Trong tình yêu, những hờn ghen, giận dỗi giống như một loại gia vị nêm nếm cho cuộc sống hôn nhân thêm phần đậm đà. Thế nhưng, việc “nêm nếm” cũng cần phải thật khéo léo, tránh để một ngày bạn phải ân hận vì đã “quá tay”.
Đời sống hôn nhân muôn hình vạn trạng và chắc chắn chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những lúc “cơm không lành canh không ngọt”. Những khi có bất hòa xảy ra, người phụ nữ thường là người khó kiềm chế cảm xúc của mình và dễ dàng thốt ra lời chia tay như câu cửa miệng để “dọa” cánh mày râu. Thế nhưng, thực tế cho thấy điều này chẳng những không mang lại hiệu quả, mà còn khiến bạn dở khóc dở cười bởi chính bi kịch mà mình tạo dựng lên.
Vì sao không nên nói chia tay khi còn yêu?
Chính bản thân bạn sẽ cảm thấy đau khổ
Lần thứ nhất, khi bạn nói chia tay có thể đối phương sẽ tỏ ra vô cùng lo lắng, quýnh quáng tìm đủ mọi cách xin lỗi. Nhưng nếu thói quen này liên tục tái diễn sang lần thứ 2, thứ 3 rồi đến thứ n, anh ấy sẽ coi đó là điều hiển nhiên khi bạn mất bình tĩnh và… mặc kệ, chẳng thèm quan tâm đến nữa.
Thái độ bình thản của đối phương sẽ hình thành nên cơn sóng ngầm trong suy nghĩ bạn. Hàng loạt câu hỏi bạn cố tìm và đặt ra cho mình như: “Liệu anh ấy còn yêu mình không?”, “Nếu còn yêu tại sao không tìm đủ mọi cách dỗ dành mình như trước…?” Người mang tâm sự trong lòng chính là người chịu sự dày vò nhiều nhất. Tại sao bạn lại tự biến mình trở thành như thế?
Vợ chồng ăn đời ở kiếp, đừng dễ thốt ra lời chia tay. (Ảnh minh họa)
Đối phương cũng chẳng dễ chịu gì
Cánh đàn ông không hề thích phụ nữ “diễn đi diễn lại một vở tuồng”, nhất là cảnh “mặt sưng mày xỉa” khi cãi vã, giận dỗi rồi nước mắt, rồi xách va li đi để… đường ai nấy đi. Đảm bảo rằng nửa còn lại của thế giới sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản với suy nghĩ rằng bạn không hề xem trọng tình cảm của người khác. Tình yêu của bạn giống như trò trẻ con “mưa nắng thất thường”.
Bản chất của hôn nhân là sự gắn kết. Vì thế, mọi hành động bốc đồng đều khiến tình cảm rạn nứt vô cùng nhanh chóng.
Hình thành thói quen không tốt
Con người sinh ra không ai hoàn hảo, nhưng chúng ta cần hướng tới những điều hoàn hảo. Nhiều lần giận dỗi, mặt nặng mày nhẹ vô tình hình thành nên những thói quen không tốt trong đời sống hôn nhân có thể kể đến như: Cáu gắt, thiếu kiên nhẫn, mất kiểm soát… Mỗi khi gặp chuyện không vui, bạn chỉ biết nói lời chia tay cho hả lòng hả dạ ngay tại thời điểm ấy, còn hậu quả ra sau thì không cần biết.
Về lâu dài, chẳng ai muốn chung sống với một người khi biết trước họ ích kỷ, háo thắng, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.
Bạn không còn là người duy nhất
Mọi thứ đều có giới hạn, tình cảm cũng vậy. Nếu để những thói quen vô thưởng vô phạt ấy xuất hiện với tần suất quá dày đặc, ắt hẳn sẽ có ngày đối phương chán bạn. Khoảng cách từ nhàm chán, dẫn đến say nắng bên ngoài là rất ngắn. Hiếm có người đàn ông nào chịu đựng sự nhàm chán ấy cả đời.
Khi không còn là người “yêu nhất” và “duy nhất” trong cuộc sống vợ chồng, liệu bạn có giữ được người ấy bên bạn mãi mãi.
Mất đi tình cảm thực sự
Đến một lúc nào đó, khi lời chia tay không còn đủ sức nặng với đối phương thì thậm chí không cần bạn “lên tiếng”, chính họ sẽ là người chủ động đề nghị ly hôn. Sự rạn nứt này không hẳn rằng là do người ấy không còn tình cảm với bạn, cũng không phải vì họ đã hết yêu… mà chính vì thái độ của bạn làm cho đối phương cảm thấy không chịu đựng được.
Chia tay vì lý do này quả là không đáng chút nào, đúng không bạn?
Vợ chồng giận nhau là chuyện bình thường. Nhưng chỉ từ một gợn sóng nhỏ nhoi thôi cũng có khiến con thuyền hôn nhân của bạn chơi vơi giữa cơn giông bão. Khi đó, mọi yêu thương, sự chịu đựng và sẻ chia dành cho nhau đã cạn kiệt, bạn có sẵn lòng chèo lái con thuyền hạnh phúc nữa hay không? Hãy tự trả lời bản thân mình câu hỏi ấy, trước khi thốt lên lời chia tay bạn nhé!
Trong một vài trường hợp, sự im lặng là điều vô cùng cao quý. Bởi nếu cảm thấy không nói được lời tử tế, xin hãy vui lòng giữ lặng im. Mọi chuyện đều có cách giải quyết, tuyệt đối đừng vì nóng giận nhất thời mà buông những lời kết thúc tình yêu. Bạn sẽ không thể hiểu được những lời ấy có sức “công phá” khủng khiếp đến nhường nào, cho đến khi nó tình yêu của mình vỡ tan từng mảnh như quả cầu pha lê mong manh.
Tục ngữ có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”hàm ý nhằm nhắc nhở con người phải biết nghĩ trước, nghĩ sau và không bao giờ được phép cẩu thả với lời nói cìa mình. Nếu không làm được việc “uốn lưỡi bảy lần”, ít nhất bạn cũng nên suy nghĩ một lần trước khi vợ chồng đưa nhau vào cuộc khẩu chiến.
Tình yêu sẽ luôn luôn tươi đẹp, và hôn nhân sẽ không bao giờ “chết yểu” nếu bạn dừng ngay việc chỉ chăm chăm nghĩ đến những cảm xúc cá nhân. Mở lòng đặt vị trí của mình vào vị trí của người khác là cách duy nhất và ngắn nhất bảo toàn tình yêu.