Mẹ&Con – Đối với trẻ nhỏ, chất béo (lipit) đóng vai trò hết sức quan trọng: Kiến tạo màng tế bào, màng các bào quan, tham gia cấu tạo phần lớn cấu trúc của hệ thần kinh, đảm bảo cho sự phát triển trí tuệ. Đây cũng là chất tạo nên sự mũm mĩm, đáng yêu của trẻ con.
Để cơ thể khỏe mạnh và đảm bảo sự phát triển trí tuệ thì yếu tố dinh dưỡng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh chất đạm, chất xơ và tinh bột thì chất béo cũng đóng một vai trò không kém. Sẽ thật sai lầm khi nhiều người vẫn còn quan niệm rằng không nên ăn chất béo vì khiến cơ thể thừa cân, béo phì, từ đó dẫn đến hàng loạt các căn bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, tăng huyết áp… Chính quan niệm sai lầm ấy đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sức khỏe chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Vai trò của chất béo với sự phát triển của cơ thể
Chất béo bao gồm dầu, mỡ, bơ… là một trong 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu, không những cung cấp năng lượng cho sự phát triển và tăng trưởng rất nhanh của trẻ, mà còn tham gia vào các quá trình sinh hóa của cơ thể và cấu trúc của hệ thần kinh.
Chất béo lại là dung môi rất tốt hòa tan các nhóm vitamin A, D, E, K. Trẻ muốn hấp thụ các loại vitamin trên cần phải có dầu mỡ.
Mẹ có biết rằng 1g chất béo sẽ sản sinh ra 9kcal. Trong khi đó, 1g chất đạm hoặc tinh bột chỉ sản sinh ra 4kcal mà thôi.
Chất béo – Nguyên liệu cấu tạo nên 60% tổ chức não bộ
Chất béo là thành phần quan trọng của màng tế bào thần kinh và là nguyên liệu cấu tạo nên 60% tổ chức não bộ, đảm bảo cho sự phát triển trí tuệ ở trẻ. Có nhiều loại chất béo rất cần thiết cho não bộ như Omega – 3, Omega – 6.
• Omega 3 vẫn được biết đến với một loại thông dụng là DHA, là axit béo có rất nhiều trên não bộ. Vì thế axit này được coi là axit béo của thần kinh, giúp não bộ bình thường hóa về mặt chức năng. Nhất là khả năng trí nhớ và nhận thức. Nó còn có công dụng bảo vệ sức khỏe, hạ thấp cholesterol, làm tăng hàm lượng các lipoprotein tỉ trọng cao.
• Omega 6 có tác dụng duy trì chức năng bình thường của não bộ, giúp thai nhi phát triển bình thường, đồng thời giúp hệ da, lông, tóc, móng của trẻ em được phát triển tốt. Omega 6 còn có tác dụng tham gia vào điều hòa chuyển hóa và cải thiện triệu chứng của một số bệnh như tăng động, giảm chú ý ở trẻ em.
Theo Bác sĩ Emma Derbyshire, chuyên gia dinh dưỡng trẻ em hàng đầu Anh quốc cho biết: “60% não chúng ta là chất béo. Trong đó, các chất béo thuộc nhóm omega sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến chức năng và hoạt động của não. Tất cả các cuộc nghiên cứu của chúng tôi đều cho thấy rằng những trẻ ăn một lượng omega-3 hoặc omega-6 nhất định thì sẽ có khả năng nói, đọc chữ và sự tập trung phát triển đáng kể”.
“Ngoài ra, các axit béo này cũng làm cho trẻ giảm đi sự hiếu chiến và ham chơi nên chúng sẽ tập trung học hơn. Vì thế, việc bổ sung các loại axit béo sẽ là bước tiến quan trọng trong việc cải thiện trí não của trẻ, nhất là đối với những em đang gặp rắc rối với bài vở ở trường học”, bà Emma Derbyshire cho biết thêm.
Sử dụng chất béo cho trẻ như thế nào cho hợp lý và hiệu quả?
• Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, thức ăn chủ yếu là sữa mẹ, vì trong sữa mẹ có rất nhiều chất béo, đủ cho trẻ phát triển nên hầu như phụ huynh không cần bổ sung chất béo từ bên ngoài cho trẻ trong giai đoạn này, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.
• Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, trẻ bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm. Mẹ nên bổ sung chất béo thường xuyên vào khẩu phần ăn của trẻ bằng cách sử dụng các loại dầu.
Để đảm bảo năng lượng cho sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên cân đối lượng chất béo trong khẩu phần ăn của con. Theo đó, chất béo có nguồn gốc động vật 30 % và chất béo có nguồn gốc thực vật từ dầu ăn 70%.
Sở dĩ chất béo thực vật được “ưu ái” bởi các nghiên cứu đều khẳng định, trong đa số các loại dầu ăn có chứa một thành phần chất béo quý rất tốt cho sức khỏe, đó là chất béo chưa bão hòa có khả năng giảm làm cholesterol LDL và tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt), giảm nguy cơ tim mạch. Với trẻ em, dầu ăn chứa chất béo giúp bé hấp thu tốt các loại vitamin, giúp bé phát triển toàn diện.