Việc có nhiều câu hỏi khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi là điều bình thường. Bạn sẽ tự hỏi trẻ nên ngủ bao nhiêu giờ và liệu phân của trẻ có đúng màu hay không.
Tuần đầu tiên trong cuộc đời của trẻ có thể là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc với bố mẹ nhưng cũng có khá nhiều điều liên quan đến việc chăm sóc trẻ trong thời gian này khiến bạn cảm thấy không chắc chắn. Hãy cùng tìm hiểu về sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi cũng như những mẹo chăm sóc trẻ an toàn nhất bạn nhé.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi
Có các phản xạ không chủ ý
Ở độ tuổi này, các cử động và phản ứng của bé chủ yếu là phản xạ không chủ ý, bẩm sinh. Trẻ sơ sinh được sinh ra với một số phản xạ, bao gồm phản xạ rướn người, phản xạ bú, phản xạ cầm nắm, phản xạ cười và phản xạ giật mình .
Bạn có thể thấy một số phản xạ này mỗi ngày, chẳng hạn như phản xạ rướn người để tự động tìm kiếm vú hoặc bình sữa. Khi bạn đặt núm vú hoặc ngón tay vào miệng trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, trẻ sẽ bắt đầu bú.
Tầm nhìn bị giới hạn
Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi có thể nhìn thấy ánh sáng và bóng tối, đặc biệt là các màu đen, trắng và xám. Tầm nhìn của trẻ bị giới hạn trong khoảng 20-30cm, gần bằng cách khoảng cách ôm trẻ trong tay.
Tập trung vào khứu giác và xúc giác
Thị giác của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi vẫn còn mờ nên trẻ chỉ có thể tập trung vào các đồ vật ở cự ly gần. Vì vậy lúc này trẻ phụ thuộc rất nhiều vào khứu giác và xúc giác nhạy bén của mình hơn bất cứ thứ gì.
Do đó, khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, bố mẹ nên cố gắng dành nhiều thời gian da kề da với con bạn nhất có thể.
Ngủ nhiều
Nói chung, trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi sẽ ngủ rất nhiều. Trên thực tế, cuộc sống của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu tiên cơ bản chỉ là ăn và ngủ. Điều đó hoàn toàn bình thường!
Bạn hãy tận dụng thời gian rảnh rỗi này để có thêm chút thời gian ngủ nướng cho bản thân, tránh kiệt sức sau sinh nhé.
Sụt cân
Trong tuần đầu tiên của cuộc đời, trẻ đang học cách bú và bú. Ban đầu bạn không nên kỳ vọng bé sẽ tăng cân. Trên thực tế, việc em bé giảm cân một chút trong ba đến bốn ngày đầu sau khi sinh là điều bình thường.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết việc trẻ sơ sinh giảm tới 10% trọng lượng sau khi sinh là điều bình thường. Trẻ sẽ bắt đầu lấy lại cân nặng sau 10-14 ngày tuổi.
Lác mắt
Một vấn đề khiến nhiều người lo lắng về trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi đó là tình trạng mắt trông hơi lác. Đôi khi đó chỉ là vấn đề về nếp da thừa ở góc trong của mắt.
Ngoài ra, cơ mắt khi sinh ra không quá khỏe nên mắt có xu hướng nhìn chéo cho đến khi các cơ đó khỏe hơn. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng nếu thấy trẻ trông có vẻ như đang bị lác một chút.
Nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi
Cho trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi bú sữa mẹ
Việc cho trẻ bú như thế nào là mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ khi nói đến vấn đề chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi. Nên cho trẻ bú bao nhiêu lần một ngày và như thế nào là trẻ đã no cũng là những điều không phải bố mẹ nào cũng biết.
Bạn có thể mong đợi trẻ sơ sinh bú thường xuyên ở độ tuổi này. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiên, phản xạ bú vẫn là một phản xạ không chủ ý nên đôi khi trẻ sẽ “quên” cách bú.
Nếu bạn đang nuôi con bằng sữa công thức, bạn có thể cho trẻ bú từ 30-60 ml sữa sau 3-4 giờ. Bạn có thể từ từ tăng lên 60-120 ml mỗi lần cho bú bình vào cuối tuần đầu tiên.
Còn trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ bú nhiều bữa nhỏ hơn, thường xuyên hơn. Trong 1 ngày, trẻ thường bú từ 8-12 cữ nên lượng sữa ở mỗi cữ bú cũng thường ít hơn.
Bạn có thể thắc mắc liệu trẻ có bú đủ sữa hay không. Trong vài ngày đầu sau sinh, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra sữa non, một chất lỏng màu vàng có thể tích nhỏ nhưng chứa đầy dinh dưỡng và khả năng miễn dịch tốt cho con bạn. Thông thường, bạn biết trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi có bú đủ sữa mẹ hay không bằng cách theo dõi xem bé đi vệ sinh như thế nào. Nếu trẻ tè khoảng 6 lần và đi nặng khoảng 3-4 lần nghĩa là trẻ đã bú đủ.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi
Việc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi chỉ ăn, ngủ, tè/ ị, khóc và lặp lại sau mỗi 1-3 giờ là điều hết sức bình thường. Thông thường, trẻ 1 tuần tuổi ngủ khoảng 14 đến 17 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ.
Các chuyên gia khuyến khích bố mẹ nên ngủ khi trẻ ngủ để tránh bị kiệt sức. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bà mẹ vì cơ thể lúc này sẽ cần thời gian để phục hồi sau khi sinh con.
Một lưu ý quan trọng chính là làm sao để trẻ có được giấc ngủ an toàn nhất. Tốt nhất nên đặt trẻ trên một bề mặt bằng phẳng và chắc chắn, gọn gàng, ở một nơi an toàn, chẳng hạn như nôi hoặc cũi. Trẻ phải được đặt nằm ngửa. Không nên có gối, chăn, đệm, đồ chơi ở khu vực ngủ của trẻ vì các vật này có thể đè lên trẻ, gây ngạt thở và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Ngoài ra, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ không khuyến nghị để trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi ngủ chung giường nhưng trong 6 tháng đầu tiên, nên để trẻ ngủ cùng phòng với bố mẹ để có thể cho trẻ bú vào ban đêm dễ dàng hơn cũng như dễ can thiệp nếu có bất kỳ vấn đề gì ở trẻ.
Trẻ sẽ không có nhiều cột mốc quan trọng khi được 1 tuần tuổi. Công việc chính của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi là làm quen với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ, học cách bú mẹ hoặc bú bình và dành nhiều thời gian để ngủ. Vì thế, hãy tận dụng thời gian này để nghỉ ngơi bạn nhé!