Tủ thuốc gia đình có thể hỗ trợ bạn sơ cấp cứu khi gặp các chấn thương hoặc giúp bạn có thể tìm thấy các loại thuốc để khắc phục tạm thời một số tình trạng bệnh không quá nghiêm trọng. Trong mùa dịch Covid-19, nếu ngại ra đường nhiều lần và muốn xử lý các bệnh nhẹ tại nhà, bạn nên chú ý bổ sung các loại thuốc dưới đây để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người thân yêu một cách tốt nhất.
Các loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Trong tủ thuốc gia đình của bạn không thể thiếu những loại thuốc giảm đau, hạ sốt phải không nào? Bạn nên trữ sẵn ít nhất 2-3 vỉ Paracetamol dạng viên nén hoặc viên sủi bọt đều được bạn nhé!
Paracetamol sẽ giúp bạn hạ sốt tức thời, giảm thiểu tình trạng đau đầu, đau nhức cơ xương khớp. Đây sẽ là giải pháp khắc phục tạm thời cho những ai đang điều trị đau mỏi cơ nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa thể tái khám được.
Ngoài dạng viên uống hoặc viên sủi, bạn có thể bổ sung Paracetamol dạng thuốc dạng gói bột hòa tan hoặc thuốc đặt hậu môn (tọa dược) trong tủ thuốc gia đình để dùng cho trẻ em hoặc người cao tuổi không tự uống thuốc được.
Thuốc giảm ho, sổ mũi, hắt hơi
Loại thuốc thứ 2 mà bạn cần chuẩn bị trong tủ thuốc gia đình của mình chính là các loại thuốc điều trị triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm như thuốc giảm ho, sổ mũi, hắt hơi. Nên chọn thuốc có thành phần phối hợp dạng viên như Topralsin, Theralene để có thể giúp thuyên giảm cơn ho dai dẳng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, bạn nên chuẩn bị thêm thuốc ho dạng siro trong tủ thuốc gia đình của mình.
Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn các loại thuốc như Chlorpheniramine, Levo cetirizine, Loratadine hoặc Fexofenadine để điều trị tình trạng sổ mũi, hắt hơi.
Thuốc tiêu hóa
Nếu thường xuyên gặp các vấn đề về tiêu hóa, tủ thuốc gia đình bạn nên chuẩn bị thêm Esomeprazol hoặc Pantoprazol để cải thiện các triệu chứng khó tiêu đầy hơi, dư axit dạ dày. Hơn nữa, bạn có thể mua thêm các loại thuốc gói như Phosphalugel, Varogel để điều trị chứng đau dạ dày.
Ngoài ra, tủ thuốc gia đình của bạn cũng nên được bổ sung thêm Itopride (Elthon) – một loại thuốc giúp giảm triệu chứng đầy hơi, ợ chua; Trimebutine – thuốc điều hòa nhu động ruột, điều trị tiêu chảy, táo bón hay khó tiêu; Smecta – thuốc giảm tiêu chảy tạm thời.
Và đặc biệt, khi chuẩn bị thuốc cho tủ thuốc gia đình, nên bổ sung thêm Oresol (nước biển khô) đểi tăng cường bổ sung nước, chất điện giải cho cơ thể khi gặp các vấn đề về tiêu hóa. Nếu không thể tìm được Oresol, bạn có thể sử dụng các loại nước điện giải đóng chai trên thị trường đều được.
Các loại thuốc khác
Một số loại thuốc khác cần có trong tủ thuốc gia đình gồm có:
- Các loại vitamin tăng cường sức đề kháng cho cơ thể vitamin C, B, D, kẽm…
- Thuốc nhỏ mắt
- Dầu gió
- Salonpas
- Thuốc trị bỏng
- Thuốc sát trùng vết thương
Các loại thuốc cho bé cần có trong tủ thuốc gia đình
Một số loại thuốc sẽ chống chỉ định với trẻ nhỏ dưới độ tuổi nhất định. Do đó, khi chuẩn bị thuốc trữ trong tủ thuốc gia đình, bạn nên chuẩn bị riêng cho bé một số loại thuốc như:
- Thuốc hạ sốt: Paracetamol dạng hòa tan trong nước. Đây là dạng bào chế Paracetamol phù hợp nhất với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Ngoài ra, bạn cũng nên trữ thêm các loại miếng dán hạ sốt để dùng vào ban đêm, khi bé không chịu uống thuốc.
- Nước muối sinh lý (NACL 9%): Nước muối sinh lý có công dụng làm sạch, sát khuẩn, được sử dụng để nhỏ mắt, nhỏ mũi hàng ngày cho bé. Ngoài ra, nước muối sinh lý còn có thể dùng để sát khuẩn vết thương nhẹ ngoài da nếu chẳng may bé bị té ngã, trầy xước.
- Thuốc nhỏ mắt cho bé: Trong tủ thuốc gia đình bạn cũng nên chuẩn bị thêm thuốc nhỏ mắt để phòng trường hợp trẻ bị đau mắt, mỏi mắt.
- Thuốc chống hăm cho bé: Trong thời tiết nóng nực và phải dùng tã thường xuyên, trẻ sẽ rất dễ bị hăm mông và “vùng tam giác”. Một số trẻ còn bị hăm ở vùng cổ, nách,… Do đó, nếu nàh có trẻ nhỏ, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn thuốc chống hăm cho bé.
- Thuốc sơ cứu khi bị bỏng: Bạn có thể tìm kiếm Panthenol – một loại thuốc trị bỏng an toàn dành cho trẻ em và để sẵn trong tủ thuốc gia đình bạn nhé! Da trẻ rất dễ nhiễm trùng sau khi bỏng, cần được xử lý và bôi thuốc kịp thời để tránh nhiễm trùng, hoại tử.
