Mẹ và Con - Sở hữu các vật dụng y khoa cơ bản không còn là điều xa lạ với các gia đình hiện đại, nhưng nếu bảo quản không đúng cách bạn lại vô tình “rước họa” với chất thải y tế. Vì thế, nếu gặp tình trạng vỡ nhiệt kế thủy ngân thì đây là cách bạn nên xử lý.

Nhiệt kế vốn đã trở một trong những vật dụng y tế phổ biến nhất trong mỗi mái ấm, từ nhiệt kế điện tử, nhiệt kế dán tường và phổ biến nhất là nhiệt kế thủy ngân. Thế nhưng nếu không cẩn thận làm vỡ nhiệt kế thủy ngân, thì vô tình bạn và người thân sẽ bị phơi nhiễm với một chất kịch độc dù với một hàm lượng vô cùng nhỏ.

Vỡ nhiệt kế thủy ngân có nguy hiểm không?

Điều gì xảy ra khi vỡ nhiệt kế thủy ngân?

Cấu tạo chung của chiếc nhiệt kế thủy ngân có hình dạng của một ống thủy tinh dài, mà một đầu của cùng thì phình to dạng hình cầu. Trong phần khối cầu này chứa 1 giọt thủy ngân (khoảng 610 microgram theo EPA).

Thủy ngân là kim loại ở thể lỏng, thường có màu trắng bạc, không mùi, chỉ cần trong nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C) thì chúng sẽ bay hơi chậm vào không khí. Khiến bạn, con trẻ hay người nhà hít phải và nhiễm độc.

phòng tránh vỡ nhiệt kế thủy ngân

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàm lượng thủy ngân gây độc cho cơ thể rơi vào khoảng 4-5 micromol/L, tương đương với 1,6mcg/kg/ngày.

Điều này có nghĩa là với một người trưởng thành với cân nặng trung bình 50kg thì lượng thủy ngân “hạ gục” người này là 80mcg, rất “khiêm tốn” so với lượng chất độc tràn ra khi vỡ nhiệt kế thủy ngân. Do vậy nên một lượng nhỏ kim loại dạng lỏng này đi vào cơ thể, cũng đủ gây ra nhiều tác động nguy hiểm.

Cách thủy ngân gây độc cho cơ thể

Dù là một chất rất nguy hiểm khi vào máu, thế nhưng thủy ngân khi rơi vào tay hay bé con vô tình nuốt phải, lại không nguy hiểm như bạn nghĩ!

Thủy ngân hấp thu rất kém qua bề mặt da cũng như là đường tiêu hóa, thông thường chỉ có 0.01% chúng được hấp thu qua ruột khỏe mạnh để vào máu và tự thải ra sau một vài ngày mà không để lại tác hại gì. Tuy nhiên nếu đường ruột hoặc trên da có tổn thương, như trầy xước da, bệnh viêm ruột, thủng ruột thì chất kim loại lỏng này dễ dàng đi vào máu.

Điều này sẽ không đúng với đường hô hấp, thủy ngân sau khi bay hơi vào không khí, chất này đi vào phổi, khuếch tán rất nhanh vào máu và di chuyển đến các cơ quan quan trọng như não, thận, phổi, gan,… Hậu quả gây nên rối loạn chức năng nghiêm trọng từ viêm phổi nặng, nôn ói, co giật, lơ mơ thậm chí là tử vong.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thủy ngân

Làm sao để nhận ra khi bạn, người thân hoặc bé con bị ngộ độc khi vô tình phát hiện chiếc nhiệt kế thủy ngân trong nhà bị vỡ? Với người lớn, thường sẽ có một vài biểu hiện cấp tính như sau:

  • Sốt, ớn lạnh
  • Răng lợi sưng đỏ, xuất huyết, than phiền cảm giác có mùi vị kim loại trong miệng…
  • Đau đầu dữ dội, lơ mơ, co giật
  • Chóng mặt, buồn nôn
  • Đau bụng, có thể kèm rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy…
  • Ho nhiều, ho có đờm, khó thở, tím tái, dễ rơi vào suy hô hấp
  • Thủy ngân xâm nhập qua da gây ra các phản ứng dị ứng, đỏ da, mẩn ngứa, thường ở mặt hoặc nếp nách, đùi, cổ..

Khi phơi nhiễm ít nhưng lâu ngày, sẽ dễ gây ra tình trạng mất ngủ, hoảng loạn tinh thần hay tâm trạng thất thường. Tình trạng phơi nhiễm mạn ở trẻ, thường do không phát hiện vỡ nhiệt kế lâu ngày hoặc tiếp xúc với các nguồn thủy ngân sinh hoạt khác, sẽ khiến trẻ có biểu hiện viêm lợi, chảy nước miếng, khó ngủ, run giật…

Trẻ lớn thì sa sút học hành, mất ngủ, hay quên, rối loạn tâm thần kinh, có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện kịp thời. 

