Mẹ và Con - Trồng rau mùa dịch vừa sạch, vừa tiết kiệm chi phí, mà lại cực kì giản đơn giản. Cùng bắt tay vào làm với 3 cách được giới thiệu trong bài viết bạn nhé!

Bạn có biết rằng bổ sung rau củ quả là cách đơn giản nhất để giữ sức khỏe và tăng sức đề kháng? Bởi chúng là thực phẩm ít calo, giàu chất dinh dưỡng, giúp duy trì sức khỏe tối ưu trong thời gian dài.

Chế độ dinh dưỡng tốt rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, trong mùa dịch này, việc tiếp cận với thực phẩm tươi rất hạn chế và làm gián đoạn chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng của bạn. Nhưng bạn đừng quá lo lắng vì chúng ta có thể tự trồng rau mùa dịch tại nhà.

Trong bài viết này, Mẹ và Con sẽ gợi ý cho các gia đình những loại rau và các bước tiến hành để chúng ta có thể bắt tay thực hiện trồng rau mùa dịch nhé!

3 loại rau cực dễ trồng trong mùa dịch

1. Giá đỗ

Trồng rau mùa dịch cực kỳ đơn giản mà lại an toàn, tại sao không? 2

Chuẩn bị

  • 100g đỗ xanh
  • 1 rổ nhựa sạch hình chữ nhật
  • 2 chiếc khăn mặt loại to, thấm hút tốt
  • 1 túi nylon đen to
  • 1 vật có khối lượng 5-6kg

Các bước tiến hành 

Bước 1: Đỗ xanh rửa sạch, ngâm nước ấm chừng 30 độ C trong 4-5 tiếng.

Bước 2: Sau khi ngâm đỗ xong thì rửa nhẹ lại 2-3 nước tránh làm tuột vỏ đỗ. Làm ướt 2 chiếc khăn rồi vắt nước nhưng không vắt kiệt, vẫn giữ ẩm. Trải 1 chiếc khăn vào trong rổ nhựa rồi rải đều hạt đỗ lên trên. Lưu ý nên trải đều, không tập trung 1 chỗ, như vậy giá đỗ sau khi hoàn thành sẽ mọc thẳng và đều.

Bước 3: Xếp đỗ xanh lên khăn xong thì dùng 1 chiếc khăn còn lại đậy lên trên. Tiếp đó dùng túi nylon đen bọc lại. Giá đỗ không ưa sáng, nếu gặp ánh sáng, giá mọc lên bị xanh hoặc tím, ăn có vị đắng.

Bước 4: Bọc túi nylon xong thì dùng vật nặng nén lên trên. Khối lượng vật nặng khoảng 5-6kg. Mọi người đừng lo giá không mọc được nhé, làm như vậy sẽ giúp giá mập, rễ cũng ngắn.

Bước 5: Xong xuôi thì đợi thôi không phải làm gì cả. Thi thoảng có thể kiểm tra nhưng đừng mở quá lâu, gặp ánh sáng chiếu. Từ 2,5-3 ngày là thu hoạch được rồi.

2. Rau sống (rau gia vị)

rau sống

Chuẩn bị

Cho đất sạch hoặc các loại giá thể sản xuất rau mầm vào khay trồng được làm bằng nhựa hoặc hộp xốp có kích thước 35 x 50 x 15cm hoặc trong chậu, rổ, rá có đường kính miệng tối thiểu 25cm và san phẳng.

Gieo hạt

  • Với các loại rau thơm như tía tô, kinh giới, thì là, húng quế…: gieo đều trên bề mặt mỗi khay khoảng 0,5-1g hạt giống, phủ lên trên một lớp đất mỏng 0,5cm rồi tưới nước, giữ ẩm, sau 7-10 ngày hạt sẽ nẩy mầm.
  • Với cây rau mùi (rau ngò rí) bạn dùng chai thủy tinh chà nhẹ cho hạt nứt vỏ rồi đem ngâm trong nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) khoảng 10-12 giờ. Sau đó vớt hạt ra rửa lại bằng nước sạch, để ráo nước rồi mới đem gieo khoảng 20 hạt/khay, sau 7-10 ngày hạt sẽ nẩy mầm.
  • Với các loại rau mầm như: cải xanh, cải củ, đậu xanh, rau muống… cũng nên ngâm trong nước ấm và gieo dày (5g/khay), tưới nước giữ ẩm chỉ sau 2-3 ngày là mọc mầm; sau 5-7 ngày có thể tỉa thưa để sử dụng và tiếp tục chăm sóc để có rau xanh ăn dần.
  • Chú ý: Dùng các tấm che (phên, bìa các tông, giấy báo…) đậy kín các khay sau khi gieo hạt và tưới đủ ẩm đem vào chỗ tối trong 2-3 ngày đầu cho hạt nhanh nẩy mầm. Khi hạt đã nẩy mầm, dỡ các tấm đậy ra, kiểm tra độ ẩm để thường xuyên cung cấp nước cho khay. Khi rau đã mọc 1-2 lá mầm thì đưa ra chỗ sáng cho rau nhanh phát triển.

