Tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh là tình trạng đầu bé nghiêng sang một bên còn cằm thì nghiêng sang hướng ngược lại. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vẹo cổ ở trẻ nhỏ.
Theo thống kê, cứ khoảng 250 trẻ thì có một bé bị vẹo cổ nghiêng đầu. Mặc dù là một bệnh lý lành tính, vẹo cổ để lâu ngày sẽ tăng nguy cơ gây ra biến chứng sức khỏe nghiêm trọng hơn. Do đó, cha mẹ cần chú ý để kịp thời phát hiện và điều trị tật vẹo cổ ở trẻ nhỏ.
Vẹo cổ ở trẻ sơ sinh là gì?
Tật vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ nhỏ còn được gọi là cổ xoay – trẻ thường chỉ nghiêng đầu xoay mặt nhìn về một phía. Tùy vào tình trạng vẹo cổ nặng hay nhẹ mà bạn cần phải chú ý quan sát mới có thể đoán được bé bị vẹo cổ. Mẹ cũng có thể thử quan sát các hình ảnh trẻ sơ sinh bị vẹo cổ để so sánh với tình trạng của con.
Nguyên nhân gây ra vẹo cổ ở trẻ sơ sinh
Tật vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ sơ sinh có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc một rối loạn sức khỏe nào đó.
Nguyên nhân do bẩm sinh hoặc chăm sóc có thể tự khỏi:
Do u cơ ức đòn chũm
Do có một khối u ở cơ ức – tức khối cơ nằm ở phía bên cổ (nối từ phía sau tai đến xương đòn gánh và xương ức của trẻ). Khối u khiến cơ bị co lại, giảm chiều dài và khiến cổ của bé bị kéo nghiêng qua một bên.
Thông thường, khối u này sẽ tự tan sau khi bé được 6 tháng tuổi và không gây nguy hiểm gì cho bé. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu quá 6 tháng bệnh chưa khỏi mà không được điều trị thì cơ sẽ bị co rút.
Tình trạng này dẫn tới biến dạng cột sống cổ, trẻ sẽ bị vẹo cổ vĩnh viễn và phải phẫu thuật mới có thể trở về tình trạng bình thường. Mẹ cần đặc biệt lưu ý tình trạng này nhé.
Do tư thế khi bé còn trong tử cung hoặc do chăm sóc
Bé có thể bị chật trong tử cung, do chấn thương trong quá trình sinh. Một số trường hợp do cách chăm sóc của người nhà khiến bé có thói quen chỉ nghiêng đầu về một phía thì trẻ cũng dễ bị vẹo cổ.
Nguyên nhân do các rối loạn sức khỏe:
- Lệch mắt: Bé phải nghiêng đầu để điều chỉnh góc nhìn do mắt bị lệch.
- Hội chứng Sandifer: Bé có thể nghiêng đầu để giảm triệu chứng đau dạ dày do viêm thực quản.
- Vẹo cổ bộc phát: Bé có thể nghiêng đầu do viêm nhiễm hoặc tổn thương ở khớp gáy.
- Hội chứng Grisel: Bé có thể nghiêng đầu do viêm khớp gáy sau khi phẫu thuật amidan ở trẻ hoặc xoang.
- Nhiễm trùng và thương tích: Trẻ nghiêng đầu vẹo cổ do có viêm nhiễm hoặc tổn thương ở các mô xung quanh vùng cổ gáy.
Ở một số bé chưa có khả năng kiểm soát đầu cổ tốt hoặc chậm phát triển vận động thì đầu bé cũng thường bị nghiêng về một bên.
Dấu hiệu nhận biết vẹo cổ ở trẻ sơ sinh
Tình trạng vẹo cổ ở trẻ sơ sinh nên được phát hiện sớm để theo dõi và can thiệp điều trị nếu cần thiết. Để phát hiện vẹo cổ ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan sát con và để ý các dấu hiệu sau:
- Trẻ chỉ nghiêng đầu về một hướng và cằm nghiêng sang hướng ngược lại
- Trẻ gặp khó khăn khi xoay mặt về bên không thuận. Tức là trẻ bị vẹo cổ bên phải thì đầu bé sẽ nghiêng phải trong khi mặt hướng về bên trái. Lúc này, các bé vẹo cổ bên phải sẽ gặp khó khăn khi xoay mặt về bên phải (thuận với đầu).
