Mẹ&Con – Nhắc đến những nguy cơ có thể xảy ra cho “bầu”, không thể không đề cập tới tuyến giáp. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, có khoảng 4% thai phụ ở các nước phát triển bị rối loạn chức năng tuyến giáp (suy giáp hoặc cường giáp). Ở Việt Nam, do nằm trong vùng bị thiếu i-ốt nên tỷ lệ thai phụ mắc bệnh tuyến giáp còn cao hơn nhiều.

Nhiều bà bầu lơ là với việc này, vì nghĩ đơn thuần tuyến giáp chẳng qua là… bướu cổ, có gì đâu “nghiêm trọng”(!). Tuy nhiên, xin khẳng định ngay để bạn biết: Bệnh về tuyến giáp nếu xảy ra trong giai đoạn thai kỳ không được phát hiện và xử trí kịp thời thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả người mẹ lẫn thai nhi.

Ngoài ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và con thì tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý về tuyến giáp trước khi mang thai còn có ý nghĩa đảm bảo cho những đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và có trí tuệ tốt.

Bạn biết gì về tuyến giáp?

Tuyến giáp nằm trước cổ, có hình con bướm. Tuyến giáp tiết ra nội tiết tố giáp có tác dụng điều hòa chuyển hóa năng lượng, sự tăng trưởng của cơ thể, sự phát triển hệ thần kinh tâm thần… Suy giáp hay cường giáp lúc mang thai đều không có lợi cho bà mẹ và thai nhi.

Gặp “trục trặc” về tuyến giáp, mà điển hình là suy giáp trong vòng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ rất nguy hiểm cho thai nhi. Nguyên nhân là tuyến giáp thai nhi chỉ được hình thành, bắt đầu hoạt động ở tuần thứ 10-12 của thai kỳ. Có nghĩa là trong thời kỳ này, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào hormone tuyến giáp của mẹ.

Nếu mẹ bị suy giáp thì con cũng bị suy giáp theo. Hormone tuyến giáp lại có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, phát triển của các tế bào, các tổ chức, cơ quan… cũng như sự phát triển của não bộ. Những trẻ bị suy giáp bẩm sinh như vậy sẽ có những bất thường về thể lực, trí tuệ (chậm lớn, kém hoạt động, đần độn).

Thế đấy, bạn sẽ không thể thờ ơ với cụm từ tuyến giáp nữa, nếu như biết rằng chuyện suy giáp của mẹ có thể dẫn đến cả những nguy cơ như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, nhau bong non. Ngược với suy giáp là cường giáp, cũng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như sảy thai, thai nhẹ cân, tiền sản giật, sinh non… Đặc biệt, một cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ có thể đưa đến tỷ lệ tử vong  mẹ và con lên đến… gần 100%!

tuyến giáp ở thai phụ

Ảnh minh họa

Nguy hiểm là thế, nhưng hiện nay ở Việt Nam, việc tầm soát để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về tuyến giáp lại rất bị… thờ ơ! Nhiều thai phụ, thậm chí còn chưa từng nghe đến những cụm từ như “suy giáp”, “cường giáp”, hiểu rất mơ hồ rằng bệnh lý về tuyến giáp chẳng qua là… bướu cổ, cũng chẳng ảnh hưởng!!!

Bạn nên biết rằng phụ nữ rất dễ gặp vấn đề với tuyến giáp và không phải đợi đến khi cổ… phình to ra một “cái bướu” thì mới coi đấy là bệnh lý về tuyến giáp. Bạn nhất thiết phải kiểm tra về tuyến giáp, đặc biệt trong trường hợp trong gia đình có người bị bệnh về tuyến giáp, từng được chẩn đoán trước đó (có thể đã chữa khỏi) các bệnh như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp…

Để xác định có gặp vấn đề về tuyến giáp hay không, bạn sẽ được các bác sĩ khám lâm sàng kiểm tra bướu cổ, làm xét nghiệm máu các hormon FT4 và TSH, siêu âm tuyến giáp… Ngay khi được chẩn đoán có bệnh về tuyến giáp, bác sĩ sẽ cân nhắc tình hình để điều trị bằng thuốc, đưa nồng độ hormon giáp về bình thường càng nhanh càng tốt. Một điều rất may mắn cho bạn là các thuốc điều trị bệnh về tuyến giáp (cả hai loại suy giáp và cường giáp) đều không đắt và an toàn cho thai nhi.

