Mẹ&Con - Tưa miệng là một bệnh nhiễm nấm xuất hiện ở niêm mạc miệng. Loại nấm này bình thường có thể thấy ở những trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở trẻ khỏe mạnh nó không gây bệnh vì sức chống đỡ của cơ thể tốt. Còn ở những trẻ sinh non, trẻ ốm yếu, nấm dễ phát triển thành bệnh. Nếu không chữa sớm, nấm sẽ lan rất nhanh xuống phía dưới, bao phủ cả thực quản, dạ dày, gây ra tiêu chảy, nguy hiểm hơn có thể gây viêm phổi do nấm. Học cách chăm sóc miệng cho bé yêu Tại sao trẻ bị hôi miệng? 5 “mẹo” chữa lở miệng cho bé

Con đau đến mức không bú được

Bé yêu chào đời mới được vài tháng, bạn bỗng nhận ra trong niêm mạc miệng, lợi, vòm miệng của trẻ đóng những lớp vảy trắng giống như cặn sữa. Lớp vảy trắng này phát triển ngày càng nhanh, khiến bé đau không bú được, không nuốt được, quấy khóc liên tục và sụt cân rõ rệt.

tua-mieng-chuyen-nho-ma-khong-nho

Khi đưa trẻ đi khám bác sĩ hoặc hỏi các bà mẹ có kinh nghiệm, bạn được cho biết bé đã bị tưa miệng. Cụm từ này với bạn nghe là lạ. Thực chất, tưa miệng là một bệnh nhiễm nấm, xuất hiện ở niêm mạc miệng. Từ trẻ khỏe mạnh đến trẻ ốm yếu đều dễ bị tưa miệng, tuy nhiên, khác biệt nằm ở chỗ: Nếu như trẻ khỏe mạnh có khả năng chống đỡ rất dễ dàng các loại nấm này thì ở những trẻ ốm yếu, sinh non, nấm có thể phát triển thành bệnh, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tưa miệng hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi. Nguyên nhân của tưa miệng là do nấm Candida Albicans sống ký sinh trong miệng, khi gặp điều kiện thuận lợi thì trở thành tác nhân gây bệnh.

Trẻ nhỏ dễ bị tưa miệng do bài tiết ít nước bọt và niêm mạc miệng ở môi trường toan, pH thấp. Như đã nói, tưa miệng có thể xuất hiện ở bất kỳ trẻ nào. Nhưng thông thường thì tưa miệng sẽ “ghé thăm” những trẻ ốm yếu, sinh non tháng, trẻ có mẹ bị nhiễm nấm âm đạo, trẻ bị nhiễm nấm ngay sau khi sinh… Ngoài ra, với trẻ khỏe mạnh bình thường, trẻ cũng có thể bị tưa khi bị nhiễm từ các đầu vú mẹ, đầu vú cao su, dụng cụ pha sữa… khi những thứ này chưa được làm vệ sinh sạch sẽ đã đưa vào miệng trẻ. Một số trường hợp khác, trẻ bú xong mà cặn sữa còn ứ đọng trong miệng, không được mẹ vệ sinh lau sạch, cứ để nguyên thế thì nấm cũng rất dễ sinh sản. Trẻ bị tưa miệng có thể bỏ bú, bỏ ăn, hay quấy khóc, mất ngủ, khiến cơ thể suy yếu nhiều nên lại càng dễ mắc phải các bệnh khác, bị gầy sút nhanh.

Phòng “tưa” cho bé

Cần phân biệt với cặn sữa ở miệng trẻ, thông thường cặn sữa dễ bong, trôi theo nước uống, trẻ bú nuốt bình thường. Trong khi đó, tưa miệng thường bao phủ ở niêm mạc miệng, lợi, vòm miệng, vòm hầu. Sau khi lau đi, phía dưới các lớp vảy này hiện ra niêm mạc đỏ và khô. Trẻ đau miệng, bỏ bú, kéo dài lâu càng lúc càng xuất hiện các biểu hiện như sụt cân, bứt rứt không yên.

