Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) nếu không được nhận biết và điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống của trẻ. Và các triệu chứng ADHD ở bé gái có thể trông rất khác so với ở bé trai. Việc nắm được những biểu hiện của bé gái bị ADHD có thể giúp bố mẹ phát hiện để đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám từ giai đoạn sớm.
ADHD là gì?
ADHD là viết tắt của rối loạn tăng động giảm chú ý. Người bị ADHD có những khác biệt trong quá trình phát triển trí não và hoạt động của não ảnh hưởng đến sự chú ý, khả năng ngồi yên và khả năng tự kiểm soát. ADHD có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ.
Ngày trước, tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý thường chỉ ảnh hưởng đến nam giới. Nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái được chẩn đoán mắc chứng bệnh này. Và các dấu hiệu, triệu chứng ADHD ở bé gái có thể trông khác so với ở bé trai.
Ví dụ, các bé gái có nhiều khả năng mắc chứng ADHD thiếu chú ý, khiến bé trở nên mơ mộng, nhút nhát, mất tập trung. Ngược lại, các bé trai thường mắc chứng ADHD hiếu động-bốc đồng hoặc ADHD loại kết hợp.
Những triệu chứng ADHD ở bé gái phổ biến nhất
Các triệu chứng ADHD ở trẻ em gái thường dễ bị nhầm lẫn và xem đó như là một đặc điểm tính cách của bé. Do đó, nhiều bé gái khi mắc chứng ADHD không được chẩn đoán đúng cách, khiến bệnh kéo dài hơn. Các dấu hiệu, triệu chứng ADHD ở bé gái thường bao gồm:
- Tự cách ly khỏi xã hội
- Dễ khóc
- Mơ mộng và thích ở trong thế giới của riêng mình
- Khó duy trì sự tập trung; dễ dàng bị phân tâm
- Vô tổ chức và lộn xộn (cả về ngoại hình lẫn cách sắp xếp phòng ngủ, nhà ở,..)
- Có vẻ như không có cố gắng trong học tập, công việc và cuộc sống
- Có vẻ không có động lực
- Đãng trí
- Rất nhạy cảm với tiếng ồn
- Nói nhiều (luôn có nhiều điều để nói nhưng lại không giỏi lắng nghe)
- Phản ứng cảm xúc thái quá
- Dường như đang mắc phải những sai lầm do “bất cẩn”
- Có thể thường xuyên đóng sầm cửa lại
- Thường đi trễ (quản lý thời gian kém)
- Gặp vấn đề trong việc cố gắng hoàn thành nhiệm vụ
- Luôn có vẻ ngại ngùng
- Dễ nổi cáu
- Thường xuyên chuyển trọng tâm từ hoạt động này sang hoạt động khác
- Mất thời gian để xử lý thông tin và chỉ dẫn, khiến người xung quanh có cảm giác như bé không nghe lời
- Có những lời nói bốc đồng, buột miệng và ngắt lời người khác
Không phải bé gái nào bị rối loạn tăng động giảm chú ý cũng có đầy đủ 20 triệu chứng ADHD ở bé gái này. Đặc điểm ADHD có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi đứa trẻ. Và việc một bé gái có một hoặc hai triệu chứng không có nghĩa là bé chắc chắn bị ADHD.
Nếu bạn thấy bé có những triệu chứng ADHD ở bé gái trên, tốt nhất không nên tự kết luận bất cứ điều gì. Thay vào đó, bạn nên đưa trẻ đến thăm khám với chuyên gia để bác sĩ có thể đánh giá chính xác vấn đề của trẻ và từ đó đưa ra kết luận chính xác nhất.
Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý
Không rõ nguyên nhân gây ra sự khác biệt về não của ADHD. Có một số bằng chứng cho thấy ADHD chủ yếu là do di truyền. Nhiều trẻ mắc chứng ADHD có bố mẹ hoặc người thân mắc bệnh này. Trẻ em cũng có thể gặp nhiều nguy cơ mắc bệnh này hơn nếu sinh non, tiếp xúc với chất độc hại trong môi trường hoặc mẹ sử dụng ma túy khi mang thai.
Một điều cần lưu ý chính là các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rối loạn tăng động giảm chú ý không phải do dành quá nhiều thời gian trước màn hình tivi, chơi điện thoại quá mức, cách nuôi dạy con kém hoặc ăn quá nhiều đường,… Tuy nhiên, việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá mức có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý khác, đặc biệt là trầm cảm.
ADHD được điều trị như thế nào?
Việc điều trị cho trẻ gặp những triệu chứng ADHD ở bé gái bắt đầu bằng việc chẩn đoán xem trẻ có thật sự mắc bệnh hay không. Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi về sức khỏe, hành vi và hoạt động của trẻ. Trong quá trình này, cần có sự phối hợp của bố mẹ và thầy cô hay những người chăm sóc trẻ, ở bên trẻ nhiều nhất.
Nếu đã xác định đó không phải là các vấn đề tâm lý khác mà là do rối loạn tăng động giảm chú ý, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc giúp kích hoạt khả năng chú ý của não, giúp não bộ sử dụng khả năng tự kiểm soát nhiều hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể được chỉ định một số phương pháp trị liệu hành vi để có thể kiểm soát tốt các hành động của mình.
Và để chăm sóc trẻ bị ADHD, bố mẹ cũng cần được hướng dẫn một số vấn đề như cách cho trẻ uống thuốc đúng giờ, cách trao đổi với giáo viên về tình trạng của trẻ, cách tâm sự và nói chuyện với con để giúp trẻ có thể giữ được tâm lý thoải mái nhất,…
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể đồng hành, giúp đỡ cùng trẻ khi thấy con có triệu chứng ADHD ở bé gái và được chẩn đoán mắc chứng ADHD bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao, để trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ,…
Rối loạn tăng động giảm chú ý có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào. Do đó, trong quá trình nuôi dạy con, nếu thấy con có những dấu hiệu, triệu chứng ADHD ở bé gái, đừng chủ quan và cho rằng đó là một triệu chứng tâm lý sẽ hết trong một thời gian ngắn. Thay vào đó, hãy đưa con đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng của con bạn nhé!