Mẹ&Con - Sở dĩ tôi biết những chuyện này là vì cứ lâu lâu lại nghe ai đó 'khuyên' vài điều khiến tôi chưng hửng, vì đó là chuyện riêng trong nhà. Khéo léo hỏi tới thì mới biết đó là do vợ tôi kể... Chồng cho vợ ra rìa sau khi có con Chồng cũ đòi tái hợp Tính vợ hay lo xa có phải là tốt?

Vợ chồng tôi mới cưới được 8 tháng và vợ tôi đang có thai được 2 tháng nay. Nói chung, cuộc sống vợ chồng khá ổn, dù thỉnh thoảng cũng có những xích mích nho nhỏ – điều dễ hiểu khi mới bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, có một điều khiến tôi cực kỳ bực mình là cô ấy có chuyện gì cũng mang về nhà để “tâm sự” với bố mẹ, chị em bên nhà. Từ chuyện vợ chồng cãi nhau, chuyện tôi hay về muộn, đến chuyện tiền bạc trong nhà cũng được mang ra kể tuốt.   

Sở dĩ tôi biết những chuyện này là vì cứ lâu lâu lại nghe ai đó “khuyên” vài điều khiến tôi chưng hửng, vì đó là chuyện riêng trong nhà. Khéo léo hỏi tới thì mới biết đó là do vợ tôi kể. Tôi trách thì vợ tôi bảo toàn là người thân thiết trong gia đình chứ có phải ai xa lạ đâu. Tôi rất khó chịu, nhưng vì cô ấy đang mang thai – lại là những tháng đầu – tôi không muốn vợ căng thẳng vì những góp ý của tôi nên vẫn chưa tiện nói thẳng với cô ấy là tôi bực mình đến thế nào. Làm sao để cô ấy bỏ cái “tật” này đây?

N.Q.K
(Quận Phú Nhuận)

Ý kiến chuyên gia

Đối với phụ nữ, khi gặp những “trục trặc” trong đời sống hôn nhân, stress, thì giải pháp được chọn đầu tiên là tìm người thân để chia sẻ, tâm sự, trút “nỗi lòng” cho vơi bớt những bực bội. Tuy nhiên, với nam giới, điều này thường là “cú sốc” vì bản tính của đàn ông không quen chia sẻ những chuyện riêng và không mấy ai thích nghi được với chuyện nhà được mang đi kể lung tung.

Để dung hòa điều này cần có thời gian và cần có sự nỗ lực rất lớn để hiểu tâm lý của người thuộc giới tính trái ngược với mình. Cãi cọ, ngăn cấm vợ kể chuyện nhà, trách móc… không hẳn là cách hay, đặc biệt trong giai đoạn này – như anh nói, chị nhà đang mang thai. Vì thật ra, nếu đang stress, thì chính việc được chia sẻ, tâm sự với người thân là biện pháp cực kỳ tốt cho tâm lý của chị, để giải tỏa những gút mắc, để cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nó sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chị nhà không chia sẻ được với ai, cứ giữ trong lòng để rồi rất dễ trầm cảm trong lúc mang thai.

Tất nhiên, về phía anh, anh cũng hoàn toàn không “sai”. Biện pháp dung hòa lý tưởng bây giờ là anh hãy cố gắng gần gũi hơn với vợ. Vợ chồng trò chuyện với nhau nhiều hơn, anh trực tiếp hỏi thăm chị ấy nhiều hơn về những vui buồn. Khi đã có thể kể trực tiếp với chồng, nói ra được những “bức xúc” nào đó, cùng nhau lắng nghe, cùng an ủi lẫn nhau thì chắc chắn vợ anh sẽ không còn nhu cầu đi tâm sự cùng gia đình, người thân nữa.

Lúc nào vợ chồng vui vui, anh cũng có thể chọn cách thật hóm hỉnh, hài hước để khéo léo góp ý cùng chị ấy, rằng anh luôn là người sẵn sàng “lắng nghe và thấu hiểu” mọi tâm tư của chị. Bằng cách đó, chị nhà sẽ dần hiểu ra và bớt “tâm sự” chuyện riêng mà không hề cảm thấy căng thẳng hay ức chế. Chúc vợ chồng anh vui và cùng nhau vượt qua hành trình dài chín tháng, đón bé chào đời.  

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Quỳnh Dao 

Tags:

Bài viết liên quan