Chăm sóc

Tưới nước thường xuyên cho rau, những ngày đầu tưới 2 lần/ngày (sáng, chiều). Những ngày sau có thể tưới thêm tùy độ ẩm trong khay và điều kiện thời tiết bên ngoài. Không tưới khi trời đang nắng nóng. Tốt nhất là nên dùng các loại bình phun có tia nhỏ, mịn để tránh làm rau bị dập lá.

Các loại rau thơm như: húng quế, tía tô, kinh giới… khi được 20-30 ngày tuổi có thể bứng trồng ra các chậu riêng (1-2 cây/chậu) cây sẽ nhanh lớn, bấm ngọn, bón thêm phân, tưới đủ ẩm để cây phân nhiều cành và thu hái ngọn, lá được lâu hơn (từ 6 tháng đến 1 năm).

 Thu hoạch

– Các loại rau thu hoạch 1 lần như: rau mùi (ngò rí), thì là: 40-45 ngày sau gieo có thể thu hái để sử dụng. Thu hết thì đem giá thể phơi khô, trộn thêm đất hoặc giá thể mới để trồng lại lứa khác.

– Các loại rau thu hoạch nhiều lần: 30-35 ngày sau khi gieo hạt thu hái phần ngọn non, tiếp tục bón phân, chăm sóc để thu hái các lứa tiếp theo 5-7 ngày sau đó.

 3. Hành lá từ củ  

trồng rau mùa dịch

Chuẩn bị

  • Ly thủy tinh trong suốt kích cỡ bằng củ hành tây
  • Củ hành tây làm giống
  • Chậu trồng
  • Đất trồng: đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, nếu có bón lót thêm tro trấu, phân heo mục…thì càng tốt.

Các thao tác trồng hành tây từ củ

Bước 1: Kích thích ra rễ

Trước khi tiến hành trồng trong chậu, bạn cần tạo bộ rễ mới cho củ hành tây bằng cách

  • Đổ nước vào cốc thủy tinh. Không nên đổ nước đầy mà chừa cách miệng cốc khoảng 1-2cm.
  • Đặt củ hành tây lên miệng cốc sao cho nước ngập ướt phần rễ, giúp củ hành tây nhanh chóng “mọc tóc, mọc râu”.

Lưu ý: thay nước sạch thường xuyên để rễ hành tây chống nấm và bệnh thối rễ

Bước 2: Xử lý giống củ hành tây

Khi rễ hành tây dài từ 4-5cm, bạn lấy hành tây ra khỏi ly, để ráo nước. Sau đó lột bớt lớp vỏ hành già bên ngoài để củ thông thoáng hơn

Bước 3: Tiến hành trồng củ hành tây vào chậu

Đổ đất vào gần đầy chậu. Sau đó cho hành tây vào đất sâu khoảng 2cm. Phun nhẹ ít nước rồi đặt hành tây nơi bậu cửa sổ hoặc nơi có nhiều ánh sáng mặt trời.

Bước 4: Chăm sóc

Chỉ sau 3 tuần là cây đã phát triển đầu đủ. Bạn đã có lá hành để làm gia vị nấu ăn và củ hành để xào nấu mà không cần phải tốn tiền mua. Bạn có thể cắt hết lá để cây ra đợt lá mới. Hãy tưới nước đầy đủ để chậu hành tây luôn xanh tốt. 

Lời kết

Trong bữa cơm hàng ngày của người Việt Nam, rau là một phần không thể thiếu bởi nó không chỉ làm gia tăng hương vị mà còn góp phần thêm màu sắc, giúp cách trình bày bắt mắt, mang tính đa dạng cho món ăn.

Hy vọng những gợi ý trồng rau mùa dịch của Mẹ và Con sẽ giúp cho các gia đình thu hoạch rau sạch tại nhà và giúp cả nhà khỏe mạnh trong mùa dịch. Chúc bạn thực hiện thành công! 

Bài viết liên quan