Có yêu mới ghen, lại là một lời nhận định “chuẩn không cần chỉnh”. Trong hôn nhân, vợ chồng ghen tuông là chuyện bình thường. Có thể khẳng định không ai yêu mà không ghen, cũng như không ai không yêu mà lại đi ghen tuông phi lý. Ghen tuông cũng được chia làm dăm bảy thể loại: Ghen… câm, ghen tuông có văn hóa hay thậm chí là hành xử theo “giang hồ”.
Trong 3 kiểu ghen tuông trên, khổ tâm nhất là ghen câm, khôn ngoan nhất là ghen tuông có văn hóa còn… dễ vào nhà đá nhất chính là hành xử theo kiểu giang hồ.
Những người phụ nữ ghen câm thực sự rất khổ tâm, đầu óc rối tung nhưng miệng lưỡi cứ ầm ì. Muốn xét nét nhưng không chắc đúng sai, muốn “bắt quả tang” nhưng lại chẳng tìm đâu ra chứng cứ…
Chị Hoa là một ví dụ điển hình trong lối ghen tuông khiến con người ta mệt mỏi và căng thẳng này. Vợ chồng chị lấy nhau đã được nhiều năm, tình cảm khá tốt. Công việc thuận lợi, anh dần được thăng những chức vụ cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian dành cho vợ con bị thu hẹp lại…
Chồng chị Hoa thay đổi, dĩ nhiên không nhiều thì ít. Nhưng chẳng có bằng chứng hay nhân chứng nào, chứng minh anh có tình nhân bên ngoài. Thế mà chị cứ lầm lũi ghen tuông qua từng ngày, y hệt như việc ghi sổ nợ chi tiêu hàng tháng. Chị nhăn nhó khi thấy chồng mua bộ đồ mới, cau có khi thấy nhân viên cấp dưới của chồng nhan sắc có phần trẻ trung, nổi bật dù tất cả toàn là những điều dĩ nhiên. Cái ghen này làm chị “xuống cấp” quá, “xuống cấp” cả về thể xác lẫn tinh thần.
Lại có những người cũng yêu chồng, nhưng là yêu đến mù quáng mới chọn cách ghen tuông kiểu hành xử giang hồ. Nhẹ thì chửi bới, nặng hơn thì “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, nặng nữa thì thuê “giang hồ thứ thiệt” tới “xử” tình địch. Hả hê cơn giận tức thời, nhưng cái kết sau đó mà họ nhận được là gì?
Trong tình huống này, thay vì sợ “xanh le mắt cáo”, các ông chồng từ vị trí rõ là người có tội lại tỏ rõ thái độ căm ghét và coi thường ngược lại vợ mình. Bởi vì sao? Bởi vì các chị khiến các anh mất mặt, không còn mặt mũi nào đối diện với người khác. Các chị đang từ vị trí người bị hại bỗng trở thành kẻ đắc tội với người khác, một tình thế hoàn toàn đảo lộn, cứ ngỡ dùng dây trói được người khác hóa ra lại tự mua dây cột mình.
Chị Thoa, 25 tuổi – bà mẹ trẻ ở Quận 8 là một ví dụ. Vừa đẹp trai, vừa phóng khoáng lại là Giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra nên anh Hưng chồng chị nghiễm nhiên là đối tượng săn đón của nhiều cô gái. Anh Hưng ngoại tình, cây kim giấu trong bọc lâu ngày ắt lòi ra. Rồi chuyện tới tai vợ, chị Thoa bắt đầu… nổi cơn tam bành.
Sau vẻn vẹn 2 ngày biết được “tiểu tam”, chi Thoa phần vì muốn dằn mặt cô ả tội cướp chồng, phần vì muốn làm một “vố” cho anh Hưng sợ nên rủ một vài người cùng “hội chị em bạn dì” đi đánh ghen. Buổi chiều hôm ấy, vừa nhìn thấy chồng và bồ bước ra từ cơ quan mặc dù chẳng có biểu hiện gì trên mức bạn bè, chị và “hội chị em bạn dì” cứ thế bảo nhau lao vào đánh mắng, chửi bới ầm ì một góc trời.