- Thuốc ho: Trẻ em thường không dùng chung các loại thuốc ho dạng viên như người lớn. Do đó, đừng quên chuẩn bị thêm thuốc ho dạng siro cho bé.
- Thuốc tiêu chảy: Tủ thuốc gia đình của bạn chắc chắn không thể thiếu gói thuốc Hidrasec 10mg hay 30mg (thành phần chủ yếu là racecadotril). Hệ tiêu hóa của trẻ còn rất yếu, dễ bị tiêu chảy nên đừng quên bổ sung thêm thuốc tiêu chảy trong tủ thuốc bạn nhé!
Các vật dụng y tế cần có trong tủ thuốc gia đình
Bên cạnh các loại thuốc cơ bản cần có, bạn cũng nên chuẩn bị thêm các vật dụng y tế cần thiết như:
- Cặp nhiệt độ: Giúp bạn chẩn đoán chính xác tình trạng hiện tại có đang sốt hay không, sốt cao không, có cần uống thuốc hạ sốt không,… Hiện nay, cặp nhiệt độ đang có 2 loại là cặp nhiệt độ thủy ngân và cặp nhiệt độ điện tử. Bạn có thể mua loại nào cũng được nhé.
- Máy đo nồng độ oxy trong máu: Đây là một loại máy cần thiết trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt là trong mùa dịch bệnh. Thiết bị này sẽ rất hữu ích cho những đối tượng F0, F1 đang cách ly tại nhà.
- Máy đo huyết áp: Nhờ có máy đo huyết áp, bạn có thể theo dõi, kiểm soát tần số huyết áp, nhịp tim. Đây là một thiết bị vô cùng cần thiết cho những gia đình có người cao tuổi hoặc người mắc bệnh huyết áp, tim mạch.
- Băng gạc y tế, bông, băng keo, kéo: Tủ thuốc gia đình cần chuẩn bị đầy đủ combo kéo, băng keo, bông gòn, băng gạc vì các dụng cụ này có thể linh hoạt sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Cần lưu ý nên chuẩn bị một chiếc kéo riêng, được vệ sinh sạch sẽ, chỉ dùng cho việc cắt băng gạc, keo dán vết thương. Không dùng kéo với các mục đích khác để tránh nhiễm trùng vết thương.
- Túi chườm nóng/lạnh: Một dụng cụ cần thiết trong tủ thuốc gia đình chính là túi chườm. Đây sẽ là một “chiếc túi thần kỳ” giúp hạ sốt, giảm sưng do chấn thương, giảm đau ở vị trí chấn thương hoặc giảm đau trong những ngày “đèn đỏ” của phụ nữ.
Chăm sóc tủ thuốc gia đình chính là chăm sóc sức khỏe gia đình
Chuẩn bị thuốc thôi là chưa đủ, bạn cần phải biết cách bảo quản, lưu trữ thuốc trong tủ thuốc gia đình một cách khoa học để tránh các rủi ro có thể xảy ra. Nếu nhà có tủ thuốc gia đình hoặc đang có ý định lắp tủ thuốc gia đình, bạn cần lưu ý:
- Lựa chọn vị trí đặt tủ thuốc phù hợp: Nên chọn nơi trên cao, xa tầm với trẻ em. Nơi đặt tủ thuốc gia đình cần phải có nhiệt độ mát mẻ, khô ráo, không có ánh sáng chiếu vào. Ngoài ra, nên đặt ở nơi dễ lấy, không để tủ thuốc trong nhà kho hoặc các vị trí quá khó tiếp cận để dễ dàng lấy thuốc trong trường hợp khẩn cấp
- Nên có chốt khóa: Để tránh trẻ em nghịch phá, lấy thuốc dùng và để lại những hậu quả đáng tiếc, nên lắp đặt chốt khóa ở cửa tủ thuốc gia đình bạn nhé.
- Thường xuyên kiểm tra: Từ 1-2 tháng, bạn hãy kiểm tra lại tủ thuốc của nhà mình, bỏ đi các loại thuốc quá hạn sử dụng, bổ sung thêm thuốc đã hết. Nếu thuốc không có hạn sử dụng, nên bỏ đi sau 6 tháng lưu trữ bạn nhé. Ngoài ra, nên chủ động bỏ các loại thuốc không còn bao bì gốc, bao bì hư hại, thuốc chuyển màu hoặc chuyển kết cấu từ dạng viên sang dạng bột, có chảy nước,….
- Sắp xếp thuốc khoa học: Bên trong tủ thuốc gia đình nên được chia làm nhiều khu vực khác nhau như khu vực riêng cho thuốc trẻ em, khu vực riêng cho các loại thuốc điều trị bệnh cần dùng hằng ngày,… Ngoài ra, cần thường xuyên sắp xếp lại vị trí từng loại thuốc sao cho phù hợp với nhu cầu hiện tại.
- Cẩn thận ghi chú: Cho dù bạn có thể nhớ hết công dụng thuốc hay không cũng hãy cẩn thận ghi lại tên + cách dùng + tác dụng từng loại thuốc để bất kỳ thành viên nào trong nhà cũng có thể lập tức sử dụng.
Tủ thuốc gia đình là một cách để bạn tự bảo vệ sức khỏe bản thân và bảo vệ sức khỏe cho mọi người trong gia đình. Vì thế, hãy dành thời gian chuẩn bị, bố trí tủ thuốc sao cho hợp lý, khoa học, dễ sử dụng và an toàn nhất bạn nhé!