Vệ sinh vùng kín
Âm đạo của phụ nữ thường xuyên chứa nhiều vi khuẩn có ích. Những vi sinh vật này có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nhiều mầm bệnh, khiến cho khu vực này tự làm sạch một cách tự nhiên. Chính vì thế, rửa quá nhiều sẽ làm mất đi những vi sinh vật có ích. Sử dụng xà phòng, dung dịch tẩy rửa không phù hợp, cũng sẽ làm ảnh hưởng lớp da nhạy cảm và môi trường tự nhiên của âm đạo. Tốt hơn hết, bạn nên vệ sinh bằng nước sạch hoặc sử dụng một chất tẩy rửa dịu nhẹ để vệ sinh khi cần thiết.
Cần chú ý những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, như:
– Sau khi vệ sinh phải lau khô, sạch sẽ, không để ẩm ướt.
– Nội y thay ra phải giặt ngay, không giặt chung với quần áo người khác, không ngâm.
– Trong giai đoạn thai kỳ, nên ưu tiên dùng quần nội y bằng vải cotton. Nội y phải được phơi ngoài nắng cho mau khô.
– Có thể sử dụng băng vệ sinh hàng ngày nhưng đừng quá thường xuyên, vì sự khô thoáng tự nhiên luôn tốt nhất.
– Không thụt rửa bên trong vùng kín. Khi vệ sinh, luôn theo nguyên tắc từ trước ra sau, tránh làm ngược lại vì sẽ vô tình các vi khuẩn có hại từ hậu môn ra vùng kín. Không dùng vòi xịt mạnh, nghĩ sẽ làm sạch, vì có thể vô tình đưa vi khuẩn vào sâu bên trong, dễ làm nhiễm trùng âm đạo.
– Luôn hiểu rằng thuốc rửa phụ khoa chỉ sử dụng dài hạn theo chỉ định. Bình thường, bạn không nên lạm dụng dùng quá nhiều, quá thường xuyên và quá lâu bất kỳ một dung dịch nào cho vùng kín. Khi sử dụng thuốc rửa phụ khoa, nếu thấy vùng kín bị nóng rát, đỏ bất thường và khó chịu, bạn nên ngưng sử dụng ngay vì đó là dấu hiệu bạn đã bị dị ứng với một thành phần nào đó trong thuốc rửa.
– Tránh mặc quần nội y lẫn quần ngoài chật bó. Nên thay quần nội y ít nhất 2 lần/ngày để giữ vùng kín luôn khô ráo, sạch sẽ, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của các loại nấm và vi khuẩn.
– Trong giai đoạn mang thai, cần hết sức cẩn thận với nước tắm, nước rửa. Không sử dụng nước kém vệ sinh để tắm rửa. Hạn chế tắm bồn vì ngâm mình trong bồn có nguy cơ viêm nhiễm nhiều hơn so với tắm bằng vòi sen.
– Nếu có dấu hiệu bị viêm nhiễm như ngứa, dịch âm đạo có mùi hôi… thì nên báo ngay cho bác sĩ.
– Tránh gần gũi vợ chồng ở những tuần đầu mang thai và tháng cuối cùng, vì sẽ nguy hiểm tới thai nhi, có thể dẫn tới sinh non. Trước và sau khi gần gũi vợ chồng, cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Tốt nhất người chồng nên dùng condom (bao cao su).
Các bệnh về da
Trong giai đoạn mang thai, nhiều bà bầu vẫn sạch sẽ thơm tho, da mịn màng, tươi sáng. Ngược lại, một số khác trở nên rất “khổ sở” với làn da trở nên xám xịt, nổi đầy mụn của mình. Tình trạng ngứa cũng xảy ra.
Theo ước tính của các nhà khoa học, có khoảng 14% phụ nữ mang thai thường xuyên bị ngứa, đặc biệt từ ba tháng thứ 2 trở đi của thai kỳ. Ngứa khi mang thai có rất nhiều nguyên nhân như: những biến đổi về sinh lý, có sự căng giãn da hay rạn da do thai lớn dần, nổi sẩn kèm theo tăng sắc tố.