5, 6 người phụ nữ to béo ăn hiếp một người phụ nữ yếu ớt, anh Hưng dù muốn dù không cũng phải ra sức ngăn cản vợ, bênh vực bồ. Điều này khiến chị Thoa ngỡ ngàng xen lẫn đau đớn không thể tả, nhưng càng đau xót hơn khi rõ ràng anh Hưng là người sai, nhưng anh không những xin lỗi mà còn thách thức chị kí đơn ly hôn bởi chị làm anh mất mặt quá.
Chị đánh đập người khác ngay giữa cơ quan anh Hưng, chẳng khác nào bắc loa nói cho toàn thể mọi người, từ bảo vệ, lao công tới nhân viên biết rằng anh ngoại tình. Anh Hưng là sếp, dưới một người nhưng trên vạn người. Sẽ ra sao khi ngày mai anh bước tới công ty nhà nhà chỉ trỏ, người người bàn tán, xỉa xói sau lưng? Là chị, thử hỏi chị có chấp nhận được không?
Một thời tuổi trẻ nông nổi, vài năm sau ly hôn mỗi lần nghĩ lại chị Thoa tiếc nuối cách hành xử của bản thân mình nhiều hơn là trách móc người chồng bội bạc. “Giá mà ngày ấy tôi bình tĩnh hơn một chút” – chị thở dài.
Trong những kiểu ghen tuông, chỉ có một loại ghen tuông duy nhất được mọi người tán thành nhiệt liệt, đó là ghen tuông có văn hóa.
Vợ chồng ghen tuông có văn hóa không khó, nhưng lại không phải ai cũng có thể làm được. Phàm là phụ nữ, chỉ cần nghe loáng thoáng chồng mình có ý đồ với người khác thôi đã nổi “ba máu sáu cơn” chứ nói chi tới văn hóa ghen tuông, nhắc gì tới cương – nhu, cứng – mềm mà áp dụng?
Thế mà ghen tuông kiểu này lại mang tới hiệu quả thực sự. Đánh ghen kiểu này không những vừa khiến “phòng nhì” khiếp vía, cao chạy xa bay mà vừa giúp chồng tỉnh ngộ, quay trở về vun vén gia đình, tâm phục khẩu phục, hết lòng vì vợ vì con. Đấy mới là đoạn kết nên có trong mỗi câu chuyện.
Chị Hằng (Hà Nội) là một người “cao tay” như thế. Chồng ngoại tình, hơn ai hết chị là người đau lòng nhất nhưng chị không để cảm xúc ấy lấn át lý trí của mình. Chị còn hai đứa con nhỏ, còn gia đình, còn nhà cửa, còn nghề nghiệp… chị thậm chí còn không muốn với bớt chứ đừng nói mất hết. Thế là chị âm thầm tìm hiểu rồi gài bẫy “tiểu tam”, vạch mặt trước chồng để anh mắt thấy, tai nghe, tự mình đưa ra quyết định.
Đúng thật là chị Hằng có “chơi chiêu” đấy, nhưng lại là chiêu trò khiến người khác gật đầu thán phục. Chị không lăng mạ người thứ ba, không xúc phạm chồng, không làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của ai. Chị hành xử hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng mà theo chị nói thì chỉ đơn thuần là “thay trời hành đạo”. Vậy là xong.
Nếu sau cuộc đánh ghen kia, chị Thoa phải cập rập tới đồn công an, mắt ướt lem, chân tay run lẩy bẩy thì với cuộc đánh ghen này, chị Hằng chỉ việc về ăn một bữa thật ngon, lên giường đắp chăn ngủ một giấc tới sáng.
Đàn bà sinh ra để yêu, nhưng cũng sinh ra để ghen. Ghen tuông có nhiều cách, có những cách ghen chỉ tổ tự mình làm hại mình, có những cách ghen khiến gia đình tan vỡ nhưng cũng có những cách ghen khiến chồng nể, bồ sợ, thiên hạ đề cao. Muốn níu giữ chồng, muốn cho anh ta cơ hội thì tốt nhất, hãy ghen một cách có “văn hóa”. Hãy chỉ ghen một cách có văn hóa thôi.
Vợ chồng ghen tuông là chuyện bình thường trong hôn nhân, nhưng ghen cũng cần phải có “nghệ thuật” cả đấy chị em ạ!