Nhiều phụ nữ muốn có con nhưng chưa tìm được người bạn đời phù hợp, cần thêm thời gian để ổn định sự nghiệp, muốn hoàn thành các mục tiêu khác trong cuộc sống hoặc đang phải đối mặt với một thủ thuật y khoa có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bản thân…
Lúc này, trữ đông trứng (đông lạnh trứng hay trữ lạnh trứng) là một lựa chọn có thể giúp các chị em hiện thực hóa ước mơ làm mẹ khi đã sẵn sàng.
Ai là “ứng cử viên” phù hợp để thực hiện trữ đông trứng?
Việc trữ đông trứng có phải là lựa chọn tốt cho bạn hay không phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau mà bạn cần thảo luận với bác sĩ. Ví dụ, nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, việc bạn có đủ điều kiện để đông lạnh trứng hay không có thể phụ thuộc vào loại ung thư đó và liệu bạn có đủ thời gian để hoàn tất quá trình bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bắt đầu điều trị ung thư hay không.
Nhưng đối với nhiều phụ nữ, yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc là “đồng hồ sinh học” của bản thân. Theo thuật ngữ y khoa, điều này có nghĩa là số lượng trứng bạn có và chất lượng của những quả trứng đó đều giảm khi bạn già đi. Cuối cùng, bạn ngừng rụng trứng (giải phóng trứng khỏi buồng trứng để thụ tinh tiềm năng) khi bạn mãn kinh (thường là từ 45 đến 55 tuổi). Tuổi tác là yếu tố quan trọng nhất để trữ đông trứng thành công.
Nguồn cung cấp trứng của bạn bắt đầu suy giảm nhanh hơn vào khoảng 37 tuổi. Đến 43 tuổi, 90% trứng của phụ nữ là nhóm bất thường, nghĩa là loại trứng không có khả năng mang thai”.
Phụ nữ thực hiện trữ đông trứng trước tuổi 40 có khả năng mang thai cao hơn với những quả trứng đó trong tương lai. Nhưng bác sĩ nội tiết sinh sản (chuyên gia về vô sinh) có thể cung cấp xét nghiệm để xem bạn có phải là ứng cử viên phù hợp hay không. Và mặc dù việc đông lạnh trứng sau tuổi 40 thường không được khuyến khích nhưng có thể được xem xét trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Quá trình trữ đông trứng diễn ra như thế nào?
Mặc dù là một quá trình gồm nhiều bước, việc trữ đông trứng lại đơn giản hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ. Quá trình thực hiện trữ trứng giống hệt như thụ tinh trong ống nghiệm. Điểm khác biệt duy nhất là sau khi lấy trứng, bác sĩ sẽ tiến hành lưu trữ trứng thay vì thụ tinh.
Quá trình cơ bản của việc trữ đông trứng được thực hiện với các bước sau:
- Bạn tự tiêm hai đến ba loại thuốc hormone mỗi ngày trong 10–12 ngày. (Bạn bè hoặc đối tác có thể giúp bạn nếu cần.) Điều này giúp kích thích một nhóm trứng phát triển cùng lúc.
- Để theo dõi sự phát triển của trứng trong thời gian này, bạn cũng phải siêu âm vùng chậu từ bốn đến sáu lần và xét nghiệm máu thường xuyên.
- Khi những quả trứng này đã trưởng thành, bạn sẽ trải qua một thủ thuật bằng siêu âm để lấy trứng ra. Thủ thuật ngoại trú này mất 20–30 phút và được thực hiện sau khi bạn gây mê.
- Bác sĩ sẽ xác minh xem trứng đã trưởng thành chưa, nghĩa là chúng có khả năng được thụ tinh hay chưa trước khi tiến hành cho trứng vào hộp trữ lạnh với nhiệt độ phù hợp.
- Trứng sau khi lấy ra khỏi cơ thể sẽ trải qua quá trình thủy tinh hóa — một phương pháp nhanh chóng đưa trứng vào tủ đông sâu. Chúng được lưu trữ trong các bình nitơ lỏng trong phòng thí nghiệm phôi học.
Tác dụng phụ của việc trữ đông trứng là gì?
Hầu hết phụ nữ khi thực hiện tiêm thuốc hormone và trữ đông trứng thường gặp một số tác dụng phụ nhất định. Mặc dù các tác dụng phụ này xảy ra ở hầu hết các trường hợp nhưng chúng thường không nghiêm trọng và là kết quả của sự gia tăng tự nhiên nồng độ hormone xảy ra khi kích thích buồng trứng. Những tác dụng phụ này có thể bao gồm:
- Tâm trạng thay đổi
- Bốc hỏa
- Đau đầu
- Buồn nôn
Sau quá trình lấy trứng, một số phụ nữ có thể gặp phải tình trạng đau nhẹ ở vùng bụng, chuột rút, đầy hơi,…
Điều gì xảy ra khi bạn muốn sử dụng trứng?
Khi bạn đã sẵn sàng sử dụng trứng, một nhóm trứng sẽ được rã đông và thụ tinh bằng tinh trùng từ bạn đời của bạn hoặc người hiến tặng.
Hiện tại, việc trữ đông lạnh trứng chỉ mới trở nên phổ biến gần đây. Vì vậy, không có đủ dữ liệu để chỉ ra liệu có giới hạn về thời gian trứng có thể ở trong nitơ lỏng và vẫn có thể sống được hay không.
Một số lưu ý khi thực hiện trữ đông trứng
Nhìn chung, nếu bạn có ý định trữ đông trứng, nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo chất lượng trứng tốt nhất cho quá trình thụ tinh sau này. Tỷ lệ thành công khi thụ thai phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi mà bạn thực hiện trữ trứng.
Ngoài ra, một điều quan trọng không kém chính là lựa chọn những bệnh viện / trung tâm hỗ trợ sinh sản chất lượng với bác sĩ có tay nghề cao nhằm đảm bảo trứng sẽ được trữ lạnh đúng cách.
Hy vọng những thông tin mà Tạp chí Mẹ và Con cung cấp sẽ giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về phương pháp trữ đông trứng để có thể đưa ra lựa chọn thích hợp cho mình. Tuy nhiên, bạn cũng nên tham khảo thông tin từ bác sĩ để được tư vấn chi tiết nhất bạn nhé!