Dù chưa có số liệu thống kế cụ thể nhưng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm lưu lượng khám và điều trị cho trẻ tự kỷ tăng từ 10-20% (có khoảng 22.000 lượt trẻ đến khám chuyên khoa tâm thần mỗi năm, trong đó 1/3 lượt trẻ đến khám đánh giá tự kỷ). Từ sự gia tăng của tình trạng này đặt ra một câu hỏi cho ba mẹ rằng đâu là phương pháp điều trị phù hợp với con.
Hiện nay, phần lớn các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thực hiện trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ. Vậy mục đích của phương pháp này là gì? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ trong bài viết dưới đây.
Tự kỷ là gì?
Hội chứng tự kỷ hay còn có tên khác là rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm bệnh rối loạn phát triển hệ thần kinh liên quan tới não bộ, với biểu hiện rối loạn tâm thần. Rối loạn này gây ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tư duy, vân động, cảm giác và ngôn ngữ của trẻ.
Xem thêm: Những dấu hiệu sớm nhận biết trẻ tự kỷ
Người mắc chứng tự kỷ không giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác, vì thế sự phát triển tâm lý, xã hội về mọi mặt đều hạn chế.
Biểu hiện của trẻ tự kỷ
Vẻ bề ngoài của trẻ tự bị kỷ không có điểm nhận dạng đặc biệt, Tạp chí Mẹ và Con khuyên ba mẹ sẽ cần phải quan sát các biểu hiện của trẻ để có thể sớm nhận biết khi nào con có dấu hiệu báo động con cần ba mẹ.Trẻ tự kỷ có một số biểu hiện cụ thể như:
Về cảm xúc
- Trẻ không giao tiếp bằng mắt với mẹ ngay từ khi còn nhỏ, không nhìn thẳng người đối diện hoặc nhìn như không có ai ở đó, lơ đễnh, không phân biệt được người lạ, người quen
- Khi đi học không thích chơi với bạn, không hợp tác với cô, thường có những hành động không thích hợp.
Về hành vi
- Trẻ bị tự kỷ thường chống đối lại những thay đổi của môi trường xung quanh. Điều này thể hiện ra ở những cơn giận dữ, cơn ăn vạ rất khó đưa trẻ trở lại trạng thái bình thường. Trẻ bị tự kỷ có thể có những cơn hoảng sợ hoặc giận dữ mãnh liệt nếu đồ đạc trong phòng của trẻ bị thay đổi hoặc một thói quen nào đó bị đảo ngược.
- Trẻ thường định hình vận động, hay lặp lại những hành vi quen thuộc. Chẳng hạn như đánh hơi như hít, ngửi đồ vật, thức ăn, thường lắc đầu, lắc lư thân mình…
- Hành vi kỳ lạ như đi trên các ngón chân, chạy vòng tròn, đi từng bước, lắc lư, đu đưa thân người,…
- Đôi khi, trẻ có những hành vi tự gây thương tích như đánh vào đầu, tự cắn, cào cấu bản thân, nhổ tóc,…
- Thích chơi một mình, xa lánh đám đông và chỉ chơi với những đồ chơi đặc biệt gắn bó với trẻ mà lúc nào trẻ cũng mang theo bên mình.
Khiếm khuyết về trí tuệ
Khiếm khuyết về trí tuệ là biểu hiện thường gặp ở phần đông trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Sự thiếu sót thường không giống nhau và có sự khác biệt giữa thương số thông minh ngôn ngữ và thao tác. Chỉ 30% trẻ tự kỷ có trí tuệ phát triển bình thường.
Rối loạn ăn uống
Các biểu hiện rối loạn ăn uống liên quan tới hội chứng tự kỷ thường xuất hiện sớm như chán ăn, ói mửa, rối loạn động tác mút. Nếu trẻ lớn hơn thì hầu như từ chối ăn những thức ăn không được băm nhỏ hoặc chỉ thích các thức ăn từ sữa..
Rối loạn giấc ngủ
Thường bị rối loạn giấc ngủ như: khó ngủ, ngủ trằn trọc, hay thức giấc quấy khóc mà không rõ nguyên nhân.
