Cuộc sống vợ chồng không phải chỉ là… tờ giấy kết hôn mà còn được tạo nên từ nhiều mối tương quan khác như tiền bạc, các quan hệ. Tuy nhiên, có những cặp vợ chồng trẻ chưa quen lắm với lối suy nghĩ này. Vợ có nên quản tiền chồng? Vợ hay chồng nên giữ tiền?

Quan hệ… song phương, bình đẳng bằng đối thoại!

Tôn trọng tự do cá nhân, nhất là của người phối ngẫu là điều cần thiết. Nó thể hiện tình cảm trân trọng, không soi mói, xâm phạm vào những thói quen, quan hệ cá nhân của người chồng hoặc vợ với người còn lại. Tự do về tài chính làm cuộc sống của mỗi người dễ chịu, thoải mái, không bó buộc trong những quy định, kiểm soát chặt chẽ và sự chi phối của người bạn đời. Điều đó thể hiện tính cởi mở, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ vợ chồng phát triển tốt đẹp. Khi đó, người vợ hoặc chồng không cảm thấy bị cánh cửa hôn nhân siết chặt. Các ông chồng không phải cuối tháng dốc hết hầu bao trút vào “ngân hàng” vợ (ngân hàng đặc biệt, gửi tiết kiệm cả đời nhưng chẳng bao giờ được nhận một đồng lãi suất!). Thậm chí, các ông cũng không phải thập thò lập “quỹ đen” cho riêng mình. Mà đã nói đến “quỹ đen” là có bao hàm cả những chi tiêu không minh bạch.

Điển hình cho trường hợp bình đẳng về chuyện tiền nong này phải kể đến cặp vợ chồng trẻ của anh Huy và chị Tâm ở TP.HCM. Vốn là kĩ sư cầu đường, hay đi công tác xa nhà, tính lại rộng rãi, phóng khoáng nên trước khi cưới anh Huy đã cùng vợ ngồi lại bàn tính rất “dân chủ” chuyện tiền nong hậu kết hôn. Theo “hợp đồng miệng” được thỏa thuận giữa hai người thì tiền lương thư kí giám đốc của chị Tâm sẽ dùng để chi trả các loại hóa đơn sinh hoạt gia đình (hóa đơn điện, nước, hóa đơn mua hàng siêu thị…), còn lương “cứng” của anh Huy sẽ được anh giữ lại và chi vào các “khỏan lớn”: tiền học cho con, tiền giao tiếp xã hội (cưới hỏi, giỗ quảy, lễ lộc, quà Tết cho hai bên), và quan trọng nhất là bỏ heo…mua nhà!

vo-chong-tien-ai-nay-giu

Dĩ nhiên mua sắm trang thiết bị dùng trong gia đình như tivi, máy lạnh, tủ bàn ghế thì anh chị cùng nhau góp vốn! Quần áo, giày dép làm đẹp cho cả nhà thì đã có chị Tâm chăm chút cẩn thận. Hai cha con anh ra đường cứ gọi là phải phổng mũi vì sự chăm sóc đặc biệt và chu đáo của chị. Không bị vợ “truy thu thuế” hàng tháng, lương kĩ sư lại rủng rỉnh nên anh Tâm rất thoải mái với bạn bè. Thoải mái ở mức vừa phải, chưa khi nào anh chi cho việc ăn nhậu quá tay hoặc “bưởi bòng” bên ngoài. Hỏi anh có lập quỹ đen không, anh cười lớn: “Quỹ đen quỹ đỏ làm gì! Mặc dù không phải nộp hết tiền cho vợ nhưng trách nhiệm trụ cột gia đình vẫn là mình. Người đàn ông không hết lòng lo cho gia đình mà còn bày đặt quỹ đen chi tiêu những việc mờ ám thì chắc chắn lương tâm chẳng bao giờ thanh thản được. Ông nào làm thế là tự hạ thấp nhân cách mình trong mắt vợ rồi!”. 

“Hồn ai nấy giữ, ví ai nấy cầm” nghĩa là xài…vô tư?

