1. Bé có thể vận động từ lúc nào?
Từ khoảng 2 tháng tuổi trở đi, bé đã có thể tập thể dục được. Các động tác massage và thể dục sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hình thành các kỹ năng vận động và quá trình trao đổi chất ở bé. Bạn có thể xoa từ bàn tay lên bả vai rồi từ bàn chân lên đùi cuà bé. Tránh xoa đầu gối và gây chấn động mạnh trong các khớp xương cũng như bạn nên chú ý cẩn thận khi massage vùng bụng của bé. Khi đi vững và phát triển hơn, bé có thể làm quen với những vận động cao hơn như chạy, nhảy, thể dục nhịp điệu…
Mỗi ngày, bạn nên dành ra khoảng 1 giờ đồng hồ để bé vận động, chơi đùa. Bạn có thể cho bé vận động ở vỉa hè trước nhà, sân trường, công viên hoặc chỉ là một bãi sân trống. Tốt nhất, bạn nên để bé vui chơi ngoài trời, bé sẽ tự luyện tập những kỹ năng vận động cần thiết. Đơn giản là vì bé không thể chạy, nhảy, leo trèo trong nhà được! Nếu có những dụng cụ khác, chẳng hạn như một quả bóng hay chiếc xe đạp được thiết kế dành cho trẻ em, bé sẽ thích thú với việc vận động hơn.
2. Tạo thói quen vận động cho bé
Cũng như những thói quen khác, thói quen vận động của bé cũng sẽ ảnh hưởng từ bạn và những người xung quanh. Bạn có thể tận dụng thời gian rảnh của mình để tập thể dục cùng bé, chẳng hạn đi bộ tới cửa hàng bách hoá gần nhà hay khuyến khích bé nhún nhảy theo một điệu nhạc thiếu nhi sôi động. Để hình thành thói quen, vào mỗi cuối tuần, cả gia đình bạn nên đến bổ bơi, công viên hoặc cắm trại ở ngoại thành để bé được vận động một cách thoải mái. Bạn có thể tham khảo ý kiến của con xem bé thích đi đâu, chơi những trò gì để bé cảm thấy vui thích nhất khi được vận động như thế.
Ngoài các thành viên trong gia đình, bạn có thể mời thêm gia đình hàng xóm có con trong độ tuổi của bé hoặc bạn bè của bé cùng tham gia. Bạn sẽ thấy bé hào hứng hơn khi có bạn cùng chơi. Lưu ý là bạn phải để mắt đến bé trong lúc chơi các trò chơi vận động để đảm bảo an toàn cho bé đấy nhé!
3. Chương trình thể dục mỗi ngày
Một giờ đồng hồ tập thể dục mỗi ngày không phải là quá nhiều với bé vì thường bé hoạt động theo kiểu ngẫu hứng chứ không thể chú tâm tập liên tục như người lớn được. Với lượng thời gian đó, bạn có thể rải đều vận động của bé trong ngày. Đừng ngần ngại cho bé vận động bất cứ khi nào bé muốn, ngoại trừ lúc ăn. Tốt nhất, bạn nên sắp xếp sao cho hứng vận động của bé thích hợp với thời gian rảnh của bạn, ví dụ như vừa đi làm về, thấy bé chạy ra đón, bạn có thể nhân đó dẫn bé đi dạo chừng 10 phút quanh khu nhà. Những hoạt động khác mà bạn có thể kết hợp một công đôi chuyện để đưa vào “tiết tập thể dục” của bé: Cùng bé rửa xe, chăm sóc cây, lau cửa, xếp bàn ghế…
Nếu bé lớn hơn một chút, bạn có thể mua cho bé những dụng cụ thể thao để luyện tập hàng ngày như cầu lông, giày trượt patin hay xe đạp, bóng rổ, dây để nhảy… Có thể rủ vài bạn của bé cùng chơi để khuyến khích bé luyện tập định kỳ.
4. Đăng kí một lớp học thể dục
Khi đã bắt đầu có hứng thú với các môn thể thao, bạn có thể đăng kí cho bé học một lớp bài bản hoặc tham gia các câu lạc bộ thể thao trong Nhà Thiếu nhi Quận. Đó có thể là môn bơi lội, thể dục nhịp điệu, đàn, múa hay bóng đá… tùy theo sở thích và khuynh hướng hoạt động tập thể hay cá nhân của bé. Bạn nên xem xét thời khóa biểu của bé và sắp xếp thời gian học cho phù hợp. Tránh để sự vận động này làm kín thời gian nghỉ ngơi của bé hoặc làm bé trở nên mệt mỏi sau những giờ học ở trường.
Những ngày đầu, bạn có thể tham gia lớp học để xem bé có khó khăn gì hay có thích hợp được với lớp hay không. Cần đảm bảo an toàn về các dụng cụ học, chương trình tập luyện cũng như để bé tự yêu thích luyện tập thì sự vận động mới được thoải mái và đạt hiệu quả cao! Với những môn đòi hỏi sự vận động nhiều như điền kinh, trước khi đăng kí, bạn nên cân nhắc xem nó có phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi bé yêu của mình không nhé! Cho bé làm quen với những môn vận động từ bé, bạn sẽ hình thành phản xạ nhanh nhạy cho bé về sau.
5. Những ích lợi từ sự vận động
– Năng vận động, bé sẽ có khả năng tư duy tốt hơn trong các môn học như Toán, tiếng Anh, các môn Khoa học và xã hội.
– Giúp bé kiểm soát được trọng lượng cơ thể, tim khoẻ mạnh và giảm nguy cơ các bệnh táo bón, tiểu đường, đột quỵ, cao huyết áp về sau.
– Khi vận động, cơ thể tiêu hao năng lượng và chuyển hóa đường tốt, giúp bé ăn uống điều độ, giấc ngủ sâu hơn.
– Cơ thể dẻo dai, các động tác của cơ thể linh hoạt, chính xác và một điều quan trọng nữa là nếu giữ thói quen tập thể dục thường xuyên cho bé, bạn có thể làm chậm quá trình lão hoá ở bé lúc trưởng thành.
6. Lưu ý
Trong quá trình vận động của bé, bạn cũng nên chú ý đến những điều sau để việc luyện tập không bị phản tác dụng:
– Nên để bé vận động sau khi ở trường về và trước bữa ăn tối.
– Giúp bé tập luyện đúng động tác để có kết quả tốt. Cần vận động một cách từ từ, tránh sự đột ngột hay quá sức. Để an toàn, bạn cần đảm bảo bé thực hiện các động tác khởi động đầy đủ và không tắm nước lạnh khi mới tập xong vì sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ của bé.
– Tạo cơ hội cho bé tham gia vào các hoạt động thể thao tập thể, chẳng hạn như đăng kí các cuộc thi thể thao dành cho thiếu nhi trong trường.
LÊ HÀ