Tư thế ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của em bé sơ sinh. Nếu mẹ nghĩ bé ngủ ở tư thế nào cũng được, miễn là ngủ ngon thì bạn đã sai rồi. Vậy, tư thế nằm ngủ tốt nhất cho bé sơ sinh là gì?
3 tư thế ngủ phổ biến ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh, có 3 tư thế nằm ngủ phổ biến nhất: Nằm ngửa, nằm nghiêng và nắm sấp. Cho bé nằm ở tư thế nào là tốt nhất?
Nằm ngửa
Ưu điểm:
Nằm ngửa là tư thế tự nhiên ở trẻ sơ sinh và cả người lớn. Ở tư thế này, toàn thân bé được thả lỏng, chân tay di chuyển tự do, thư giãn, thoải mái, dễ chịu.
Với tư thế này, mũi, miệng bé không gặp phải các chướng ngại vật cản trở quá trình hô hấp. Các cơ quan nội tạng khác như đường ruột, bàng quang, tim, phổi… cũng không bị áp lực . Những khi trẻ mệt mỏi, đau bệnh, cha mẹ có thể quan sát những thay đổi trên khuôn mặt và dễ dàng hơn trong việc chăm sóc con.
Kênh Cable News Network (viết tắt là CNN) nổi tiếng của Mỹ từng khuyến cáo, tư thế ngủ tốt nhất đối với bé sơ sinh là nằm ngửa. Và theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đặt bé nằm ngủ ở tư thế ngửa không chỉ làm giảm nguy cơ hội chứng đột tử (SIDS), mà tư thế ngủ này còn làm giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh khác liên quan đến ngủ, chẳng hạn như chết do nghẹt thở.
Ảnh minh họa
Nhược điểm:
Tưởng chừng như an toàn nhất, song tư thế nằm ngừa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm, tiêu biểu nhất là hộp sọ của bé chưa hoàn thiện, nằm ngửa trong thời gian dài dễ khiến đầu trẻ bị bẹp. Nếu bé vừa bú xong, cho con nằm ngửa sữa vẫn tập trung ở cổ dễ bị sặc, trớ. Không được phát hiện kịp thời, bé sẽ bị nghẹt thở vào khí quản và phổi.
Nằm ngửa đúng cách:
Để bé không bị hẫng, mẹ nên dùng khăn cuốn ổ cho bé sơ sinh và gập một chiếc khăn mỏng làm gối, đặt dưới dưới vai để đường thở của bé được thẳng. Đặt tay bé mở ngang, cẳng tay, bàn tay hướng lên trên đầu, chân gập sát thân mình. Lưu ý không gối hay chăn để tránh cho bé bị nghẹt và quá nóng.
Nằm nghiêng
Ưu điểm:
Nằm nghiêng là tư thế dễ tránh ngạt thở nhất. Trường hợp khi bé bất ngờ nôn trớ, tư thế nằm nghiêng sẽ giúp đẩy những thứ tồn đọng trong khoang miệng ra ngoài nhanh mà không bị đẩy ngược vào trong. Nằm nghiêng cũng giúp bé mắc chứng ngủ ngáy, thở khò khè thuyên giảm.
Nếu mẹ thường xuyên đổi bên cho bé để chúng nằm nghiêng đều đặn, cả bên phải và bên trái thì tình trạng bẹp đầu dường như khó xảy ra. Nằm nghiêng đều đặn giúp giữ hình dáng đầu trẻ tròn trịa, ưa nhìn hơn.
Ảnh minh họa
Nhược điểm:
Tuy nhiên, nếu bé nằm nghiêng quá lâu một bên phải hoặc một bên trái, đầu và tai có nguy cơ bị bẹp theo bên nằm và tạo áp lực lên một bên mặt, bụng, vai, tay, tim. Ở tư thế này bé cũng khó cựa mình hay cử động nên dễ bị tê người, mệt mỏi khi thức dậy.
Bước sang độ tuổi tập lẫy, bé rất dễ lật nghiêng sang nằm úp. Với tình huống đột ngột này, nếu không có người lớn giám sát có thế nguy hiểm tính mạng của chúng.
Nằm nghiêng đúng cách:
Cách giúp bé nằm nghiêng tốt nhất, đó là thường xuyên thay đổi bên nằm. Ngoài ra mẹ cũng cần chèn thêm chăn gối cố định phía sau lưng, để bé duy trì được tư thế ngủ này. Đặt tay bé trước mặt để chúng không thể trở mình thành tư thế nằm sấp, đặt chân ôm sát chăn gối cố định.
Nằm sấp
Ưu điểm:
Tư thế nằm sấp cũng chính là tư thế mà bé nằm khi còn trong bụng mẹ. Hầu như bé sơ sinh nào cũng thích nằm ở tư thế này, bởi đây là tư thế ấm áp và an toàn. Bé nằm sấp cứng cáp và nhanh phát triển hơn những bé nằm ở hai tư thế trên, lý do bởi ở tư thế này bé thường xuyên phải xoay trở, lật người, ngẩng đầu. Bên cạnh đó, khi nằm sấp các chất tan nhanh trong dạ dày, không để lưu lại ở thực quản và cổ họng giúp bé hạn chế tình trạng nôn trớ.
Ảnh minh họa
Nhược điểm:
Những nhược điểm ẩn trong tư thế nằm sấp: Cổ mỏi không tự ngóc lên được khiến trẻ dễ ngạt thở. Phần bụng trẻ gắn chặt với nệm làm nhiệt độ cơ thể tăng cao, dễ tích tụ nhưng lại khó tản ra kịp thời. Mồ hôi đổ nhiều khiến bé ốm sốt, thậm chí là nguy cơ nổi chàm. Nằm sấp trong thời gian dài khiến xương mặt dễ bị biến dạng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ do xương mặt và vòm họng của bé chưa phát triển đầy đủ.
