Mẹ&Con - Một ngày, trong lúc vô tình dọn dẹp lại ngăn bàn làm việc, anh T. ngỡ ngàng khi phát hiện ra dưới mặt bàn là... một chiếc máy ghi âm! Truy tới cùng, mới hay đây là cách của vợ để kín đáo “quản lý” chồng suốt gần nửa năm nay. Làm sao với tính đa nghi của vợ? 5 cách khôi phục lại niềm tin trong hôn nhân

Bị… bạn đời “theo dõi”!

Lướt qua những diễn đàn dành cho phụ nữ đã có gia đình, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp không ít topic kiểu như: “Ai chỉ giúp em địa chỉ thám tử tư đáng tin cậy!”, “Làm sao để hack được nick Yahoo của chồng?”, “Muốn đọc các đoạn chat chồng đã xóa?”, “Truy tìm số điện thoại hay gọi cho chồng bằng cách nào?”, “Có cách gì đọc được các tin nhắn của chồng không?”, “Cài chế độ theo dõi trên máy tính của chồng bằng cách nào?”. Cá biệt, thỉnh thoảng ngược lại, cũng xuất hiện những lời hỏi han của các… anh chồng cách theo dõi, quản lý các cuộc gọi, các tin nhắn, các đoạn chat hay email của vợ mình.

trong nhà có thám tử

Ảnh minh họa

Chị Ngọc Anh – một người vợ từng vận dụng không ít “chiêu”… theo dõi chồng bộc bạch: “Thời buổi bây giờ chuyện ngoại tình nhiều quá. Mình đâu có dám chủ quan ỷ y nên dù chồng thuộc dạng rất lo cho gia đình nhưng vẫn phải kín đáo tìm cách rà soát hoạt động của chồng. Thỉnh thoảng bắt gặp vài tin nhắn có nội dung hơi à ơi của cô nào trên công ty anh là mình nhắc khéo ngay. Phải như thế mới… yên tâm được!”.

Còn với chị Q.Y (Quận 3), việc “theo dõi” lại không phải để phòng xa, mà chính là để… bắt tận tay, day tận mặt với chồng. Nghe bạn bè đồng nghiệp bóng gió nói về mối quan hệ “mờ ám” của chồng với một cô ở phòng nhân sự, chị chi hẳn cả chục triệu đồng cho thám tử, đồng thời lén cài cả thiết bị ghi âm nhỏ xíu vào túi xách của anh. “Phải có bằng chứng rõ ràng, anh ả mới hết chối. Chứ bây giờ đụng vào, chồng cứ giãy lên là tôi vẽ chuyện, ghen tuông vớ vẩn!”, chị ấm ức bảo.

trong nhà có thám tử

Ảnh minh họa

Thời buổi công nghệ hiện đại, những “dịch vụ” thám tử, theo dõi cũng theo đó… mọc lên. Ngay cả với những người chỉ muốn tự “kiểm tra” chút đỉnh người bạn đời của mình thì hàng loạt các thiết bị như định vị, máy ghi âm, máy chụp ảnh, phần mềm theo dõi máy tính cá nhân… cũng “sẵn sàng”, tìm mua chẳng khó khăn gì. Một số chị áp dụng cả các biện pháp “thô sơ” như kết bạn với một người quen ở công ty chồng để có “đồng minh” báo cho biết “đường đi lối về”, lén kiểm tra hóa đơn thanh toán điện thoại xem có những cuộc gọi nào vào các “giờ linh”.

Thế nhưng, theo chuyên viên tư vấn Trần Thị Quỳnh Dao, việc theo dõi này luôn là con dao hai lưỡi. Bởi vì cho dù có chuyện “mờ ám” hay không thì cũng chẳng ai thoải mái nổi khi biết bạn đời của mình lại hoàn toàn không tin tưởng, cứ tìm cách theo dõi mình. Anh P.T (Quận Phú Nhuận) từng tìm đến chuyên viên tư vấn, chia sẻ ý định ly hôn, và nguyên nhân anh đưa ra chỉ là vì: “Vợ tôi ghen một cách khủng khiếp dù tôi hoàn toàn chẳng có gì mờ ám, cũng chưa từng phạm phải sai lầm nào với cô ấy. Cô ấy tìm đủ cách để theo dõi, kiểm tra tôi. Khi thì tôi phát hiện máy ghi âm mini được gắn trong túi xách của mình, khi thì thấy vợ lén xem điện thoại. Tôi báo về trễ do ở lại họp, cô ấy đến tận công ty, hỏi han bảo vệ để xem có đúng vậy không. Rồi thì cô ấy tìm cách vào facebook của một cô bạn đồng nghiệp của tôi, suy diễn ra cô kia nói gì đó về tôi, nhớ thương tôi… Tôi cảm thấy đã không tin tưởng được nhau thế này thì chẳng thà chia tay. Chứ cứ như vậy hoài ngột ngạt quá!”. 

