Mọc răng là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành thêm một bậc nữa của trẻ. (Ảnh minh họa)
Mọc răng là một trong những sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển, đánh dấu sự trưởng thành thêm một bậc nữa của trẻ với nhiều biểu hiện khiến bố mẹ lo lắng. Một trong những dấu hiệu đầu tiên giúp bạn nhận biết con mọc răng chính là vào khoảng tháng thứ 6 (một số trẻ sẽ mọc răng sớm hoặc muộn hơn so với cột mốc này) con có sốt nhẹ, thân nhiệt đo được vào khoảng 37-38 độ C. Ngoài ra, bé còn có những biểu hiện đi kèm như chảy nước dãi, thích mút tay hay cắn vật cứng. Bên cạnh đó, trẻ có một số dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa nhẹ như tiêu phân hơi lỏng 3-4 lần/ngày.
Khi kiểm tra nướu của con, bạn sẽ thấy chúng cứng hơn hoặc sưng đỏ, sờ vào thấy cộm nhẹ. Khoảng 2-3 ngày sau đó, khi chiếc răng đầu tiên nhú lên, con sẽ bớt sốt, các triệu chứng đi kèm cũng giảm dần rồi biến mất. Lúc này, hãy cứ yên tâm chăm sóc con tại nhà.
Tuy nhiên, nếu ngược lại bạn cứ thấy con sốt kéo dài, không “đính kèm” các biểu hiện của việc mọc răng như đã đề cập ở trên, hãy nhanh chóng đưa con đến bác sĩ để kiểm tra nhé.
Lưu ý khi bé yêu mọc răng
– Khi mọc răng, cơ thể bé yêu cần nhiều canxi để hỗ trợ cho sự phát triển của răng. Vì thế, mẹ nên tăng cường khoáng chất này trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày như bổ sung sữa, sữa chua, phô mai….
– Nếu bé bị sốt hay tiêu chảy sẽ dễ bị mất nước, mẹ nên tăng cường sữa mẹ và nước. Đồng thời, đừng quên dùng tăm bông sạch thấm ướt môi để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
– Chú ý vệ sinh răng miệng thật kỹ lưỡng: cho bé tráng miệng bằng nước lọc sau khi ăn, lau sạch nước miếng chảy ra. Dùng gạc mềm thấm nước ấm nhẹ nhàng lau và mát-xa nướu cho bé, đặc biệt là sau khi bé ăn hay uống sữa.
– Kiểm tra các vật dụng bé có thể tiếp xúc, tránh đồ đạc có hình khối sắc nhọn, quá cứng kẻo làm tổn thương nướu khi bé gặm.
Theo sự tư vấn của Th.s BS Hoàng Thị Tín (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1).