Trẻ sơ sinh 2 ngày không đi ngoài có sao không? Nguyên nhân là gì? Phải khắc phục thế nào? Cùng Mẹ&Con giải đáp những khúc mắt trên nhé!
Trẻ sơ sinh đi ngoài mấy lần là bình thường?
Đối với những trẻ bú mẹ hoàn toàn thì trẻ thường đi ngoài 3 – 5 lần/ngày, phân màu vàng, sệt không thành khuôn và có mùi chua.
Đối với những trẻ uống sữa công thức… thì số lần trẻ đi ngoài sẽ ít hơn, khoảng 2 – 4 lần, phân sẽ thành khuôn, màu vàng và có mùi thối.
Trẻ 2 ngày không đi ngoài có nguy hiểm không?
Với phần lớn trường hợp, trẻ sơ sinh 2 ngày không đi ngoài là tình trạng bình thường, hầu như trẻ nào cũng từng gặp phải và thường không nguy hiểm. Nếu trẻ 2 ngày không đi ngoài nhưng không có những biểu hiện bất thường kèm theo thì đó không phải là trường hợp đáng ngại mà có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Với hầu hết trường hợp, trẻ sơ sinh 2 ngày không đi ngoài đều không gặp nguy hiểm (Ảnh minh họa).
Trẻ bú ít, bú không đủ cữ, bú không đủ lượng sữa cần thiết cho cơ thể làm quá trình tạo phân diễn ra chậm.
Trẻ bị táo bón thông qua những biểu hiện như mỗi lần đi ngoài trẻ phải cố gồng mình để rặn. Phân cứng, trẻ quấy khóc, đau bụng mỗi lần đi ngoài.
Trẻ sơ sinh bú sữa ngoài không hợp sữa làm xuất hiện triệu chứng khó tiêu hơn so với bú sữa mẹ dẫn đến trẻ tiêu hóa lâu hơn nên trẻ đi ngoài ít lần hơn và đi ngoài chậm hơn.
Làm gì khi trẻ 2 ngày không đi ngoài?
Trước tiên, để khắc phục tình trạng trẻ 2 ngày không đi ngoài, mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến trẻ chậm đi ngoài là do đâu để có cách giúp trẻ đi ngoài ổn định hơn.
Nếu 2 ngày không đi ngoài là do trẻ bú ít, thời gian giữa các cữ bú cách xa nhau thì mẹ nên khắc phục bằng cách ăn những thực phẩm lợi sữa để có đủ sữa cho trẻ bú. Thời gian giữa các cữ bú tốt nhất nên là 2 – 3 giờ.
Nếu 2 ngày không đi ngoài là do trẻ không hợp loại sữa công thức trẻ đang uống thì mẹ nên đổi loại sữa khác cho trẻ. Nếu trẻ đã ăn dặm mẹ nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm làm từ sữa để làm tăng các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Nếu 2 ngày không đi ngoài là do trẻ bị táo bón thì mẹ có thể tham khảo 1 số cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh dưới đây:
Bổ sung đủ nước cho trẻ: Nước không thể thay thế hoàn toàn cho sữa trong bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, nếu trẻ bị táo bón, bên cạnh các cữ bú hàng ngày, mẹ hãy cho trẻ uống thêm 100 – 200ml nước/ ngày đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi và 200 – 300ml nước/ ngày đối với trẻ 6 – 12 tháng tuổi. Nếu trẻ không chịu uống nước, mẹ có thể thay bằng nước ép trái cây nguyên chất như lê, táo, mận,… những nước ép này sẽ hổ trợ rất nhiều cho quá trình tiêu hóa khi trẻ sơ sinh bị táo bón.
Bổ sung nước, rau xanh, trái cây vào khẩu phần ăn của mẹ: Mẹ cần uống tối thiểu 2 lít nước/ngày. Nên ăn nhiều rau có lá màu xanh như rau dền, rau cải…, các loại trái cây có tính nhuận tràng như đu đủ, thanh long… để bổ sung chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Đây là những thực phẩm vừa tốt cho mẹ lại lợi cho bé.
Khi xác định nguyên nhân trẻ sơ sinh không đi ngoài là do táo bón thì mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn mỗi ngày (Ảnh minh họa).
Cho trẻ ăn mận khô xay nhuyễn: Chất xơ có trong mận khô sẽ giúp hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh hoạt động tốt hơn. Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể bổ sung mận khô xay nhuyễn vào khẩu phần ăn của trẻ để ngăn ngừa táo bón.
Cho trẻ tắm nước ấm: Cho trẻ tắm nước ấm hoặc dùng khăn thấm nước ấm đặt lên bụng trẻ để giúp trẻ thư giãn, kích thích nhu động ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hóa làm hạn chế tình trạng đi ngoài chậm của trẻ sơ sinh.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Hầu hết trẻ sơ sinh 2 ngày không đi ngoài là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài kèm theo những triệu chứng bất thường như đi ngoài ra máu, trẻ quấy khóc dữ dội, bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi thì khi đó mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra đầy đủ nguyên nhân từ đó có hướng điều trị kịp thời, phù hợp.