Cả hai vợ chồng đều đi làm từ sáng sớm đến chiều tối nên chúng tôi quyết định ăn ngoài cho tiện. Dạo gần đây, báo chí phản ánh thông tin về thực phẩm không an toàn nhiều quá, tôi cũng bất an. Đề nghị vợ nấu ăn tại nhà cho đảm bảo sức khỏe (đương nhiên tôi cũng phụ một tay), vợ chỉ vui vẻ nấu được vài ngày, sau đó thì cũng ăn ở nhà nhưng đi… mua về ăn. Kiểu này thì đúng là bất an thật. Mấy ông bạn thân rỉ tai tôi: “Phải dạy vợ lại đi, chưa con cái gì mà đã lười như vậy, có con, chắc nó cho mày ăn cơm bụi đến già!”. Tôi thì không phải mẫu người khó ăn uống lắm. Chỉ cần cơm nóng, canh nóng là xong bữa. Nhiều lúc cảm thấy buồn vì bếp núc nguội lạnh, thèm một bữa cơm gia đình. Cũng có thể do vợ tôi nhiều việc quá nên về đến nhà là mệt mỏi. Tôi có nên “căng thẳng” với vợ chuyện này không? Vợ chồng tôi cưới nhau gần một năm nay, vẫn chưa có chuyện xích mích gì gây mất lòng nhau.
Mạnh Quân
(Q. Tân Bình)
Bạn Mạnh Quân thân mến!
Hình như lý do bạn đưa ra để thuyết phục vợ nấu cơm khác với lý do sâu thẳm bên trong bạn suy nghĩ. Chính vì vậy làm sao bạn có thể tạo đủ cơ sở để vợ bạn có thể thực hiện khi mà cả hai cùng bận rộn. Nếu chồng mong muốn an toàn vệ sinh thực phẩm thì chỉ cần chọn những chỗ quen, thức ăn hợp vệ sinh là được. Nhưng nếu cô ấy biết chồng mình hạnh phúc khi thấy người vợ vô bếp nấu cho mình ăn, thích chính những món ăn do cô ấy nấu. Mặc dù có thể những món ăn cô ấy nấu không bằng những thức ăn được làm từ tiệm. Thế nhưng có bao giờ cô ấy biết được bạn đang có những suy nghĩ đó trong lòng chưa?
Bạn chưa tâm sự nhẹ nhàng với vợ mình những mong muốn của mình thì sao có thể làm “căng thẳng” được chứ. Hạnh phúc của hầu hết người vợ đó chính là gia đình. Bạn hãy thử san sẻ công việc ấy bằng việc bắt đầu đi chợ lần đầu tiên với mớ nguyên liệu nấu ăn mang về cùng những mong mỏi của bạn thì không lý do gì bạn không thể thuyết phục cô ấy nấu ăn. Thậm chí, bữa ăn đầu tiên ấy không nhất thiết cô ấy sẽ là người nấu. Bạn làm thì sao? Thậm chí những bữa sau bạn có thể nấu nếu như cô ấy bận việc.
Điều quan trọng hơn nữa, bạn cần động viên, khích lệ, góp ý cho cô ấy. Tất cả đều cần có nghệ thuật mà đặc biệt là nghệ thuật góp ý. Món này có thể chưa ngon lắm nhưng không thể là dở. Món kia có thể nên bớt một tí muối sẽ ngon nhưng nó không hề mặn. Những điều đó sẽ làm cho cô ấy cảm thấy công sức của cô ấy thật xứng đáng, cảm thấy mình được trân trọng, cảm thấy công việc nấu ăn không phải là vặt vảnh có thể qua loa. Mà đó là điều mang lại không khí ấm áp cho gia đình. Làm cho tất cả mọi người cảm thấy hạnh phúc trong bữa ăn.
Hãy chia sẻ hết lòng những gì bạn đang mong muốn, hãy chung tay cùng cô ấy tất cả những công việc trong gia đình. Tin chắc rằng, khi ấy việc nấu cơm nhà không phải là một công việc đính kèm trong danh sách công việc phải làm trong ngày của cô ấy mà đó chính là điều mang lại hạnh phúc của cô ấy. Chúc bạn thành công và gia đình luôn hạnh phúc!
Chuyên viên tư vấn tâm lý Huỳnh Văn Sơn.