Mẹ&Con - Người ta cố làm ra vẻ quan tâm lắm, thương lắm, xuýt xoa nhắc nhỏm vào sự đơn chiếc của Hạ, kỳ thực lại chỉ để thỏa sự tò mò hiếu kỳ, thỏa mãn thêm cái cảm giác hả hê rằng mình 'sướng' hơn mẹ con nhà kia, rằng mình 'khôn' hơn cái con bé rõ là dại, mới tốt nghiệp đã bụng mang dạ chửa đẻ đứa 'con hoang'. Tết này ba có về không?... Nếu chỉ còn được sống 5 phút... Em không thể giữ chiếc mặt nạ để đến với anh...

Hạ sốt. Cảm giác đầu tiên khi he hé mắt tỉnh dậy sau giấc ngủ vùi là lạnh. Run lập cập. Hạ ráng nhoài tay kéo cái mền ở góc giường, vùi kín mình vào.

Vẫn lạnh.

Với tay lấy remote máy lạnh, bấm lia lịa tăng độ lên 29 độ C. Cái lạnh dường như vẫn không buông tha, rít chặt vào người Hạ.

Một tuần lễ đuối với công việc ở công ty. Đến chừng xong thì tới phiên bé con ở nhà tiêu chảy. Thêm mấy ngày trời mất ngủ với con. Hôm qua thấy bé khỏe nhiều, Hạ gửi con cho bà ngoại, chạy vòng vòng tìm chỗ thuê nhà mới, vì qua tháng sau chủ cũ sẽ lấy lại nhà.

Nắng gắt. Chói chang từ sáng đến chiều.

Nắng làm hoa mắt Hạ.

trong-con-benh-toi-moi-biet-minh-them-khat-duoc-yeu-thuong

Làm mồ hôi ướt đầm lưng áo trên những con đường từ quận này sang quận khác.

Kiếm được một căn nhà tươm tất, sạch sẽ, an toàn, riêng tư, phù hợp với mẹ con đơn chiếc như Hạ không phải dễ.

Càng không dễ khi đồng lương Hạ kiếm được cũng chẳng phải nhiều nhặn gì.   

Chạy miệt chạy mài rồi cũng kiếm được căn ưng ưng bụng. Chưa kịp mừng thì đang chạy xe trên đường về trời bất chợt nổi gió. Kế đó là một trận mưa cái ào nhanh đến mức trở tay không kịp.

Thấm đủ thứ vào người nên Hạ chẳng ăn uống gì nổi, chỉ thay bộ quần áo rồi ngủ vùi. Đầu hôm nghe nóng hầm hập, hạ nhiệt độ máy lạnh trong phòng xuống 20 độ C. Đến giờ tỉnh dậy thì thấy lạnh run.

Cái lạnh lạ lùng. Lạnh như từ trong lạnh ra. Mà người thì lại ướt mồ hôi. Hạ lọ mọ cố bò xuống giường, mở ngăn bàn lấy cái cặp thủy. Vẩy vẩy mấy cái cho về mức 0 độ C, rồi cặp. Chừng lấy ra, Hạ hết hồn khi nhìn thấy con số 39 độ C.

Lại lọ mọ đến tủ lạnh, mở ngăn mát lấy chai nước. Không kịp rót ra ly như mọi hôm, Hạ đưa lên đôi môi khô nứt, uống lấy uống để.

Nhà không có ai. Trống hoác.

Tự dưng Hạ nhớ con, thèm nghe tiếng cười giòn tan của con bé. Giờ ở bên nhà ngoại, chắc nó đang được cho ăn sáng, được ông bà ngoại hứa hẹn hôm nay dẫn đi siêu thị, đi công viên, đi ăn kem.

trong-con-benh-toi-moi-biet-minh-them-khat-duoc-yeu-thuong

Một ý nghĩ chợt thoáng qua trong đầu Hạ: Giá mà giờ này có một người đàn ông, xuống bếp bắc giùm Hạ nồi cháo thịt băm với thật nhiều hành. Rồi anh sẽ giục Hạ lên phòng nằm nghỉ. Anh lấy cái khăn, nhúng ướt, đắp lên trán cho Hạ. Rồi anh pha ly nước cam, thật đầy. Anh đỡ Hạ ngồi lên một chút, dặn: “Em uống đi cho có thêm vitamin C. Anh ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho em nhé!”.

