1. Thay đổi của cơ thể
Có thể sẽ xuất hiện vài dấu hiệu “khó chịu” ở giai đoạn cuối cùng này. Ví dụ như bạn sẽ bị sưng phù. Mắt cá chân và bàn chân sưng húp lên, đi bộ hay đứng lâu một chút cũng thật khó khăn. Vùng khoang chậu thì có cảm giác nặng nề và… tắc nghẽn. Em bé có vẻ như đã xuống rất thấp và bạn cảm nhận rõ rệt về một khối rắn hơn 4kg (gồm em bé, nhau thai và nước ối) trì nặng ở bên dưới, chỉ chờ để được ra.
Bạn cũng sẽ phải đi tiêu thường xuyên hơn, do áp lực của em bé đè lên ruột dưới và trực tràng làm cho bạn không còn nhiều chỗ để tích lũy chất thải nữa. Bạn cũng sẽ cảm thấy có nhu cầu đi tiểu thường hơn, vì bàng quang cũng không còn nhiều chổ trống để chứa.
Trong tuần cuối, xương, cơ và khớp tiếp tục giãn. Dây chằng ở xương chậu của bạn cũng sẽ giãn ra để xương chậu có thể mở rộng trong lúc sinh nở. Bạn có thể thấy xuất hiện dấu hiệu đau lưng, khó tìm được tư thế ngủ thoải mái.
Cổ tử cung của bạn giãn nở. Hiện tượng này có thể xảy ra nhiều tuần, nhiều ngày hoặc nhiều giờ trước khi sinh. Nút nhầy trước kia đóng kín tử cung để ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong giờ mở ra. Thỉnh thoảng, bạn thấy âm đạo tiết ra dịch nhầy có lẫn chút máu. Đó là do lúc này máu đang căng đầy ở cổ tử cung của bạn và một ít rò rỉ ra bên ngoài. Tình trạng này khá phổ biến nên không có gì đáng ngại cả đâu.
Đừng lo khi thai ít máy hơn!
Tuần cuối cùng, tử cung của người mẹ không còn không gian cho bé quẫy đạp như trước, bé sẽ ít hoạt động hơn. Do đó, nếu thấy bé ít máy hơn bình thường bạn cũng đừng lo lắng. Chỉ cần đến ngay bác sĩ khi phát hiện bé không cử động trong vài giờ liên tục và đã dùng nhiều cách để kích thích sự “trả lời” của bé nhưng không có tín hiệu hồi đáp.
2. Biến chuyển về cảm xúc
Cảm giác của mỗi phụ nữ trong tuần cuối của thai kỳ rất khác nhau. Một số khá thoải mái, tự tin. Một số thường xuyên lo lắng và căng thẳng. Số khác thấy dễ xúc động. Bạn cũng sẽ nảy ra rất nhiều thắc mắc nếu như sát ngày dự sinh rồi vẫn… chưa thấy gì! Không sao, thực tế là có khi bạn phải chờ thêm cả tuần nữa đấy!
Đến tuần cuối cùng của thai kỳ, bạn cần được theo dõi hết sức cẩn thận. Thông thường, bạn sẽ được theo dõi các chỉ số sinh lý, kiểm tra các kết quả đo tim thai và độ co thắt tử cung thường xuyên.
Những lo lắng trong tuần cuối thai kỳ khiến giấc ngủ của bạn có thể chập chờn. Ngoài ra, bạn rất mệt mỏi khi cứ phải trả lời những câu hỏi thăm đại loại như bao giờ sinh, sao vẫn chưa sinh nhỉ…!!! Một số bà bầu bỗng dưng dễ nổi cáu trong tuần lễ cuối cùng này với những câu hỏi “linh tinh” như vậy. Cách tốt nhất cho bạn là hãy hạn chế giao tiếp, hạn chế ra nơi công cộng (vì bạn có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào), đơn giản là nghỉ ngơi và thư giãn, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trọng đại đến gần.
3. Dinh dưỡng trong tuần cuối
Lúc này, cho dù bạn có “phát hoảng” khi nhận ra cơ thể mình quá xồ xề, cho dù bạn quá mệt mỏi, ngán ngẩm khi nhìn thấy những ly sữa, những chén cơm thì lời khuyên cho bạn là bạn vẫn… cần phải ăn thôi!
Đừng quên, nhiệm vụ “làm mẹ” của bạn không chỉ dừng lại sau khi sinh bé ra. Nếu chế độ dinh dưỡng của bạn lúc này không tốt, cộng thêm việc mất máu, tiêu hao nhiều sức lực sau kỳ vượt cạn, bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Các nhóm thực phẩm cơ bản vẫn phải được đảm bảo đầy đủ là nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn…, nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ…, nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc…, nhóm vitamin – chất khoáng gồm: rau xanh và quả chín.
Nếu chán ăn, hãy động viên mình, chia nhỏ bữa ăn, mỗi bữa ăn một ít nhưng ăn nhiều bữa hơn, để đảm bảo cung cấp đủ lượng dưỡng chất cần thiết, đồng thời không tạo cảm giác đầy bụng, không gây áp lực lên thành bụng và dạ dày.
Tránh!
– Tránh thức ăn quá cay, quá mặn gây kích thích.
– Tránh các loại nước ngọt có ga, thức uống giải khát đóng chai vì hàm lượng đường trong các loại nước này thường rất cao.
– Tránh uống nước đá vì dễ gây co thắt huyết mạch.
4. Nhận biết dấu hiệu chuyển dạ
Nếu bạn nhận thấy có nhớt hồng ở đáy quần nội y thì đây chính là dấu hiệu cho thấy ngày sinh của bạn đã đến rồi. Tuy nhiên, không cần quá khẩn trương đâu, trừ khi bạn ra dịch rất nhiều thì mới cần đến ngay bệnh viện.
Một dấu hiệu khác báo hiệu thời khắc quan trọng đến gần là xuất hiện các cơn gò theo kiểu đau bụng kinh với mức độ nặng dần. Tần suất của các cơn gò có thể 20-30 phút/cơn.
Hãy bình tĩnh lấy các túi đồ dùng đã thu xếp sẵn, thông báo cho người thân và chọn phương án di chuyển đến bệnh viện một cách an toàn. Khi đến bệnh viện, bạn sẽ được thăm khám tại phòng cấp cứu sản khoa. Nếu bạn đã có hồ sơ sinh thì các bước thăm khám sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Trường hợp chưa có, bạn sẽ được đo thân nhiệt, huyết áp, làm môt số xét nghiệm máu và nước tiểu.
Bạn cần nằm yên một chỗ để bác sĩ thực hiện việc theo dõi tim thai. Cứ 20-30 phút họ sẽ kiểm tra tim thai một lần. Nếu mọi chỉ số đều tốt thì bạn có thể tiếp tục hoạt động bình thường cho đến khi sinh. Bên cạnh đó bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ liên tục khám để kiểm tra cổ tử cung của thai phụ đã mở bao nhiêu phân và quyết định đưa bạn lên bàn sinh. Đừng sợ hãi và đừng quá căng thẳng! Hãy tự nhủ mọi việc rồi sẽ ổn và bạn sẽ nhanh chóng được gặp bé yêu thôi!