sặc cho bé. Các chuyên gia khuyên mẹ rằng, lúc này hãy dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa kẹp ngay đầu ti để ngăn sữa lại. Khi dòng sữa chậm lại, mẹ có thể thả lỏng tay ra để sữa xuống bình thường.

Chú ý tình trạng sức khỏe
– Với trẻ sinh non, sự phát triển hệ thần kinh chưa đầy đủ, bố mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến những nguy hiểm có thể xảy ra khi bé bú sữa.
– Nếu phát hiện trẻ có những dị tật đường hô hấp, vòm miệng, cần trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách chăm sóc trẻ cho phù hợp.

Thao tác khi chăm sóc trẻ:
– Không cho trẻ nằm bú, nhất là với trẻ dưới 6 tháng tuổi vì khi đó dạ dày trẻ còn thẳng, dễ gây trào ngược và khiến bé bị sặc.
– Trong lúc trẻ bú sữa, mẹ và con hãy thật tập trung. Mẹ có thể “trò chuyện” với trẻ bằng ánh mắt, nói những câu cưng nựng, vỗ về nhẹ nhàng để con cảm nhận được tình yêu thương của mẹ. Tuy nhiên, tuyệt đối không đùa nghịch, gây cười, khiến trẻ mất tập trung, nhất là vào giai đoạn 3-4 tháng tuổi, khi trẻ biết đùa và thích hóng chuyện.
– Tuyệt đối không đút sữa, không cho ti mẹ vào miệng khi bé đang khóc, đang ngủ cũng là cách giúp tránh được nguy cơ bị sặc sữa. Bởi lẽ lúc này bé chưa sẵn sàng cho bữa ăn của mình.
– Sau khi bé bú no, mẹ nên bế lên và vỗ lưng cho con ợ hơi. Không đặt bé nằm xuống ngay khi mới ăn no, nhất là nằm trên gối lõm ở giữa hoặc chèn cứng khăn khiến bé không tự xoay đầu được.

Thao tác khi bé bị sặc sữa

Nếu bé bị sặc, mẹ và người thân hãy tuyệt đối giữ bình tĩnh và thao tác một cách thật chuẩn xác để giúp tống sữa ra ngoài, nhanh chóng làm thông thoáng đường thở theo hướng dẫn sau:

Bước 1:
Vỗ lưng, ấn ngực: Xoay lưng bé về phía bạn, khum bàn tay lại và vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ, khoảng giữa hai xương bả vai để tạo áp lực lên lồng ngực đẩy sữa ra ngoài. Lật trẻ lại để quan sát xem sữa có trào ra hay không và trẻ đã thở lại được hay chưa. Nếu trẻ thở được, da hồng hào trở lại hãy lau sạch sữa, vỗ về bé cho bé ổn định hơn. Trong trường hợp trẻ vẫn tím tái, bố mẹ hãy bắt đầu bước thứ 2.

Bước 2: Dùng hai ngón tay ấn mạnh vào vùng xương ức khoảng dưới đường nối hai núm vú 5-6 cái và xem sữa hay thức ăn có được tống ra không và nhanh chóng lấy ra khỏi miệng trẻ.
Nếu chưa có kết quả có thể lập lại tuần tự bước 1 và bước 2 thêm 5 – 6 lần.
Sau khi sơ cứu cho trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế.

Theo sự tư vấn của BS Trần Đắc Nguyên Anh – Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 

Tags:

Bài viết liên quan