Về ngôn ngữ
- Trẻ nói những âm đơn điệu, thiếu ngữ điệu, nhại lời người khác, nói lẩm bẩm một mình, có khi phát âm những âm vô nghĩa, lặp đi lặp lại.
- Không biết bắt chước người lớn để làm theo, nói theo dù dạy rất nhiều lần.
Tự kỷ có chữa được không?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng tự kỷ là những rối loạn phát triển của não bộ. Việc trẻ tự kỷ có chữa được không còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tình trạng tự kỷ. Và dù theo Tây y hay Đông y, bên cạnh việc dùng thuốc đặc trị thì cũng khuyến khích kết hợp trị liệu tâm lý để điều trị hiệu quả nhất.
Thực tế, không có phương pháp chữa trị nào cho chứng tự kỷ và không có phương pháp điều trị nào phù hợp với tất cả. Mục đích của việc điều trị tự kỷ là tối đa hóa khả năng hoạt động của trẻ bằng cách giảm các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ, hỗ trợ sự phát triển và học tập. Những can thiệp từ sớm như trị liệu tâm lý sẽ giúp trẻ tự kỷ học các kỹ năng xã hội, giao tiếp và hành vi quan trọng sớm.
Vai trò của trị liệu tâm lý trong điều trị tự kỷ cho trẻ
Trị liệu tâm lý là hệ thống các học thuyết được áp dụng nhằm cải thiện sức khỏe, tinh thần, cải thiện các vấn đề cảm xúc và hành vi của các cá nhân. Kết quả đạt được sau trị liệu tâm lý là khả năng giải quyết các vấn đề này thông qua những phương pháp và kỹ thuật khác nhau.
Mục tiêu của trị liệu tâm lý
Phương pháp trị liệu tâm lý có mục tiêu chính là:
- Gia tăng khả năng thấu hiểu của thân chủ.
- Tìm kiếm giải pháp cho các xung đột.
- Gia tăng sự tự chấp nhận cho bản thân.
- Giúp thân chủ có những kĩ năng ứng phó hữu hiệu với những khó khăn.
- Kích hoạt, thúc đẩy hành vi tích cực từ thân chủ (nếu được)
Liệu pháp tâm lý
- Liệu pháp Hành vi – nhận thức (CBT).
- Liệu pháp hành vi: Nhấn mạnh và việc xem xét hành vi và những điều kiện giúp phát sinh (ABA, ESDM…).
- Liệu pháp thân chủ trọng tâm: Theo thuyết của Carl Roger – nhấn mạnh vào sự tự nhận thức và ra quyết định của thân chủ.
Hình thức trị liệu tâm lý
Đối với trẻ nhỏ, hình thức trị liệu tâm lý sẽ khác nhau tùy vào sự lựa chọn của gia đình cũng như tình trạng bệnh của bé. Trên hết, tất cả đều hướng tới bổ sung các khiếm khuyết của trẻ trên các mặt: ngôn ngữ, hành vi, vận động, nhận thức, tự lập… Theo đó, có một số hình thức phổ biến hiện nay như:
- Trị liệu tâm lý cá nhân: Nhà trị liệu trực tiếp trị liệu với bé 1 – 1
- Trị liệu tâm lý nhóm: Nhà trị liệu thực hiện trị liệu với 1 nhóm 2 – 3 các trẻ có các khó khăn gần hoặc giống nhau.
- Trị liệu tâm lý gia đình: Khi làm việc với trẻ nhà trị liệu nhận thấy việc trẻ có khó khăn liên quan đến 1 hoặc rất nhiều thành viên trong gia đình thì cần có buổi làm việc nhóm và trị liệu cùng các thành viên trong gia đình có liên quan đến vấn đề của cá nhân đó.
Để nuôi dạy một trẻ tự kỷ cần rất nhiều tình yêu thương và sự kiên nhẫn của những người xung quanh. Chỉ cần ba mẹ không bỏ cuộc thì bé cũng sẽ cảm nhận được điều đó để cố gắng cải thiện từng ngày nhờ phương pháp trị liệu tâm lý kết hợp với thuốc đặc trị (nếu có) theo yêu cầu của bác sĩ. Ba mẹ đã, đang và sẽ làm tốt việc nuôi dạy con đấy ba mẹ ạ.