Hạ nghe lòng nao nao. Giọt nước mắt chợt ứa ra, lăn và khô nhanh trên gò má đang sốt hừng hực. Giấc mơ giản dị thế thôi, mà sao xa quá!

Cơn yêu chóng vánh của tuổi đôi mươi. Kết quả là mới tốt nghiệp đại học, chưa kiếm được việc làm Hạ đã lùm lùm mang cái bụng về khóc với bà ngoại bé Na. Bà rớt nước mắt, run rẩy: “Chi mà dại dữ vậy bây!”, song lại hối hả thu xếp để đưa Hạ đi khám thai, mua thuốc bổ về cho Hạ uống.

Con chào đời. May sao Hạ kiếm được việc làm. Rồi cứ thế tần tảo nuôi con. Thời gian trôi vèo vèo, thoắt cái cũng đã 5 năm. Năm năm, chuyển nhà 3 lần, tay xách nách mang và con nhỏ, Hạ quên mất mình mới hăm bảy tuổi. Cái tuổi ấy, bạn bè Hạ có đứa còn nhởn nhơ bảo: “Ba chục tao mới cưới chồng. Thời buổi này cưới sớm làm gì. Mệt!”. Còn Hạ, nói khó tin, nhưng 5 năm rồi Hạ chưa đủ thời gian đọc được một lèo cho hết chương sách, chưa đủ thời gian để xem trọn một bộ phim trên HBO.

Một đôi lần, bà ngoại bé Na bảo Hạ thôi dọn về nhà. Nhà chật thì chật, ông bà con cháu có nhau. Rau cháo gì cũng đủ bữa qua ngày. Hạ sẽ đỡ cực, đỡ một thân một mình. Có gì bà còn đỡ đần cho, chăm sóc cho một chút.

Hạ cũng muốn.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Hạ thấy không nên. Hạ sợ những câu nói mỉa nghiệt ngã của bà chị dâu – cứ sợ Hạ về ở rồi sau này tranh mất nhà. Hạ sợ ánh mắt hàng xóm tò mò, cứ tắc lưỡi hỏi han con gái: “Ba mày đâu mà để hai mẹ con thui thủi thế này?”.

Ôi chao cái sự “quan tâm” của thế gian…

Người ta cố làm ra vẻ quan tâm lắm, thương lắm, xuýt xoa nhắc nhỏm vào sự đơn chiếc của Hạ, kỳ thực lại chỉ để thỏa sự tò mò hiếu kỳ, thỏa mãn thêm cái cảm giác hả hê rằng mình “sướng” hơn mẹ con nhà kia, rằng mình “khôn” hơn cái con bé rõ là dại, mới tốt nghiệp đã bụng mang dạ chửa đẻ đứa “con hoang”.

Biết thế nên Hạ lầm lũi ở riêng.

Một căn nhà bé bé, cũng đã vắt của Hạ hết một phần lớn tháng lương. Hạ cứ thế mà mòng mòng xoay xở với một trăm thứ việc bên ngoài, nhận thêm, chỉ để kiếm đồng ra đồng vào đủ mua sữa cho con, đủ để lo các khoản học phí, tiền chợ, tiền điện nước trong nhà.

Lâu rồi, Hạ không mua cái gì mới cho mình.

Áo quần.

Phấn son.

Mà thật ra Hạ cũng quên mất những thiệt thòi ấy.