Nguy hiểm hơn cả, nằm sấp ảnh hưởng không nhỏ tới hệ hô hấp của bé. Quá trình hít vào thở ra, lồng ngực và bụng của chúng không thể nở ra và co lại như bình thường. Thở không tốt dẫn đến thiếu oxy và tuần hoàn của tất cả các cơ quan khác.
Nằm sấp đúng cách:
Để hạn chế những rủi ro kể trên, trước khi cho bé nằm mẹ hãy đặt một chiếc khăn bông mềm mại xuống dưới. Cầm tay bé, đặt bàn tay ôm vào khăn bông, đùi và hông không để thấp quá 90 độ. Không cho bé nằm sấp khi chúng đang đói hoặc mệt mỏi. Nếu bé vừa ăn xong, ít nhất là 1 tiếng sau mới cho nằm sấp để tránh nôn ói.
Tư thế ngủ của bé sơ sinh phần lớn do cha mẹ quyết định. Phụ huynh là người biết chính xác nhất con mình nằm ở tư thế nào là an toàn, tư thế nào không.
Nghiên cứu của Học viện Bệnh nhi Mỹ năm 1992 khuyến nghị đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ cũng giảm thiểu nguy cơ đột tử sơ sinh. Viện Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người Quốc gia đã thực hiện thành công chiến dịch truyền thông “Nằm ngửa khi ngủ” vào năm 1994, nhằm giúp người dân Mỹ ý thức được vấn đề này và giảm thiểu con số tử vong ở trẻ sơ sinh tại quốc gia này!
Linh hoạt tư thế ngủ cho trẻ sơ sinh
Như đã nói ở trên, mỗi tư thế đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tư thế ngủ tốt nhất, đó là tư thế linh hoạt. Vậy linh hoạt tư thế ra sao, vào lúc nào là phù hợp nhất?
- Khi mới lọt lòng bé sơ sinh vẫn giữ nguyên tư thế từ bào thai, tay chân co lại. Trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, nên để bé nằm ở tư thế nghiêng bên phải, đầu thấp xuống, ở dưới cổ đệm một khăn bông nhỏ.
- Sau khoảng từ 1-2 tiếng, đổi tư thế nằm nghiêng sang bên trái vì khi mới chào đời, các khớp xương sọ chưa hoàn toàn liền với nhau. Nằm mãi một bên dễ khiến bé bị méo đầu.
- Nếu bé vừa bú sữa no, lót chăn cho bé nằm nghiêng về phía bên phải, tránh nôn trớ.
- Bé sơ sinh không cần nắm gối, chỉ cần lấy một tấm khăn vải mềm mại, gập làm đôi, làm ba cho bé kê đầu là được. Tháng đầu tiên nằm gối, bé rất dễ hứng chịu nguy cơ cong cột sống sau này.
Ảnh minh họa
Giúp trẻ sơ sinh có giấc ngủ ngon
Muốn giấc ngủ của bé yêu được trọn vẹn hơn, cha mẹ không nên bỏ qua một vài gợi ý dưới đây nhé:
Chọn giường
Giường quá cứng hay nệm quá mềm đều không tốt cho sự phát triển của bé sơ sinh. Một chiếc giường gỗ, giường tre hoặc chõng được trải tấm nệm mỏng vừa đủ sẽ giúp bé tránh được các vấn đề như dị tật cột sống, xương biến hình…
Bú đủ trước khi đi ngủ
Bé chỉ thực sự ngủ sâu khi trước đó đã được ăn đủ sữa mẹ. Tuy nhiên, dạ dày của bé sơ sinh rất nhỏ nên mỗi lần bú, bé chỉ bú được một chút. Chính vì vậy, cứ sau khoảng 3 – 4 giờ mẹ nên đánh thức con dậy để cho bú. Lưu ý không để bé ngủ thiếp đi quá 5 giờ mà không bú, điều này sẽ làm trẻ bị đói và làm chậm sự phát triển.
Thay tã thường xuyên
Nếu tã/ bỉm bị ướt, chắc chắn bé sẽ khó chịu, bứt rứt và không thể nào ngủ sâu giấc. Thậm chí điều này còn khiến bé bị nhiễm lạnh, ốm sốt. Để khắc phục mẹ cần thường xuyên để ý, thay tã lót cho con.
Nhiệt độ phòng thích hợp
Phụ huynh nên nhớ, khi còn nằm trong bụng mẹ thân nhiệt bé luôn được ổn định nhưng khi chào đời, nhiệt độ môi trường lại thấp hơn khiến tạm thời bé chưa thể quen. Điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức 26 – 28 độ C, không để máy lạnh thổi trực tiếp vào người, không đưa bé ra khỏi phòng đột ngột. Trước khi ra ngoài nên tắt điều hòa, đợi 1 lúc rồi mới ra ngoài sẽ giúp bé tránh được các bệnh như cảm lạnh.
Tắt đèn khi đi ngủ
Điều này sẽ giúp bé nhận biết dấu hiệu cần đi ngủ. Khi mẹ bắt đầu đặt con lên giường, hãy tắt đèn và nói với con rằng đã đến giờ đi ngủ. Lâu dần, bé sẽ quen với khái niệm này và tự động nhắm mắt lại ngủ khi đèn trong phòng được tắt.
Sử dụng tiếng ồn trắng
Có thể mẹ chưa biết điều này: Những tiếng ồn trắng, chẳng hạn như tiếng radio mất sóng có thể giúp trẻ ngủ dễ hơn. Với cách này, nếu lỡ trẻ có tỉnh giấc vào ban đêm cũng sẽ không bị giật mình, quấy khóc.