Mẹ&Con - Vợ chồng tôi kết hôn 5 năm, có một cháu nhỏ 3 tuổi và đang dự tính năm sau sẽ có bé thứ hai. Thu nhập của hai vợ chồng không đều nhau. Tôi đi làm văn phòng, lương chỉ vừa đủ cho cá nhân chi dùng và dư thêm một chút (rất ít) để phòng thân. 7 cách tiết kiệm tiền đi chợ “Bầu” tham gia lớp học tiền sản

Mẹ & Con thân mến,

Vợ chồng tôi kết hôn 5 năm, có một cháu nhỏ 3 tuổi và đang dự tính năm sau sẽ có bé thứ hai. Thu nhập của hai vợ chồng không đều nhau. Tôi đi làm văn phòng, lương chỉ vừa đủ cho cá nhân chi dùng và dư thêm một chút (rất ít) để phòng thân. Lương của chồng tôi trái lại khá cao. Thế nhưng, từ khi mới lập gia đình đến giờ, anh đều nói thẳng là không muốn tôi tò mò cũng như đòi “quản” tiền của ảnh. Ảnh nói ảnh tự biết làm gì, kinh nghiệm sống nhiều hơn cả tôi chẳng lẽ lại cần tôi giúp cách… hướng dẫn chi tiêu, để dành tiền?!

Cứ thế, hàng tháng ảnh chỉ đưa cho tôi một khoản, đủ để tôi chi dùng tương đối thoải mái trong gia đình, song tháng nào cũng hết tháng ấy. Khi có con, ảnh đưa dư ra cho tôi mua sắm đầy đủ cho con chứ không bao giờ để con thiếu thốn gì. Song, vấn đề của tôi là tâm lý tôi luôn lo âu, khi không hề “quản” được túi tiền của chồng mình, chẳng được anh tin cậy giao cho tay hòm chìa khóa như các bà vợ khác vẫn được. Anh nói tôi trẻ người non dạ và dù tôi đã đôi lần thuyết phục anh vẫn nhất quyết không nghe theo. Tiền bạc của anh, ngoài những lo toan cho gia đình thì anh dùng vào việc đầu tư gì, cho ai mượn, để dành ra sao tôi đều không được biết. Khi tôi giận thì anh lại nói tôi nhìn lại xem tôi còn muốn cái gì, tôi có thiếu gì không, gia đình, con cái có thiếu gì không? Tôi hiểu anh quan tâm cho gia đình và vẫn rất chu toàn trách nhiệm. Nhưng tâm lý một người vợ lại hoàn toàn không được “có ý kiến” với tiền của chồng sao nó cứ bất an thế nào đấy, Mẹ & Con ạ. Mong chuyên gia tư vấn cho tôi lời khuyên.

Ngọc Linh (Quận 2)

 Ý kiến chuyên gia

Chị Linh thân mến!

Thật ra với các gia đình hiện đại, không nhất thiết lúc nào cũng là vợ quán xuyến, quản lý hết tiền bạc, tay hòm chìa khóa như xưa. Giờ, ai phù hợp hơn (giữa vợ và chồng) có thể là người đứng ra lo liệu việc ấy, hoặc cũng có thể giữa hai vợ chồng có sự thỏa thuận nhất định, tùy từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, dù chọn bất cứ cách nào, quan trọng nhất vẫn là cách ấy khiến cả hai vợ chồng cùng thoải mái, cảm thấy tin tưởng lẫn nhau. Tiền bạc vốn là thứ rất “nhạy cảm”. Nó luôn là một trong số những nguyên nhân hàng đầu đưa đến việc ly hôn (cùng với ngoại tình, vấn đề sức khỏe, mâu thuẫn với người thân…). Chính vì thế, khi chạm đến chuyện này, cả hai người trong cuộc đều cần hết sức tế nhị, tránh gây nên những hụt hẫng không đáng có, những “bức xúc” ngấm ngầm.

Chuyện của chị, có thể thấy anh xã chị là người biết lo cho gia đình và có trách nhiệm. Tuy nhiên, anh ấy chưa yên tâm về chị (thể hiện qua cách bảo chị “trẻ người non dạ”), cũng như hơi “ám ảnh” về chuyện phụ nữ quản lý chi tiêu (có thể nhiều người bạn hoặc người thân của anh ấy từng gặp phải trường hợp không hay khi… giao hết cho vợ giữ, dẫn đến anh ấy luôn tự nhủ mình sẽ làm điều ngược lại).

Để vượt qua điều này, bản thân chị cần cố gắng vui vẻ, chú ý đến cách ứng xử, lời ăn tiếng nói, cách xử trí công việc trong đời sống bình thường nhiều hơn, tạo cho anh ấy cảm giác yên tâm rằng chị rất chín chắn, khéo léo và kỹ lưỡng. Mặt khác, nên chủ động lập sổ chi tiêu gia đình, tạm thời bắt đầu bằng khoản tiền anh đưa chị hàng tháng để chi dùng và khoản tiền lương của chính chị. Hãy quản lý những khoản này thật rõ ràng, chu đáo, cho anh thấy rõ chị biết cách coi sóc, cân đối thu chi và công khai với anh chuyện ấy.

Đừng tự ái! Tin rằng một thời gian, cách làm ấy sẽ mưa dầm thấm lâu, khiến anh chịu chia sẻ với chị nhiều hơn (kể chuyện về các khoản đầu tư, tính toán cùng chị các kế hoạch lớn của gia đình…). Chị cũng nên chọn những dịp vui vui nói với anh quan điểm của mình: Ai giữ tiền không quan trọng (vợ hoặc chồng giữ đều được), miễn là cả hai tin tưởng nhau, bàn bạc, thống nhất cùng nhau.

Chúc chị vui và vượt qua được “khó khăn” này!

(Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh Dao)

Tags:

Bài viết liên quan