Mỗi lần chỉ nên cho con ăn khoảng 100g quả vải tươi, tương đương với 5-6 quả. (Ảnh minh họa)
Ở Bihar (Ấn Độ) đã từng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ đang khỏe mạnh nhưng đột nhiên bị động kinh và mất ý thức. Hầu hết những đứa trẻ nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, có cơn co giật vào buổi tối hoặc sáng sớm. Điều đáng chú ý là một phần ba trong số những trẻ bị động kinh, mất ý thức đã tử vong khiến mọi người vô cùng hoang mang, lo lắng.
Sau khi sự việc xảy ra, các nhà khoa học đến từ Mỹ và Ấn Độ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân gây nên căn bệnh “khó hiểu” trên. Cuối cùng, họ cũng đã tìm ra nguyên nhân làm chết hơn 100 trẻ em mỗi năm là do bọn trẻ đã ăn quả vải quá nhiều trong khi bụng vẫn còn đói. Đồng thời, các nhà khoa học cũng cho biết thêm, một số chất được tìm thấy trong quả vải thiều, đặc biệt là trái non chưa chín chứa một axit amin ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Theo các bậc phụ huynh ở những nơi trẻ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh “bí ẩn” cho biết, thời gian khoảng tháng 5, tháng 6 mỗi năm, khi đến mùa vải trẻ nhỏ thường xuyên ăn vải cả ngày. Thậm chí, bọn trẻ còn ăn quả vải vào buổi tối nên việc ăn các bữa chính trong ngày đã không còn hứng thú nữa.
Theo đó, các axit amin được tìm thấy trong nhiều loại quả thuộc họ Soapberry bao gồm quả vải, chôm chôm nhãn… Vì thế, để bảo vệ sức khỏe, các nhà nghiên cứu khuyến cáo mọi người nên giảm thiểu việc tiêu thụ quả vải. Đặc biệt là trẻ em, mẹ cần phải đảm bảo rằng con ăn tối trước khi ăn vải, không cho con ăn vải quá nhiều, tránh ăn vải non chưa chín. Mẹ nên nhớ, mỗi lần chỉ nên cho con ăn khoảng 100g quả vải tươi, tương đương với 5-6 quả.
Trường hợp mẹ thấy con xuất hiện một vài triệu chứng bất thường sau khi ăn quả vải hoặc ăn vải quá nhiều thì cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được điều chỉnh lượng đường huyết. Đồng thời ngăn ngừa các tổn thương kéo dài, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ và rối loạn chuyển động.
Từ sự việc này, các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo đến các nước có trồng vải nhiều ở khu vực Đông Nam Á như Bangladesh và Việt Nam.