Cách xử lý khi bị vỡ nhiệt kế thuỷ ngân

Xử lý nơi vỡ nhiệt kế thủy ngân

Khi vỡ, lượng thủy ngân trong nhiệt kế sẽ trào ra ngoài, tạo thành các hạt thủy ngân đều đặn lăn trên đất. Nếu bạn là người phải xử lý, bạn cần lưu ý hai chuyện:

  • Điều quan trọng đầu tiên để tránh ngộ độc hơi thủy ngân đó là đưa bé con và người thân đến khu vực an toàn. 
  • Sau đó bạn cần bảo vệ chính mình bằng cách thay quần áo cũ đi, dùng găng tay cao su, khẩu trang y tế  

Các bước thu dọn nhiệt kế thủy ngân sau khi vỡ

  • Dùng một que bông ướt hoặc giấy mỏng để gom thủy ngân vào một bình hoặc lọ thủy kinh có thể đậy kín. Bạn cần chú ý tránh để giọt thủy ngân bị tách ra thành nhiều hạt nhỏ hơn vì điều này dễ gây sót và khó khăn hơn.
  • Bạn cần hạn chế sự bay hơi của thủy ngân bằng lưu huỳnh. Chất này tương tác với thủy ngân và sinh ra một hợp chất khó bay hơi. Trong điều kiện tại nhà, lòng đỏ trứng sẽ là thứ mang lại kết quả tương tự.
  • Sau khi thu dọn và dùng lòng đỏ trứng gà bôi lên nơi dọn dẹp, bạn cần mở hết cửa để khu vực thoáng khí trong vài tiếng đồng hồ trước khi sinh hoạt lại như bình thường. 

Lọ thủy ngân sau khi thu hồi cần phải được bịt kính, bọc lại bằng nhiều lớp nilon, ghi chú lên lọ và phân loại xử lý như rác thải y tế. Vì nếu vô tình để chung với rác sinh hoạt hay thải xuống cống rãnh sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.

vỡ nhiệt kế thủy ngân

Xử lý quần áo bị dính thủy ngân

Bộ quần áo bạn hay bé con dính thủy ngân, bạn nên bỏ những vật dụng này, nếu muốn sử dụng lại thì phải ngâm giặt thật kỹ lưỡng theo quy tắc sau. Tạp chí Mẹ và Con Lưu ý là phải thật kỹ lưỡng đấy nhé!

  • Ngâm quần áo trong nước lạnh khoảng nửa giờ và xà phòng
  • Tiếp tục chuyển sang ngâm 20 phút bằng nước ấm (70-80 độ C) có dung dịch tẩy rửa
  • Cuối cùng là xả lại với nước lạnh

Khi nào cần đến cơ sở y tế

Khi người thân của bạn có mặt ở nơi nhiệt kế vỡ, có bất kỳ dấu hiệu của ngộ độc thủy ngân kể trên, cần đến ngay bệnh viện, phòng khám, hay cơ sở y tế gần nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Trong tình huống bạn không rõ con bạn có chạm, hay nuốt phải thủy ngân hay không, cách an toàn nhất là nên đưa trẻ đến các phòng khám nhi khoa để theo dõi.

Cách bảo quản nhiệt kế thủy ngân không vỡ

Một số lưu ý khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân để tránh hiện tượng rơi vỡ là:

  • Cất nhiệt kế tại nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em
  • Nhiệt kế thủy ngân nên được đựng trong hộp đựng kín, ở nơi thoáng mát và không bị đè ép bởi các vật dụng khác
  • Nếu bạn dùng nhiệt kế đo nhiệt độ phòng bằng thủy ngân, hãy để ở phòng thoáng khí và ở cao hơn tầm với của trẻ em
  • Không để trẻ chơi, ngậm nhiệt kế y tế thủy ngân, vì vô tình trẻ có thể làm vỡ và tiếp xúc với chất kim loại lỏng nguy hiểm này
  • Trong điều kiện thuận lợi, bạn có thể thay đổi sang dùng nhiệt kế điện tử hoặc quang nhiệt kế để an toàn hơn, và cho kết quả nhanh hơn
  • Ngoài phơi nhiễm với thủy ngân do vỡ nhiệt kế thủy ngân, bạn cần để ý đến những nguồn khác như rò từ pin sinh hoạt, thủy sản không sạch còn chứa một lượng thủy ngân từ ô nhiễm, nguồn nước không sạch…

Thay thế khi vỡ nhiệt kế thủy ngân

Vỡ nhiệt kế thủy ngân là một tai nạn tuy nhỏ nhưng lại nguy hiểm. Dẫu thế vẫn không thể phủ nhận vai trò của việc chuẩn bị các vật dụng y tế trong nhà. Sở dĩ, mục tiêu sau cùng của chúng ta đều vì sức khỏe của gia đình và bản thân. Vì thế việc sử dụng đúng cách, bảo quản hợp lý không chỉ mang lại an toàn mà còn là hành trang hợp lý để chăm sóc gia đình và người thân. Đặc biệt là những dịp chúng ta cùng nhau cầu chúc sức khỏe và đón một năm mới an yên.

Bài viết liên quan