- Mẹ sờ vào vùng cổ sẽ thấy có khối u nhỏ nếu cơ ức đòn chũm của trẻ có vấn đề.
- Khi cho con bú, trẻ chỉ thích bú một bên ngực vì xoay đầu về bên ngược lại trẻ sẽ thấy khó chịu.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Cách điều trị vẹo cổ ở trẻ sơ sinh
Tùy vào nguyên nhân và mức độ vẹo cổ ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh lý này lành tính và có thể điều trị khỏi hoàn toàn nên bạn không cần quá lo lắng. Có thể kể đến các cách điều trị sau:
Kéo giãn cơ xương ức đòn chũm
Cách điều trị đơn giản nhất, phù hợp với hầu hết vẹo cổ ở trẻ sơ sinh. Những bài tập này sẽ giúp kéo căng cơ và giữ đầu bé ở tư thế thẳng trong sinh hoạt.
Cách này dành cho các bé dưới 6 tháng tuổi, lúc này xương và cơ của trẻ còn linh hoạt cao nên có thể chỉnh lại bằng các bài tập: Kéo cổ trẻ nghiêng về bên lành hoặc kéo mặt bé xoay về phía bệnh.
Lưu ý: Phải thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý xoay đầu trẻ khi cho con ngủ. Nếu không sẽ khiến bệnh nặng hơn hoặc chèn ép đường thở của bé.
Vật lý trị liệu
Các bài vật lý trị liệu giúp cải thiện kỹ năng vận động và điều chỉnh nếu tư thế của bé có sai lệch. Cha mẹ sẽ được hướng dẫn để tập các bài vật lý trị liệu uốn nắn và kéo dài cơ cổ của trẻ. Tỷ lệ thành công của phương pháp này thường trên 90% nếu tuân thủ phác đồ điều trị.
Đeo vòng cổ TOT (tubular orthosis for torticollis)
Vòng cổ TOT là loại dụng cụ đơn giản giúp cố định phần cổ của bé. Vòng cổ TOT tạo ra một áp lực nhẹ nhàng lên phía đối diện với hướng đầu bị nghiêng
Sau đó, nó nhẹ nhàng đưa cổ đến vị trí căn chỉnh chính xác bằng cách kéo căng cơ ức đòn chũm. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách lấy và tháo vòng cổ. Bé sẽ phải đeo vòng cổ trong một khoảng thời gian được quy định mỗi ngày.
Đa số các loại vòng cổ đều có thể giặt được vì chúng được làm từ nhựa hoặc vải. Vòng cổ TOT thường được khuyến khích sử dụng cùng với phương pháp tập vật lý trị liệu.
Thuốc tiêm Botox
Thuốc tiêm Botulinum, còn được gọi là Botox, giúp làm giảm sự căng cơ và giảm đau. Thuốc được tiêm trực tiếp vào cơ bị bệnh để làm yếu cơ và giúp đầu bé có thể xoay dễ dàng hơn. Thuốc tiêm Botox thường được sử dụng khi các phương pháp khác không hiệu quả hoặc khi bé đã lớn hơn 1 tuổi.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng khi các phương pháp khác không mang lại kết quả mong muốn. Phẫu thuật được thực hiện khi bé đã lớn hơn 1 tuổi và khi cơ xương ức đòn chũm bị co rút nặng.
Vẹo cổ ở trẻ sơ sinh là một tình trạng không hiếm gặp và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, cha mẹ nhớ hãy chú ý các dấu hiệu của vẹo cổ và đưa trẻ đi khám ngay khi nghi ngờ có vấn đề.