Mẹ&Con - Cưới xong, chồng chỉ muốn vợ ổn định công việc, tập trung lo cho gia đình, sinh con đẻ cái và nuôi dạy, chăm sóc con. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu vợ là người luôn muốn… hướng lên? 5 lý do tạo ra khoảng cách vợ chồng 12 điều bất ổn trong quan hệ vợ chồng Xung đột vợ chồng sau khi có con

“Tôi chưa bao giờ là tất cả của vợ!”

Người đàn ông đến trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình vào một buổi trưa oi bức, với cái nóng hầm hập đến trên 39 độ. Anh không cho biết tên, chỉ đề nghị chuyên viên tâm lý gọi mình là Nam và tiết lộ mình 36 tuổi, vợ 31 tuổi, hai vợ chồng đã có với nhau được hai cô con gái.

Anh bảo, thời điểm mới cưới nhau, anh rất tự tin ở bản thân mình, vì dù gì cũng lớn hơn vợ 5 tuổi, công việc của anh lúc ấy khá hơn một chút, lương cao hơn một chút. Thế nhưng tình thế thay đổi hoàn toàn sau 7 năm chung sống.

“Cô ấy sinh con, chăm sóc con khá chu đáo. Cô ấy cũng có quan tâm đến việc nhà, cũng lo đầy đủ những bữa cơm gia đình chứ không phải bỏ bê gì. Nhưng vấn đề là tôi nhận ra cô ấy chỉ dành phân nửa trái tim cho gia đình mà thôi. Phụ nữ khác lấy chồng sinh con xong thường chỉ mong hết giờ làm để mau mau về với gia đình, toàn tâm toàn ý với gia đình. Cô ấy thì không như vậy. Cô ấy tranh thủ học thêm rất nhiều, chỉ chu toàn gia đình ở mức độ vừa-đủ-xài, còn lại cô ấy dành hết niềm đam mê cho công việc, cho nghề nghiệp, cho sự thăng tiến của bản thân!”, anh thở dài cho biết. 

Kết quả sau 7 năm lấy nhau là hầu như anh không thay đổi gì lớn trong công việc, vẫn bình ổn với mức lương kha khá, trong khi đó vợ đã bay lên vị trí trưởng phòng ở một công ty lớn, trở thành hình mẫu được nhiều người ngưỡng mộ, đã kịp hoàn tất cả văn bằng 2 đại học và thường xuyên là đối tượng đứng đầu trong danh sách của công ty để cử đi học nước ngoài ngắn hạn.

vo-qua-nhieu-tham-vong-duc-lang-quan-thap-thom-lo

“Vợ tôi không ngoại tình, không lăng nhăng, không coi thường chồng, cũng không bỏ bê con cái. Nếu nhìn phớt qua, tôi có thể bảo đảm rằng ai cũng bảo tôi may mắn quá khi có được một người vợ như thế. Tôi hiểu cô ấy cũng đã phải cố gắng nhiều và áp lực nhiều để vừa chăm sóc được con, vừa vươn lên như thế. Nhưng cái khổ tâm của tôi rất khó nói. Tôi cảm thấy mình không phải là tất cả với cô ấy. Tôi cần trái tim cô ấy đặt hết vào gia đình như mọi phụ nữ khác chứ không phải chỉn chu, hoàn hảo nhưng rõ ràng là luôn có những mối bận tâm khác bên ngoài…”, anh Nam thở dài, tiết lộ rằng mình đã rất đắn đo khi tìm đến đây, vì thấy quá bế tắc trong chuyện vợ nhiều tham vọng và càng ngày càng vươn xa, xa đến nỗi anh e ngại mình không giữ được.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi cho biết, tình trạng như anh Nam không phải là hiếm. Có không ít anh chồng đến trung tâm để than thở rằng sao vợ cứ “tham vọng” quá, không hề chịu yên phận, lúc nào cũng thích vươn lên. Có anh cảm thấy khó chịu với chuyện vợ cứ đi học buổi tối chứ không chịu “ở nhà với con”. Có anh bực tức vì vợ thăng tiến vèo vèo và “vượt mặt” chồng. Có anh lại trầm ngâm khi nhận ra vợ hầu như không còn hỏi ý kiến mình các chuyện liên quan đến công việc nữa…

Điểm chung là khi chuyên gia tư vấn “hỏi tới”, các anh chồng đều thừa nhận vợ vẫn chu đáo ở mức “có trách nhiệm” với gia đình, không đến mức bỏ bê tất cả để chỉ lao vào công việc. Song, chính cảm giác vợ không “yên phận” và cảm thấy mình không “quản” nổi vợ đã khiến nhiều đức lang quân trở nên… thấp thỏm lo!