Biểu hiện đầu tiên của tưa miệng là niêm mạc lưỡi bong vẩy, lưỡi đỏ nổi gai sau đó xuất hiện những chấm trắng ở lưỡi, niêm mạc má, lợi vòm miệng. Dần dần các chấm tạo thành từng đám màu trắng sữa dính vào niêm mạc miệng khó bóc. Bạn có thể phát hiện ra các lớp vẩy trắng như cặn sữa này rất dễ dàng trong miệng trẻ. Tưa miệng thường bao phủ ở niêm mạc miệng, lợi, vòm miệng, vòm hầu. Sau khi lau đi, phía dưới các lớp vảy này hiện ra niêm mạc đỏ và khô. Khi tưa miệng chỉ mới xuất hiện thì có thể chữa rất dễ dàng. Tuy nhiên, nếu mẹ không quan tâm, cứ chủ quan nghĩ rằng chỉ là cặn sữa thôi chứ có gì quan trọng thì nấm sẽ lan nhanh xuống, bao phủ cả thực quản, dạ dày, gây tiêu chảy, gây viêm phổi do nấm.

Để phòng “tưa” cho con, hàng ngày, mẹ nên tập cho con thói quen khi ngủ dậy đánh răng rửa mặt. Dùng gạc sạch quấn vào ngón tay, nhúng vào cốc nước đun sôi để nguội rồi đánh tưa cho con. Lau dần từ ngoài vào trong, 2-3 lần/ngày. Lau nhẹ nhàng khắp khoang miệng. Chú ý không nên đưa ngón tay vào sâu trong miệng trẻ khiến bé hay bị trớ hoặc nôn, sẽ tạo thành thói quen dễ ọe cho bé.

Trước khi bé bú, mẹ dùng khăn ấm, lau sạch đầu ti và vùng xung quanh bầu ti. Nếu bé ăn sữa ngoài, mẹ vệ sinh dụng cụ bình sữa, núm vú cho bé thật cẩn thận. Có thể luộc kỹ bình sữa, muỗng pha sữa, núm vú trước khi cho trẻ bú. Sau khi bé bú, mẹ nên cho con uống ít nước lọc đề phòng tưa miệng.

Tưa miệng: Chuyện nhỏ mà không nhỏ! 3

Đánh tưa bằng mật ong là một cách để giảm bớt đau đớn cho trẻ

Cũng cần biết rằng trẻ uống kháng sinh kéo dài rất dễ bị tưa miệng nên bạn không bao giờ được lạm dụng thuốc, cũng như phải quan tâm đến việc vệ sinh cho con nhiều hơn khi con phải uống kháng sinh kéo dài. Mỗi khi thấy trên lưỡi trẻ hoặc trong miệng trẻ có cặn sữa, mẹ cần dùng nước đun sôi để nguội để vệ sinh nhẹ nhàng cho trẻ.

Bạn có thể đánh tưa bằng mật ong hoặc bôi Natri Bicarbonat 5% (theo đúng chỉ định của bác sĩ) trong vài ngày cho trẻ. Dung dịch loãng này sẽ giúp diệt nấm tại chỗ, làm niêm mạc đỡ bị phù, trẻ không còn cảm giác đau đớn nhiều nữa. Trường hợp trẻ đã bị nặng, bác sĩ sẽ có thể phải dùng kháng sinh đặc hiệu để trị cho trẻ. Trẻ cũng có thể được cho uống vitamin C, B1, PP… theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, khi trẻ bị tưa, khó bú, bác sĩ sẽ có thể khuyên bạn nên vắt sữa mẹ ra và cho trẻ ăn bằng muỗng thay vì cho bé bú trực tiếp.

Tuyệt đối không dùng thuốc cam để chữa tưa!

Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thời gian qua đã ghi nhận 134 trường hợp trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam, chủ yếu dùng để chữa tưa. Thuốc cam vốn được “ưa chuộng” như một phương pháp dân gian, được các mẹ tìm đến (nhất là các mẹ ở khu vực phía Bắc) để chữa tưa cho bé. Tuy nhiên, như đã nói, tưa chưa khỏi, bé đã có nguy cơ bị nhiễm chì nặng vì thuốc cam. Tuyệt đối không sử dụng biện pháp này hoặc bất kỳ phương thức truyền miệng nào khác để điều trị tưa cho bé. Khi bé bị tưa miệng không khỏi, bạn cần đưa bé đến bệnh viện, để bác sĩ có các biện pháp điều trị an toàn. 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược) 

Tags:

Bài viết liên quan