Mẹ&Con - Thế nhưng “xã” nhà mình thì không hề thay đổi. Anh vẫn thoải mái chi dùng như trước, thậm chí có phần tiêu tốn nhiều hơn (vì lương không tăng nhưng mọi thứ khác đều tăng mà). Mình xót ruột, bàn tính với anh thì anh bảo mệt quá, mình cứ lo xa, sống là hưởng thụ cho ngày hôm nay, chứ cứ đòi “hành xác” bản thân, thiếu thốn, khổ cực đủ điều, lúc nào cũng “chắt mót” để dành cho tương lai thì có sống hết cả đời cũng… khổ! Vợ chồng tiền ai nấy giữ Vợ có nên quản tiền chồng? Học cách tiết kiệm thời lạm phát

Vợ chồng mình may mắn có công việc ổn định và thu nhập đều ở mức kha khá, chi dùng xong tháng nào cũng để dành được chút ít. Thế nhưng, nói dư nhiều thì không đúng vì nhà cửa tuy rộng rãi nhưng vẫn là nhà thuê, con lại mới 2 tuổi, khoản dành dụm lâu dài cho con học hành sau này cũng chỉ mới được tí chút.

Dạo gần đây, thấy tình hình kinh tế khó khăn, nhiều bạn bè thất nghiệp, thú thật mình lo lắm. Mình tự tìm cách cắt giảm đi các khoản chi tiêu không cần thiết, ví dụ như bỏ hết chuyện mua sắm áo quần, giày dép mới. Ngoại trừ sữa cho con, những thứ khác mình cũng hay xin lại của các chị em trong nhà, hạn chế việc cứ đụng cái gì là mua mới cái đó.

Thế nhưng “xã” nhà mình thì không hề thay đổi. Anh vẫn thoải mái chi dùng như trước, thậm chí có phần tiêu tốn nhiều hơn (vì lương không tăng nhưng mọi thứ khác đều tăng mà). Mình xót ruột, bàn tính với anh thì anh bảo mệt quá, mình cứ lo xa, sống là hưởng thụ cho ngày hôm nay, chứ cứ đòi “hành xác” bản thân, thiếu thốn, khổ cực đủ điều, lúc nào cũng “chắt mót” để dành cho tương lai thì có sống hết cả đời cũng… khổ!

Mình chán lắm. Làm cách nào để chồng bớt cái tính “vung tay” ấy? Chứ nói dại, giờ chỉ cần anh hay mình ốm đau, thất nghiệp một cái (chuyện này dễ xảy ra quá mà!), có phải sẽ lâm vào cảnh khó khăn liền không?

T.T.Q.C

(Quận 4)

 Ý kiến chuyên gia

Phóng khoáng, rộng rãi, ít nghĩ nhiều đến “tiểu tiết” là tính cách của đa phần nam giới. Và lo xa, tằn tiện, dành dụm, hay nghĩ đến con, luôn dự phòng chuyện “lỡ chẳng may…” (để vẫn đảm bảo được tương lai ổn định cho con) vốn là đặc điểm tâm lý, tính cách ở hầu hết những người phụ nữ, nhất là người có con nhỏ, bạn ạ!

Tôi hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ với những băn khoăn, ưu tư của bạn – đặc biệt trong thời điểm kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao như lúc này. Tuy nhiên, bạn cũng đừng vì thế mà lúc nào cũng nhắc đến… tiền, sẽ dễ gây nên những bất hòa không đáng có trong gia đình, gây ức chế và bức xúc cho anh xã.

Thay vào đó, bạn có thể dành một buổi nào đó khi tâm lý chồng vui vẻ, cùng anh ngồi bàn bạc lại chi tiêu trong gia đình. Cứ nói rõ những lo lắng hợp tình hợp lý của bạn và lắng nghe những giải pháp từ anh. Cách tốt nhất là cộng lại thu nhập của hai vợ chồng bạn, sau đó chia theo tỷ lệ phù hợp (tùy bàn bạc của vợ chồng) khoản tiền chi phí chung cho gia đình (tiền thuê nhà, điện nước, sữa cho con, tiền chợ…), khoản dành dụm phòng xa (phòng khi đau ốm và để dành cho con), khoản chi tiêu riêng của vợ chồng.

Sau khi đã thỏa thuận, bạn chỉ cần dựa chính xác trên những điều đã bàn đấy để tiết kiệm, dành dụm, cân đối chi tiêu. Không nên càm ràm nhiều lần, thấy chuyện gì cũng càm ràm. Chẳng hạn như nếu anh đã thực hiện đúng việc cùng bạn dành dụm các khoản chung, thì với khoản “riêng” của mình, nếu thấy anh “vung tay” trong chừng mực đó, bạn cũng hạn chế đưa ra những lời nhận xét thì sẽ tốt hơn.

Chắc chắn dù có là người thoải mái, thích tận hưởng cuộc sống đến đâu, anh cũng sẽ chịu lắng nghe bạn khi thấy kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của bạn hợp lý, hiệu quả. Bạn cũng nhớ công khai các khoản chi tiêu trong gia đình thông qua sổ chi thu, sổ tiết kiệm để anh có thể nắm được “tình hình”, có sự tích cực dành dụm hơn cùng bạn nhé.

Chuyên gia Tư vấn Tâm lý Trần Thị Quỳnh Dao 

Tags:

Bài viết liên quan