Cẩn thận trước khi muốn làm “thám tử”!

Thực tế, hầu như rất hiếm người vợ – người chồng nào chưa từng một lần thử… để ý đến những dấu hiệu khác biệt từ bạn đời của mình. Song, từ kín đáo quan sát đến áp dụng chính thức các biện pháp theo dõi lại là một khoảng cách khá xa. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) chia sẻ: “Trong mối quan hệ vợ chồng, sự tin tưởng nhau rất cần thiết. Nếu đã không tin tưởng, phải dùng đến các biện pháp theo dõi thì nghĩa là bản thân mối quan hệ vợ chồng đã có những vấn đề rạn nứt, bất kể là có đang có người thứ ba hay không. Thời buổi này, không khó để tìm thám tử hay các thiết bị hỗ trợ việc theo dõi bạn đời mình, song chị em nên hết sức thận trọng khi muốn làm. Vì có những lúc, đây chính là cách đẩy mối quan hệ vợ chồng đến bờ tan vỡ nhanh chóng nhất!”.  

Đơn cử như câu chuyện của anh H. Lỡ có chút chuyện “ngoài luồng” với người yêu cũ, nhưng thực tế mối quan hệ của anh cùng người xưa chỉ mới dừng lại ở  một ít tin nhắn, vài cuộc ăn trưa. Thế nhưng, khi chị L. vợ anh đùng đùng trưng ra “bằng chứng vạch tội” (có được nhờ thuê dịch vụ thám tử), anh đã… tái mặt và cảm thấy như giữa mình và vợ đã có một vết nứt lớn khó thể hàn gắn lại. Anh bày tỏ: “Trong chuyện này, đương nhiên lỗi nằm ở phía tôi. Nhưng khi biết rằng mình đã bị theo dõi suốt mấy tháng trời, mỗi bước đi, mỗi việc làm đều được thám tử báo cáo cho vợ biết thì tự dưng tôi thấy lòng mình trống rỗng. Đó là một cảm giác rất khó diễn tả, giống như tình yêu với vợ thật sự đã hết rồi. Tôi đề nghị cô ấy ly thân, dù qua lời của nhiều bạn bè thì cô ấy chỉ muốn tôi khỏi chối cãi và xin lỗi, cắt đứt mọi thứ với người cũ để quay về toàn tâm toàn ý với gia đình…”.

Còn với chị Ngọc P., việc phát hiện ra mình bị chồng theo dõi giống như một cú sốc rất lớn vì chị chưa từng làm gì sai trái với anh. “Tôi trách chồng, anh xin lỗi vì đã cài phần mềm vào máy tính của tôi, đọc các email của tôi và kiểm tra điện thoại của tôi mỗi ngày, nói rằng anh làm tất cả cũng chỉ vì yêu tôi. Nhưng khi biết chồng mình không hề đơn giản như thế, chẳng hiểu sao tôi mất hết cảm xúc với anh. Khi gần gũi chăn gối, tôi trở nên rất gượng gạo. Cuộc sống hàng ngày cũng vậy, tôi khép kín hơn và ít chia sẻ hơn. Có lúc nhìn sâu vào trái tim mình, tôi nhận ra mình không còn yêu chồng nhiều nữa, kể từ lúc biết anh vẫn luôn tìm cách làm… thám tử trong nhà!”, chị cho biết.

Chuyên gia tâm lý Minh Hạnh cho hay, ngay cả người làm “thám tử”, chủ động theo dõi cũng rất dễ trở nên mệt mỏi, mất đi cảm giác bình yên của đời sống vợ chồng. Suốt ngày lo tìm bằng chứng ngoại tình, lo kín đáo nghe những băng ghi âm, rồi kiểm tra máy tính, điện thoại của bạn đời, tâm lý bất an càng ngày càng rõ rệt. “Có những người vợ tốn kém rất nhiều tiền chỉ để mua các thiết bị theo dõi, song kết quả lại chẳng được gì ngoài cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, lo âu. Theo tôi, hãy “theo dõi” nhau bằng một trái tim quan tâm thật lòng: Hiểu bạn đời của mình nghĩ gì, cảm nhận được những khác biệt từ anh ấy/cô ấy, chia sẻ đúng lúc… đó là cách tuyệt hơn nhiều để bạn thật sự “kiểm soát” được nhịp sống của vợ chồng mà không làm tổn thương nhau!”.

Lời khuyên của chuyên gia tâm lý hẳn rất đáng để bạn suy nghĩ và… cân nhắc! 

Tags:

Bài viết liên quan