Nguy hiểm không nằm ở thuốc uống vào (theo đúng chỉ định) hay ở quá trình điều trị, mà ở chỗ người mẹ không phát hiện kịp thời, để mang thai những tháng đầu tiên ngay trong giai đoạn đang gặp vấn đề về tuyến giáp. Như đã nói, cả hai trường hợp cường giáp và suy giáp đều làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non.

Chưa kể, trẻ em có mẹ bị suy giáp mà không được điều trị trong khi mang thai có chỉ số thông minh IQ thấp hơn rất nhiều so với các bé mà mẹ có chức năng tuyến giáp bình thường khi mang thai. Còn với cường giáp thì nồng độ hormone thyroxin trong máu mẹ rất cao.

Thyroxin gây ra các triệu chứng điển hình như: tay run, nhịp tim nhanh, mạch nhanh, mắt lồi, nặng hơn nữa là suy tim. Thyroxin đi vào máu thai, tạo ra nồng độ cao trong máu thai, dẫn đến tăng nhịp tim thai, thai nhỏ hơn so với tuổi, có thể sảy thai, sinh non, thai chết lưu, dị tật, dị dạng thai.

Nhưng nguy hiểm nằm ở chỗ…

Bạn cần biết thêm một yếu tố quan trọng nữa là các triệu chứng bệnh về tuyến giáp lại rất giống với… ốm nghén (mệt mỏi triền miên, khó ăn, khó ngủ, có thể khó thở…), nên nhiều thai phụ mang thai lần đầu không hề nhận ra!

Chính vì điều này, lại phải nhắc bạn thêm lần nữa là trước khi có ý định mang thai, việc đi khám sức khỏe tổng quát nói chung và kiểm tra bệnh lý tuyến giáp nói riêng rất quan trọng, do các triệu chứng bệnh thường kín đáo và khó nhận biết theo cách thông thường. (Chỉ xin cung cấp ở đây một số triệu chứng mang tính điển hình để bạn chú ý nhiều hơn.

Ví dụ như nếu suy giáp, bạn hay có những cảm giác dễ mệt mỏi, da khô, tăng cân, phù ở vùng quanh hố mắt. Ngược lại, nếu bị cường giáp, bạn hay gặp các dấu hiệu như luôn thấy nóng bức, không tăng cân tuy vẫn ăn uống bình thường, tăng nhịp tim cả khi nghỉ, tay bị run rẩy, cảm giác luôn bứt rứt, hồi hộp, lo âu…).

Thêm một câu hỏi đặt ra là nếu đã kiểm tra cẩn thận rồi nhưng chẳng may đến khoảng giữa thai kỳ (tức đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất, 13 tuần đầu thai kỳ), bệnh về tuyến giáp lại bộc phát thì làm thế nào, có thể vượt qua không, có thể giữ lại bé không?

Trong trường hợp đó, xin nói để bạn yên tâm phần nào là như phía trên đã có nhắc thoáng qua, bệnh lý về tuyến giáp ở mẹ có thể vẫn an toàn với bé nếu được bác sĩ chuyên khoa nội tiết và sản khoa theo dõi chặt chẽ, thực hiện các xét nghiệm hormon tuyến giáp trong suốt thời kỳ thai nghén và điều trị tích cực theo từng tình hình của bệnh nhân. Song tất nhiên, cách tốt nhất vẫn là bạn nên… tiếp tục theo dõi các bài kế tiếp của chuyên đề này, để chắt lọc ra cho mình những kiến thức cần thiết, phòng bệnh hơn chữa bệnh!

Tags:

Bài viết liên quan