Câu chuyện dở khóc dở cười của chị Nguyệt Hà làm ai nghe thấy cũng phải giật mình. Chồng chị là con trai lớn trong gia đình, với dòng tộc, anh thuộc loại có uy, với vợ, anh ra tính gia trưởng rõ mặt. Khi mà xã hội ngày càng tiến bộ, bình đẳng giới được người ta chấp nhận như một lẽ tự nhiên, khi các bà vợ khác ung dung được làm tay hòm chìa khóa thì chị Hà phải cúc cung nộp hết… lương cho chồng! Thật là ngược đời! Tiền lương giáo viên của chị có là bao, vậy mà anh thu…tận gốc, không sót một đồng. Lương của anh thì chẳng bao giờ hé răng cho chị biết. 

Anh vừa gia trưởng, vừa có tính đàn bà, chi li tiểu tiết. Là phụ nữ, chị cũng có nhu cầu làm đẹp như ai: tóc tai, quần áo, son phấn, giày dép… Nhưng khi muốn mua sắm, chị phải thông qua anh, thậm chí phải có anh đi cùng, anh mua gì chị xài đó, không thích cũng phải chấp nhận! Đã bao nhiêu lần chị có ý kiến thì anh đều nạt ngang. Ức chế lên mức đỉnh điểm khi ngày Tết anh thẳng tay mua quà cáp loại “xịn” cho bên gia đình anh, còn bên chị chỉ được những thứ trái cây tầm thường ở chợ! 

Chị làm dữ, bỏ về nhà má ruột và dọa sẽ không về với anh nữa, trừ khi anh chịu cải thiện hành động bất công của mình. Chị lớn tiếng đòi quyền lợi chính đáng. Cuối cùng, chị thắng. Anh chịu lùi một bước, không thu lương vợ, chị được quyền giữ tiền và chi tiêu cho gia đình. Nhưng chị đã không bảo toàn được túi tiền của mình. Vốn bị kiềm hãm lâu năm nên bây giờ thú vui mua sắm của chị bùng nổ. Chị chi tiêu xả láng cho bỏ ghét. Nhà trở thành cái kho chứa hàng: quạt máy, bàn ủi, ly tách, thau rổ… xài không xuể, có thứ mua rồi để đó hàng tháng trời chưa xài tới. Anh xót của, trách chị hoang phí và ra “tối hậu thư” sẽ… lập lại trật tự như trước kia mới khiến chị hoảng vía! 

vo-chong

Kế hoạch “một hòm, hai chìa” thông minh

Quả thật, việc định đoạt tiền bạc trong cuộc sống gia đình cho cân bằng chẳng dễ dàng chút nào. Quyền tự do nắm giữ tài chính giữa vợ chồng là điều tốt khi đạt được sự thỏa hiệp giữa hai bên. Thu nhập của vợ chồng phải công khai lẫn nhau, và việc chi tiêu vào các khoản gì trong gia đình, chung hay riêng cũng phải minh bạch, trắng đen rõ ràng để đối phương khỏi phải thắc mắc, nghi ngờ. 

Làm được như thế mới có được sự tôn trọng lẫn nhau, nâng cao giá trị nhân cách của vợ chồng trong mắt nhau, và cả trong cái nhìn của con cái. Tốt nhất là lập kế hoạch “một hòm, hai chìa”. Có một sổ tiết kiệm chung cho gia đình mà cả hai đều phải đóng góp tùy theo thu nhập. Một sổ ghi chi tiết thu nhập hàng tháng của cả hai, số tiền góp vào sổ tiết kiệm hàng tháng, số tiền chi tiêu trong gia đình và cả những việc đột xuất, hoặc hỗ trợ người thân, bạn bè lúc khó khăn.

Điều quan trọng là không nên tự ý quyết định chi tiêu một mình. Khi có vấn đề quan trọng cần chi một khoản tương đối lớn, nên hỏi ý kiến của vợ hoặc chồng. Chỉ khi nào đạt được thỏa thuận giữa hai người mới rút tiền ra. Tiền bạc không quyết định hạnh phúc của chúng ta. Nhưng biết cách quản lí tiền bạc và tiêu dùng thông minh cũng là cách để bảo toàn hạnh phúc, sự ấm cúng cần thiết cho mỗi gia đình.

 

TỬ ANH ANH

 

Tags:

Bài viết liên quan