Vàng da ở trẻ sơ sinh có 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý.
Vàng da sinh lý
Phổ biến ở trẻ mới sinh, vàng da sinh lý xuất hiện từ ngày thứ 2 sau khi bé chào đời. Trẻ vẫn ngoan, ăn ngon, ngủ tốt và chứng vàng da cũng sẽ tự biến mất trong vòng 10 – 15 ngày. Chứng vàng da này thường xuất phát từ nguyên nhân tích tụ bilirubin xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trong khi đó, gan bé chưa hoàn thiện để lọc bỏ hết bilirubin ra khỏi máu dẫn đến vàng da.
Vàng da sinh lý ở trẻ sẽ tự biến mất trong khoảng 2-3 tuần. (Ảnh minh họa)
Vàng da bệnh lý
Chiếm tỷ lệ ít hơn, đây là tình trạng chất bilirubin tự do trong máu tăng quá cao. Da của trẻ có thể bị vàng ngay từ ngày đầu lọt lòng và không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 tuần. Nguyên nhân chính gây bệnh vàng da là bé có loại máu không phù hợp với nhóm máu của mẹ.
Các vùng da bị vàng của bé thường lan rộng rất nhanh, bắt đầu từ mặt rồi lan xuống toàn thân. Các dấu hiệu kèm theo như bé ngủ li bì, bú ít, sốt cao, nước tiểu trong và chỉ đi đại tiện 1 lần/ngày.
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh chỉ được can thiệp về y tế trong trường hợp có mức bilirubin quá cao, tiềm ẩn nguy cơ di chuyển đến não, gây hư hại não.
Có hai phương pháp thường được sử dụng để điều trị vàng da bệnh lý cho trẻ sơ sinh là chiếu đèn và truyền máu. Với phương pháp đầu tiên, bé sẽ được nằm trong lồng chiếu đèn giúp chuyển bilirubin thành một dạng dễ phân hủy, hỗ trợ gan xử lý dễ dàng hơn.
Nếu bé có nguy cơ bị nhiễm độc bilirubin cao, bác sĩ có thể xem xét biện pháp truyền máu. Trong đó, một phần máu của bé sẽ được thay thế để giảm bớt nồng độ bilirubin. Hầu hết các bé đều đáp ứng rất tốt với việc chữa trị và có thể mau chóng hồi phục trở về nhà.
Lưu ý: Ranh giới giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh rất nhỏ. Do đó, để đảm bảo bé khỏe mạnh và xác định đúng loại vàng da của trẻ thì mẹ nên đưa bé đến bệnh việc để được khám, xét nghiệm hàm lượng bilirubin ở mức độ nào, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời. Mẹ đừng quá chủ quan với vàng da ở trẻ sơ sinh khi bé vẫn ăn và chơi bình thường.