Tình trạng này thường được gọi là sẩn ngứa khi mang thai, các vị trí hay gặp nhất là vùng bụng, hai bầu vú do mô tuyến vú tăng sinh, cánh tay, mông, đùi thường do tích tụ mỡ, cẳng, bàn chân do sự đè ép của thai lên tĩnh mạch chủ dưới gây ứ trệ tuần hoàn chi dưới có thể bị phù chân. Ngoài ra, đổ mồ hôi nhiều cũng làm xuất hiện rôm sảy, đặc biệt ở những vùng kẽ, nếp gấp da như dưới vú, háng, cổ, gáy, ngực, lưng…
Đa số bệnh da trong thai kỳ là các bệnh có thể gặp ở bất cứ phụ nữ bình thường nào. Bệnh nhiễm chiếm tỉ lệ cao nhất (22.56%), nổi bật là mụn trứng cá (15.01%), kế đến là nhóm bệnh hắc tố (10.44%) và bệnh da dị ứng (6.23%).
Các việc bạn có thể làm để giữ vệ sinh về da nói chung bao gồm:
– Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, tốt hơn hết bạn nên tắm đầu ngày trước khi đi làm và tắm vào buổi chiều tối khi về đến nhà.
– Nước tắm cần sạch, ưu tiên tắm nước ấm bằng vòi sen.
– Cần thận trọng trong việc dùng các loại mỹ phẩm thời gian bầu bí. Nếu cảm thấy một sản phẩm (mỹ phẩm) nào đó không thể hiện rõ ràng là có thể sử dụng cho bà bầu, nên hỏi ý kiến bác sĩ.
– Thay đổi trang phục thường xuyên, chọn áo quần khô thoáng, rộng rãi, chất liệu thấm hút tốt mồ hôi để bảo vệ da.
– Tránh ra đường vào giờ cao điểm nhiều khói bụi và giờ nắng gắt (11h trưa đến 3h chiều). Nếu phải ra đường, nên có áo khoác che chắn cẩn thận da khỏi các tác nhân gây bệnh như bụi bặm, vi trùng, ánh nắng…
– Khi xuất hiện những cơn ngứa, lưu ý không được gãi, vì đặc thù ngứa trong thai kỳ càng gãi thì càng ngứa, càng gãi thì kích thích gây tăng sừng, tăng sắc tố khiến vùng đó dày lên trở thành mạn tính rất khó điều trị. Có thể giảm ngứa bằng cách chườm ấm, chườm lạnh hoặc trao đổi với bác sĩ nếu ngứa quá nhiều.
Tóc và răng miệng
Trong thời kỳ mang thai, bạn sẽ phải “đối mặt” với một nguy cơ chẳng dễ chịu chút nào, ấy là những vấn đề về tóc và răng miệng.
Trước tiên, răng và lợi của bạn bị suy yếu đi, do cơ thể có những thay đổi về hormone. Kế đến, bạn dễ bị viêm lợi, đau răng, chảy máu răng và… có mùi hôi với răng miệng nữa. Nguyên nhân thường gặp là do phụ nữ mang thai thường có cảm giác buồn nôn, thậm chí hay bị nôn mửa, gây ảnh hưởng đến men răng. Chưa kể bạn tăng cường nhiều đồ ngọt, đồ chua. Nếu chừng ấy thứ mà bạn đánh răng không thường xuyên, giữ vệ sinh răng miệng không tốt thì sẽ gây ra khá nhiều hậu quả cho chính mình (răng yếu, viêm nha chu, chưa kể mất tự tin vì hôi miệng).
Biện pháp cho những rắc rối này là nên nhớ đến nha sĩ lấy cao răng đều đặn, khám răng định kỳ, đánh răng hàng ngày tối thiểu 3 lần sau các bữa ăn. Có thể sử dụng nước súc miệng đặc chế.
Về tóc, khi mang thai, một số bà bầu do thay đổi hormone sẽ xuất hiện tình trạng rụng tóc, tóc khô xơ hoặc có gàu nhiều hơn, nhìn mất đi vẻ sạch sẽ của mái tóc óng mượt đầy sức sống như thời còn “son rỗi”. Bạn cũng thường mệt mỏi với chuyện bầu bí, cơ thể trở nên nặng nhọc ở những tháng cuối thai kỳ dẫn đến việc chăm sóc đầu tóc gặp nhiều hạn chế hơn.
Vài lời khuyên nhỏ dành cho bạn lúc này là hãy chọn một kiểu tóc ngắn, vì cắt tóc ngắn sẽ giúp bạn trông gọn gàng, việc giữ vệ sinh cho tóc cũng dễ thực hiện hơn (hãy để dành ý tưởng tóc dài lại sau khi bạn sinh nở xong, không muộn!). Tóc tai nên được gội thường xuyên, hàng ngày hoặc cách ngày mức độ bạn cảm thấy “khó chịu” nhé.