“Đối phó” thế nào với vợ-nhiều-tham-vọng?

Có một tâm lý tự nhiên ở các anh chồng thích an phận và yên ổn, khi thấy vợ tham vọng, lập tức họ phản ứng bằng cách… gây khó dễ với vợ, cố gắng tìm những bằng chứng để chứng minh với vợ và với mọi người rằng vợ kém chu toàn, lơ là việc nhà, chỉ thích toàn “chuyện đâu đâu”(!).

Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi khẳng định, đây là một trong những phản ứng hết sức… sai lầm. Người phụ nữ nhiều tham vọng vốn là mẫu người có sự kiên cường và quyết đoán, không dễ “phục” trước những lý do mà họ thấy thật… trẻ con. Khi chồng phản ứng như vậy, đa phần trong tâm lý vợ chị nổi lên cảm giác chán ngán và xa cách hơn.

“Tôi từng tiếp xúc với nhiều người vợ thuộc mẫu phụ-nữ-nhiều-tham-vọng như thế. Họ chia sẻ rằng mình đã phải rất cố gắng mới có thể lo toan việc nhà, cơm nước đầy đủ cho chồng, rồi lại còn dạy bảo, chăm sóc con. Vậy nhưng chồng không công nhận những thành quả ấy. Chồng chỉ chăm chăm kiếm cớ, để tìm cách “ngăn cản” vợ học hành hoặc vươn lên trong công việc. Nhiều chị còn khẳng định, các phản ứng đó của chồng khiến chị thêm chán, thấy mình không được nhìn nhận đúng, thấy chồng sao quá tự ti và thiếu ý chí vươn lên!”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi lý giải.

vo-qua-nhieu-tham-vong-duc-lang-quan-thap-thom-lo

Thực tế, mỗi người phụ nữ thuộc về một “típ” và có những cá tính khác nhau. Có người phụ nữ thích một cuộc sống đơn giản và bình ổn, tìm thấy niềm vui trong những công việc bình dị gia đình. Cũng có những người phụ nữ luôn khao khát học vấn, thích mình tiến về phía trước, thay đổi qua từng năm.

Không có chuyện đâu là mẫu người “đúng” và đâu là mẫu người “sai”. Vấn đề là một khi đã kết hôn, bạn nên hiểu rõ vợ hoặc chồng của mình thuộc “nhóm” nào, để có thể có được sự thấu hiểu lẫn nhau và dung hòa tốt nhất.

Như anh Trịnh Thanh Châu (Quận 7), một người đàn ông tự nhận mình rất “bình thường” và vợ thì lại rất tham vọng chia sẻ: “Khi hiểu rằng đó là cá tính và là niềm vui của vợ, tôi tập cách dung hòa và cố gắng hiểu cô ấy nhiều hơn. Vợ chồng tôi đưa ra những thỏa thuận cùng nhau, giờ nào sẽ dành cho gia đình và các con, công việc nào là trách nhiệm của tôi và công việc nào là trách nhiệm của cô ấy. Thay vì nhăn nhó vợ với những chuyến đi học xa, tôi bày tỏ sự ủng hộ dành cho cô ấy và chỉ đều đặn liên lạc vào giờ nhất định trong ngày. Tự nhiên, vợ có vẻ vui hơn và thích chia sẻ với tôi hơn. Cô ấy khoe về các thành tích mới, kể cho tôi nghe trên lớp hôm nay thầy giảng cái gì hay. Tôi biết, trong lòng cô ấy vẫn luôn có tôi và các con. Người phụ nữ dù tham vọng đến thế nào hoặc thích vươn lên thế nào, mạnh mẽ thế nào thì trong sâu thẳm họ, họ vẫn cần và thích có một người đàn ông ủng hộ mình, tin cậy mình, là nơi chốn bình yên để trở về!”.

Tags:

Bài viết liên quan