Hạ thấy an ổn với cuộc sống đơn giản, lấy tiếng cười nắc nẻ của con làm niềm vui của mình. Chỉ đến những lần ốm thế này, rên hừ hừ một mình, xoay xở lết ra tiệm thuốc tây mua thuốc một mình, Hạ mới thấy tủi thân và ngắm nghía thật rõ cái vết thương nơi sâu thẳm lòng mình.    

trong-con-benh-toi-moi-biet-minh-them-khat-duoc-yeu-thuong

Nhắn tin cho chị trưởng phòng Nhân sự xin nghỉ ốm, Hạ bước từng bước nặng nhọc ra đường. Chị Tư bán bánh canh đầu hẻm đon đả: “Ăn đi em! Mua về hả? Ờ được, chờ chị chút chị múc liền cho… Mà sao mặt em đừ dữ vậy? Chu choa, sốt dữ vậy nè trời!”.

Sau câu nói hốt hoảng của chị Tư, mấy người khách đang ăn bỗng ngẩng lên, ái ngại nhìn Hạ. Một bác lớn tuổi vừa đút cho thằng cháu ăn cho hết tô bánh canh, vừa đưa tay rờ lên tay Hạ, tự nhiên như người quen. “Ờ, sốt quá bây! Thôi về ăn miếng đi rồi uống thuốc vô. Kiểu này là cảm rồi nè. Lát tao đi chợ, sẵn tao mua luôn cho bó lá xông nghen. Tao biết nhà bây rồi, cuối hẻm chứ gì. Lát tao mang sang cho rồi hãy gởi tiền. Ôi dào, có mấy ngàn bạc chứ gì đâu…”.

Người đàn ông trạc chừng ba mấy tuổi, phủi cái nón trên đầu gối, vừa xỉa răng vừa móc túi đưa Hạ miếng giấy. “Số điện thoại của tui nè! Tui chạy xe ôm, đậu ngay ngoài đầu hẻm nghen. Cô không để ý tui, chứ tui thấy hai mẹ con cô đi vô trong hẻm hoài mà. Có cần gì thì kêu, tui… chở đi bệnh viện cho nghen. Đừng ở trong nhà một mình lúc đau bệnh, lỡ có gì cũng không ai hay. Nguy hiểm lắm!”.

Hạ cười méo xệch, đón lấy miếng giấy viết sẵn số điện thoại chắc anh để dành đưa cho khách đi xe ôm, gật đầu “dạ” khẽ. Định đứng lên xách bịch bánh canh đi mua thuốc, thì anh xe ôm đã lắc đầu: “Cô định đi đâu nữa đó? Mua thuốc hả? Trời ơi, bệnh vậy còn ráng tự đi. Ngồi đó đi, tui lại đằng kia tui mua cho. Cô bệnh sao, nói tui biết tui còn biểu với người bán thuốc chớ…”.

Mấy người khách khác hùa vào. “Ờ, để cậu đó đi mua giùm cho. Bà con lối xóm không, có gì đâu mà ngại…”.

Hạ tần ngần “khai” bệnh, rồi kéo cái ghế ngồi xuống chờ.

Nghĩ cũng ngộ. Ngày thường cứng cỏi là thế, mà tới chừng bệnh, có vài câu hỏi han, vài động tác quan tâm thế thôi sao cũng làm muốn ứa nước mắt cảm động.

Có cơn bệnh, Hạ mới nhận ra mình còn trẻ lắm và thèm yêu thương lắm. Thèm một mái ấm gia đình, thèm một cái đặt tay lên trán khi đau ốm. Thèm một câu nói giản dị như câu nói của anh xe ôm, lúc chìa ra cho Hạ gói thuốc tây, và “khuyến mãi” thêm ly cam vắt không đá: “Thuốc của cô nè. Còn ly nước cam là tui mua cho cô. Thôi đem về ăn bánh canh rồi uống thuốc, uống nước cam vô nghen. Ơn nghĩa gì hổng biết…”.

Có vậy thôi đó…  

Mà hổng biết ở nơi nào đó, có người đàn ông nào đó sẵn lòng làm điều giản dị như thế cho riêng mẹ con cô không?

Tags:

Bài viết liên quan